Hưởng ứng ngày thế giới không hút thuốc lá (31/5): "Sạch" từ bệnh viện
(Baonghean) - Tác động của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội là rất nghiêm trọng.
Bác sỹ Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho biết: Khói thuốc chứa tới 4.000 chất hóa học, trong đó có 43 chất gây bệnh ung thư. Người hút thuốc lá thụ động chịu nguy hại gấp 21 lần so với người hút trực tiếp. Sử dụng thuốc lá dễ gây ra một số căn nguy hiểm: chết đột tử, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và mãn, viêm tai giữa cấp và mãn, gây ra bệnh hen và làm trầm trọng thêm bệnh hen, làm giảm tốc độ phát triển chức năng phổi. Danh sách các bệnh do thuốc lá đem lại được phát hiện ngày càng nhiều, bao gồm cả những bệnh mà ít người hút thuốc nghĩ đến như: đục thủy tinh thể, bạch cầu cấp tính thể tụy, phình động mạch chủ, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư tử cung, ung thư thận, tăng nguy cơ vô sinh cho cả hai giới, giảm phát triển thai nhi và gây dị tật bẩm sinh.
Người nhà bệnh nhân hút thuốc trong Bệnh viện Sản - Nhi. |
Để phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Luật quy định có nhiều mức phạt với người vi phạm. Để luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, thông tin về tính độc hại của thuốc lá đã được đẩy mạnh. Nhưng vì nhiều lý do mà hiệu quả của luật chưa đạt như mong muốn: Tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn cao, người dân mặc dù biết rất rõ về tác hại của thuốc lá nhưng vẫn không từ bỏ để dẫn đến việc phải đi điều trị tại các bệnh viện do thuốc lá là phổ biến. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do sự vào cuộc thiếu quyết liệt, đồng bộ từ các cơ quan chức năng cũng như mọi người dân.
Người sử dụng thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng ở tỉnh ta vẫn diễn ra rất phổ biến, nhiều người vô tư hút thuốc lá ngay tại nơi bị cấm, thậm chí ngay tại bệnh viện - một môi trường đặc thù, nơi ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất. Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, các biển hiệu cấm hút thuốc lá và những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe được treo rất nhiều trong khuôn viên, hành lang các khu khám, điều trị bệnh cũng như có sự nhắc nhở của y, bác sỹ nhưng vẫn có không ít người nhà bệnh nhân chưa chấp hành nghiêm việc không hút thuốc lá trong bệnh viện.
Ngay cả Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi chiếm tới 60% các loại ung thư, số bệnh nhân, người nhà “tranh thủ” ra trước cổng, chỗ vắng người để hút thuốc vẫn rất nhiều. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - nơi nhạy cảm nhất đối với khói thuốc lá, lẽ ra càng không được phép hút thuốc thế nhưng không khó để bắt gặp những cảnh tượng nhiều phụ huynh đưa con đi khám, tranh thủ ra “làm vài hơi”, “vô tư” nhả khói thuốc mịt mù tại các gốc cây, bồn cây nơi khuôn viên của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Như Ngọc (TP.Vinh) than thở: “Các cháu vào đây điều trị đều là bệnh nặng, sức đề kháng rất yếu, nhưng nhiều phụ huynh không quan tâm, vẫn hút thuốc, gây hại cho sức khỏe của các cháu”.
Trao đổi với một số lãnh đạo các bệnh viện được biết: Việc xử lý người hút thuốc tại các bệnh viện hiện cũng chỉ mới dừng lại ở mức nhắc nhở, khuyến cáo, đến nay, vẫn chưa có bất cứ người vi phạm nào trong bệnh viện bị xử phạt. Bệnh viện chưa có chế tài cũng như không có thẩm quyền và nếu có quy trình xử phạt cũng rất rắc rối khi phải mời người vi phạm qua phường để công an phường, chính quyền địa phương sang bệnh viện xử lý. Bác sỹ Phan Văn Diệu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: “Bệnh viện đã triển khai đến cán bộ công nhân viên về việc phòng chống hút thuốc trong bệnh viện, phạt và kiểm điểm cá nhân nào vi phạm. Đối với thân nhân bệnh nhi, bệnh viện liên tục tuyên truyền bằng băng rôn, biển cấm, loa phát thanh và nhân viên bệnh viện cũng thường xuyên nhắc nhở. Do đó, nạn hút thuốc trong bệnh viện còn diễn ra phổ biến”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện vẫn đang có khá nhiều y, bác sỹ vẫn đang sử dụng thuốc lá ngay trong khuôn viên, phòng làm việc riêng ở bệnh viện. Hình ảnh những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân lại sử dụng thuốc lá đã tạo tác dụng ngược, giảm hiệu quả tuyên truyền.
Được biết, thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức chỉ đạo các đơn vị đưa vào Hội nghị cán bộ công chức để đăng ký thi đua, treo các biển “Cấm hút thuốc” nơi dễ nhìn, thường xuyên thành lập đoàn đi kiểm tra để bình xét khen thưởng hàng tháng. Tuy chưa chấm dứt toàn ngành nhưng đã hạn chế việc hút thuốc tràn lan. Nhiều đơn vị đã quy định nơi hút thuốc trong đơn vị cho những người quá nghiện chưa bỏ được, có 4 đơn vị đã chấm dứt triệt để không hút thuốc lá như Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Ung Bướu. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Nghệ An cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nói không với thuốc lá” ở các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện. Tổ chức ký giao ước, có kiểm tra và đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các cá nhân cũng như tổ chức.
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đang cần nhiều hơn sự nỗ lực của ngành Y tế trong việc tổ chức chiến dịch truyền thông về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cung cấp tài liệu, thông tin có liên quan đến tác hại của hút thuốc lá đến sức khỏe, môi trường và cộng đồng cho các đơn vị, địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng để thực hiện công tác tuyên truyền… Và việc cấp bách hơn nữa là chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế, y, bác sỹ gương mẫu thực hiện việc không hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị.
Bài, ảnh: Thanh Sơn