Hiểm họa từ cây cầu '2 trong 1'

09/09/2016 12:52

(Baonghean.vn) - Trên cây cầu chỉ rộng hơn sải tay, cao 3m - 5m so với mặt đất lại không có lan can, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người qua lại.

Cây cầu có từ những năm 70 của thế kỷ trước nay không hề còn lan can nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Cây cầu có từ những năm 70 của thế kỷ trước nay không hề còn lan can nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Chiếc cầu máng dẫn nước từ Quốc lộ 48 vào cánh đồng lúa bản Tà Lạnh xã Châu Hạnh (Quỳ Châu – Nghệ An) lâu nay còn có chức năng như cây cầu dân sinh. Dân bản ra trung tâm thị trấn cách đó chừng 1km thường đi ngang về tắt qua đây. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại trên cây cầu này, trong đó có học sinh.

Dài khoảng hơn 100m, rộng chỉ hơn sải tay, cao 3m, có nơi khoảng 5m so với mặt đất, cây cầu như sợi dây mỏng manh vắt ngang đồng lúa. Hai bên lối đi trống trơn, chỉ còn lại dấu vết của hệ thống lan can đã bị phá hủy từ lâu. Phía dưới mặt cầu là mương nước được đậy bằng nắp bê tông để làm lối đi, có nhiều đoạn những chiếc nắp đặt xa nhau tạo thành những “chiếc bẫy” cho những ai vô tình dẫm vào đó.

Những chiếc nắp đậy đặt xa nhau tạo cho mặt cầu có nhiều chiếc rãnh sâu như những chiếc bẫy trên cây cầu không có lan can này.
Những chiếc nắp đậy đặt xa nhau tạo cho mặt cầu có nhiều chiếc rãnh sâu như những chiếc bẫy trên cây cầu không có lan can này.

Trong khoảng 1 giờ đồng hồ của một buổi sáng PV đã chứng kiến vài chục lượt xe máy, xe đạp qua lại. Nhiều người tránh nhau giữa chiếc cầu chật hẹp với tâm lý sợ hãi. Chỉ chút sơ sểnh cả người lẫn xe sẽ rơi xuống ruộng. Hơn 10 giờ sáng, trên cầu xuất hiện những tốp học sinh đi học về. Nhóm thì cẩn thận dắt bộ, nhóm khác đạp xe trên cây cầu hẹp, thản nhiên nói cười.

Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người qua lại trên cây cầu
Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người qua lại trên cây cầu "2 trong 1" này.

Một cán bộ xã được hỏi chia sẻ rằng: Cây cầu dân sinh ở bản Tà Lạnh có từ thập niên 70. Nó là mương thủy lợi từng phục vụ nước cho trên 6ha ruộng nước, nay còn tưới đủ cho 3ha. Người dân thấy tiện nên đi lại và nghiễm nhiên thành cầu dân sinh. Trước kia trên cầu cũng có lan can bảo vệ nhưng rồi bị phá trộm đem bán phế liệu. Mố cầu phía bản Tà Lạnh đã hư hại.

Người dân sống trên địa bàn được hỏi cho hay đã có nhiều tai nạn xảy ra với người và gia súc khi bị rơi cầu. “Có trường hợp rơi cả người lẫn xe xuống ruộng. Năm ngoái, 1 con trâu chết cũng vì ngã cầu. May là chưa có người thiệt mạng.” - Anh Lang Xuân Tứ, một người dân bản Tà Lạnh cho biết.

Có nhiều em học sinh trong bản hằng ngày vẫn đi học trên cây cầu này.
Có nhiều em học sinh trong bản hằng ngày vẫn đi học trên cây cầu này.

Những người được hỏi đều cho rằng việc qua lại trên cây cầu là nguy hiểm. Nhưng nhiều người vẫn coi đây là lối đi chính để về bản. Cách đó không xa là con đường bê tông dẫn vào bản Tà Lạnh nhưng là đường vòng xa hơn so với đi trên cầu. Vì muốn tiện đường nhiều người vẫn bất chấp nguy cơ tai nạn qua lại trên chiếc cầu mong manh này.

Một cán bộ xã cho biết, chính quyền có khuyến cáo người dân chỉ nên đi bộ trên cây cầu này vì đã có tai nạn xảy ra. Còn việc cấm bà con dùng cây cầu này là điều rất khó.

Hữu Vi - Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN