Giá điện kinh doanh cao nhất gần 4000 đồng/kWh

13/03/2015 10:06

Ngày 12/3 Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 2256 quy định về giá bán điện được áp dụng từ ngày 16/3 với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo đó, biểu giá điện sinh hoạt gồm 6 bậc, thấp nhất là 1.484 đồng/kWh và cao nhất là 2.587 đồng/kWh. Cụ thể, bậc 1 (50 kWh đầu tiên) giá bán lẻ điện sinh hoạt là 1.484 đồng/kWh; bậc 2 (51-100 kWh): 1.533 đồng/kWh; bậc 3 (101-200 kWh): 1786 đồng/kWh; bậc 4 (201-300 kWh): 2.242 đồng/kWh; bậc 5 (301-400 kWh): 2.503 đồng/kWh và bậc 6 (401 kWh trở lên): 2.587 đồng/kWh.

So sánh với giá điện hiện hành, mức tăng tương đương là 96 đồng/kWh (nếu dùng 50 kWh đầu tiên) và dùng từ 401 kWh trở lên mức giá tăng thêm là188 đồng/kWh.

Giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh. Ảnh minh họa: trithuctre
Giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh. Ảnh minh họa: trithuctre

Giá bán lẻ dùng cho công tơ thẻ là 2.141 đồng/kWh. Đối với đối tượng sản xuất, giá bán lẻ điện vào giờ cao điểm cao nhất là 2.735 đồng/kWh, giờ bình thường là 1.453 đồng/kWh và thấp điểm là 869 đồng/kWh.

Đối với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện cao nhất là 2.735 đồng/kWh, thấp nhất là 1.460 đồng/kWh.

Riêng với đối tượng kinh doanh sẽ phải chịu mức giá bán lẻ điện khá cao, mức giá bán điện cao nhất là 3.991 đồng/kWh, thấp nhất 1.185 đồng/kWh.

Theo tính toán của Hội Thẩm định giá, giá điện điều chỉnh tăng thêm 7,5% sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 vòng khoảng 0,369%. Đồng thời, khiến giá phôi thép tăng 0,45%, xi măng tăng 2,25%.

Với hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng, tiền điện mỗi tháng tăng khoảng 6.000 đồng; sử dụng từ 100-300 kWh/tháng chi phí tiền điện tăng 18.900 đồng/tháng. Hộ sử dụng trên 300 kWh/tháng thì số tiền điện sẽ tăng 59.064 đồng/tháng.

Riêng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại cuộc họp thông báo về điều chỉnh giá điện diễn ra cuối tuần trước ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với các mức tăng chi phí đầu vào thì đáng lẽ giá điện phải tăng 12,8% mới đủ để “nhà đèn” bù đắp hết các khoản lỗ tồn dư từ các năm trước cộng dồn lại. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh chỉ tăng 7,5% tới đây thì EVN mới chỉ bù đắp được khoảng gần 1000 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá, còn trên 7000 tỷ đồng sẽ được tập đoàn này bù đắp dần vào các năm tiếp theo. Cũng theo tính toán của EVN, giá điện điều chỉnh tăng thêm từ 16/3 tới dự kiến doanh thu của tập đoàn này tăng 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng (tương đương 1%).

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN