Hãy dạy người trẻ chia sẻ và tranh luận

06/09/2016 16:54

(Baonghean) - Từ nhỏ, tôi luôn được dạy rằng: núi cao còn có núi cao hơn, luôn ở đâu đó có người giỏi hơn mình. Điều này có thể tốt, nhưng mặt không tốt của nó là làm người ta mất đi sự tự tin vào bản thân.

Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Bố và con (Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet)

Tôi cũng luôn được dạy hãy nói ít và nghe nhiều. Mẹ tôi vẫn dạy tôi rằng nói dài là nói dại, nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít. Nhưng không ai dạy tôi là nếu sai thì đã sao. Nếu không sai thì người ta sẽ chẳng biết được cái gì là đúng. Người ta sẽ giữ mãi trong đầu quá nhiều sự tự hỏi và chả bao giờ cảm thấy tự tin làm một điều gì.

Những điều tôi biết cho đến hiện tại phần lớn là những điều tôi học được từ cái sai của tôi và của người khác.

Người lớn ở Việt Nam thích người trẻ ngoan ngoãn và nghe lời. Do đó chúng ta thường dạy và được dạy cách học tập qua khiêm tốn và lắng nghe hơn là chia sẻ và tranh luận. Khi có sự khác biệt về ý kiến, người ta thường dùng từ “cãi” hơn là “tranh luận”. Người trẻ do đó dần dần hình thành tâm lý sợ nói, sợ phát biểu và sợ sai. Sự trao đổi ý kiến bị hạn chế rất nhiều.

Tôi nghĩ rằng thay vì đã dạy chúng tôi “khiêm tốn, nín lặng”, chúng ta nên dạy cho nhau cách nhìn rộng rãi, phóng khoáng, không thành kiến. Ngoài ra đừng ngại tranh luận, tự tin vào bản thân nhưng luôn sẵn sàng chấp nhận mình có thể sai.

Là một người trẻ, tôi trải nghiệm rõ ràng nhất điều này trong một năm sống trong môi trường văn hoá phương Tây. Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa hai nền văn hoá là sự tôn kính người lớn tuổi và sự gắn bó trong gia đình. Kính trọng người lớn tuổi là một điều bắt buộc trong văn hoá Viêt Nam, trong khi ở đây sự tôn trọng không phải là một điều hiển nhiên, mà là điều người ta phải tự giành lấy nếu muốn có. Người ta nhường nhịn người hơn tuổi theo phép lịch sự xã giao, nhưng trong cách nói chuyện và giao tiếp thì mọi người đều bình đẳng. Thực sự là tôi không thích điều này, tôi vẫn thích cách người Việt dùng đại từ nhân xưng theo vai vế để gọi nhau, nhưng không hề phủ nhận lợi ích mà nó mang lại cho những người trẻ tuổi.

Ở giai đoạn này của cuộc đời, tôi đặt bản thân ở chế độ học tập. Và điều may mắn nhất là tôi có khá nhiều mentor (người thầy thông thái, người cố vấn dày kinh nghiệm). Vài người trong số đó là người Tây, những người khác là những người đã hoặc đang sống ở trời Tây. Có người là bạn tôi, có người là tôi trả tiền để học. Nhưng tất cả họ đều có điểm chung là thích tranh luận và chia sẻ. Và tôi học được từ họ nhiều nhất từ việc tôi nói lên quan điểm của mình để rồi người ta chỉ cho tôi xem tôi sai hay đúng ở chỗ nào.

Có một điều mà tôi học được gần đây từ một mentor của tôi là hãy nói những gì mình nghĩ. Tính tôi vốn thẳng, nhưng cũng được dạy đủ khôn ngoan để im lặng đúng lúc. Có điều từ khi tôi tập cách nói hết những gì mình muốn thì cảm giác rất tuyệt vời. Đặc biệt là tôi thấy mình dễ chọn bạn mà chơi, và người ta thích tôi hơn khi tôi thật thà quá đáng, đôi khi thô lỗ như vậy.

Tôi rất hợp nói chuyện với người lớn, vì tôi luôn thấy hứng thú từ những câu chuyện của họ. Người Trung Quốc có câu nói: "Trong nhà có người già như là có bảo vật" thật chẳng sai chút nào. Người lớn thích nói chuyện với tôi vì lý do khá đơn giản, tôi ngoan và biết lắng nghe. Và con người thì ai cũng có nhu cầu chia sẻ. Có điều từ khi tôi học cách bộc lộ mình hơn, chia sẻ và tranh luận nhiều hơn thì người lớn càng thích tôi hơn. Nếu ngày xưa tôi được coi như đứa trẻ ngoan thì bây giờ có những người coi tôi như học trò, đôi khi là bạn tâm giao. Tranh luận làm người ta hiểu nhau hơn.

Tôi thích học và cũng thích chia sẻ tranh luận, tôi học được nhiều hơn từ đó. Tôi bây giờ như một cuốn sách mở mà ai cũng có thể đọc, nhưng càng đọc thì người ta càng thấy tôi khó hiểu. Thật tôi cũng chả biết vì sao. Chắc là vì tôi ham học, như một cuốn sách mà ai cũng có thể viết vào. Mỗi một người tôi từng gặp gỡ đều đã viết vài dòng vào cuốn sách đời tôi...

Bùi Vĩnh Thắng (Từ Ireland)

TIN LIÊN QUAN