Tạo nguồn nhân lực để không 'lỗi hẹn' với doanh nghiệp Nhật Bản
(Baonghean) - Công tác đào tạo, dạy nghề tại Nghệ An đang có nhiều nỗ lực đổi mới để đảm bảo đầu ra đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Cơ hội “vàng”
Nhật Bản được biết đến là một quốc gia phát triển, nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới với trình độ khoa học - kỹ thuật cao. Tuy vậy, đất nước mặt trời mọc đang đau đầu với bài toán dân số già, đồng nghĩa với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.
Các công ty, doanh nghiệp tại đây đang muốn tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng từ bên ngoài, thu hút lao động từ các quốc gia khác sang Nhật làm việc hoặc nghiên cứu triển khai mô hình kinh doanh tại các nước khác để tận dụng nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ hơn ở quốc gia sở tại.
Giảng viên tương tác với học viên trong giờ học của Khoa Điện, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. |
Tình hình xuất khẩu lao động của Nghệ An sang thị trường Nhật Bản (đơn vị: người) |
Đối với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, đây đích thực là “cơ hội ngàn vàng” mà lực lượng lao động trẻ đang tìm cách đón đầu và tận dụng, thông qua việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng nước ngoài.
Một thực tế đáng mừng, theo số liệu tổng hợp trên toàn tỉnh, thời gian qua tình hình đưa lao động Nghệ An sang làm việc tại Nhật Bản có dấu hiệu tích cực, với số lượng tăng đột biến so với các năm trước, từ 561 người năm 2013, lên 874 người năm 2014 và đặc biệt là 2.105 người trong năm 2015.
Người lao động Nghệ An hoàn toàn có cơ sở để lạc quan trong thời gian tới, nhất là khi báo cáo kết quả xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm 2016 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục khẳng định chiều hướng trên. Cụ thể, 1.062 lao động Nghệ An, trong đó số lao động từ khu vực đồng bằng và miền núi lần lượt là 806 và 256 người được đưa sang làm việc tại các nhà máy, công ty, doanh nghiệp đóng tại Nhật Bản trong 6 tháng gần đây, đem lại công việc ổn định với nguồn thu nhập khá so với làm việc trong nước hay nhiều thị trường xuất khẩu lao động khác. Điều này cho thấy thị trường Nhật Bản đã bắt đầu “rộng cửa” hơn với lao động Nghệ An.
Mặt khác, làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư triển khai sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng ngày một tăng, và thị trường lao động Nghệ An với cơ cấu trẻ, nhiều ưu điểm như nhạy bén, chăm chỉ và cầu thị đang “lọt mắt xanh” các nhà tuyển dụng. Đã có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến Nghệ An để khảo sát đầu tư; Nghệ An cũng cử nhiều đoàn cán bộ sang Nhật Bản học tập, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Những hoạt động đó cho thấy quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, những yêu cầu đặt ra từ phía doanh nghiệp Nhật Bản đối với người lao động không phải dễ dàng, nếu không nói là khá cao.
Ông Yoshinaka Kazuo - Giám đốc Công ty CP Y.H Seiko Việt Nam chuyên thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, các linh kiện khuôn, gia công đúc nhựa, mới đây trong chuyến công tác tại Nghệ An chia sẻ: “Dù với vị trí kỹ sư hay công nhân, chúng tôi đều chú trọng yếu tố kiến thức chuyên môn, tay nghề thành thạo. Chúng tôi cũng trăn trở để truyền đạt các kỹ thuật tiên tiến của mình cho lao động Việt Nam, nên rất ưu tiên những ứng viên ham học hỏi và giao tiếp lưu loát bằng tiếng Nhật. Những người có nguyện vọng làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản cần lưu ý rằng, càng trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết thì cơ hội trúng tuyển càng cao”.
Thay đổi để thích nghi
Nắm bắt nhu cầu từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản, không ít trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình dạy và học theo hướng đáp ứng “tiêu chuẩn Nhật Bản”, dần có những bước chuyển tích cực.
Giờ thực hành tại Khoa Cơ khí của Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. |
Tại Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, sinh viên khi nhập học được ký cam kết với nhà trường và phía doanh nghiệp Nhật Bản được bảo đảm có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện như: hoàn thành chương trình học, kết quả rèn luyện toàn khóa đạt từ loại Khá trở lên, có chứng chỉ tiếng Nhật theo chuẩn quốc tế, sức khỏe và đạo đức tốt.
Ngoài chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo theo chương trình học truyền thống, Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân chú trọng trang bị hiểu biết xã hội và tạo cơ hội để sinh viên được cọ xát nhiều với thực tế diễn ra tại các môi trường làm việc.
Ông Nguyễn Lưu Thụy - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hiểu được nhu cầu từ phía doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi đã đưa tiếng Nhật vào giảng dạy trong chương trình học, bên cạnh nhiều môn học khác để sinh viên sớm tiếp cận với văn hóa doanh nghiệp, tác phong sống và làm việc của người Nhật. Sinh viên sẽ rút ngắn kỳ nghỉ hè và thay vào đó là các hoạt động kiến tập, thực tập ngay tại chính môi trường doanh nghiệp. Kết thúc 3 năm học tại trường, mỗi em sẽ có cơ hội thực tập 1 - 3 năm tại Nhật, vừa để các em trưởng thành hơn, vừa giúp các em tích lũy vốn trải nghiệm và tài chính”.
Bên cạnh Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân, Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng đóng trên địa bàn TP. Vinh cũng là một trong những đơn vị “bắt sóng” khá kịp thời nhu cầu từ phía các nhà đầu tư Nhật Bản.
Về xu hướng này, Đại tá Hồ Xuân Thắng - Trưởng ban Chính trị của trường cho biết: “Nhà trường xác định việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản nói riêng và hợp tác quốc tế nói chung trong đào tạo nghề hiện nay là hướng phù hợp, cần thiết. Trên cơ sở đó, trường đang tiến hành những bước đầu tiên trong hợp tác với một số doanh nghiệp Nhật Bản. Hai bên đã có những cuộc gặp gỡ, khảo sát đầu tư, hợp tác đầy triển vọng. Thời gian tới, xu hướng này sẽ tiếp tục được nhà trường chú trọng và hứa hẹn đem đến cho các học viên nhiều cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp Nhật”.
Thực tế, bên cạnh tay nghề tốt, chuyên môn vững vàng thì thông thạo tiếng Nhật là một trong những “điểm cộng” lớn của các ứng viên trong mắt nhà tuyển dụng. Vì thế, hiện trường đang xúc tiến thành lập Trung tâm Nhật ngữ, xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi và chương trình phù hợp để sớm đưa vào giảng dạy cho học viên.
Với sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, cẩn thận, có thể kỳ vọng các trường sẽ gặt hái nhiều quả ngọt trong giai đoạn triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác, đào tạo ra lớp lao động mới hoàn thiện cả kiến thức lẫn kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đầu vào khắt khe của nhà tuyển dụng. Một khi hợp tác đi vào thực chất, sẽ không còn những trường hợp lao động Nghệ An ngậm ngùi “lỗi hẹn” với doanh nghiệp Nhật Bản.
Phú Bình - Hoài ThuTIN LIÊN QUAN