'Đường hàng không cao tốc' Bắc - Nam: Giảm 1% nhiên liệu là nhiều hay ít?
Lần đầu tiên Việt Nam có "đường hàng không cao tốc" trục Bắc - Nam dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù chỉ tiết kiệm 1% nhiên liệu, giảm 1-2 phút bay cho toàn lộ trình, song quan trọng hơn, đường bay "cao tốc" sẽ nâng mức an toàn; tối ưu hóa và nâng cao năng lực, không để tắc nghẽn trên vùng trời...
Hệ thống "đường hàng không cao tốc, song song, một chiều trục Bắc - Nam” được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đưa vào khai thác từ ngày 18-8, dựa trên tính năng dẫn đường tiên tiến RNAV5 theo tiêu chuẩn của ICAO. Đây cũng là hệ thống bay đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, ưu tiên cho các chuyến bay có cự ly bay dài, ở mực bay tối ưu.
Sơ đồ “Đường hàng không cao tốc” song song một chiều trục bay Bắc - Nam được vận hành từ ngày 18-8. |
Ông Phạm Việt Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết, vùng thông báo bay của Việt Nam nằm ở trung tâm hành lang kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm Tây và Tây Nam Á với Đông và Đông Bắc Á, có mật độ bay, tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với lưu lượng trên 2.000 chuyến bay mỗi ngày.
Dự kiến, trong năm 2016, Việt Nam sẽ điều hành hơn 730.000 chuyến bay qua khu vực đảm trách. Riêng đường bay trục Bắc - Nam của Việt Nam đang được xếp là một trong các đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới, có gần 700 chuyến bay mỗi ngày, chiếm khoảng 35% toàn mạng đường bay của Việt Nam. Chính hoạt động bay tăng trưởng nhanh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, thiết lập "đường hàng không cao tốc".
Trước đây, trục bay Bắc - Nam khai thác hỗn hợp hai chiều. Việc phân tách thành 2 luồng bay một chiều sẽ nâng gấp đôi năng lực vận chuyển hàng không. Tại khu vực Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, máy bay cất, hạ cánh trên 2 tuyến độc lập sẽ giúp giải tỏa được các xung đột về quỹ đạo bay. Phi công và nhân viên điều hành bay bớt đi nỗi lo có tình huống đối đầu trên không khi cất, hạ cánh, nhờ thế sẽ an toàn hơn, lưu thông tốt hơn và không bị tắc nghẽn trên vùng trời.
Các chuyên gia hàng không cho rằng, về hiệu quả khai thác, với đường bay một chiều ở độ cao tối ưu sẽ tiết kiệm được khoảng 1% nhiên liệu và giảm được 1-2 phút bay trên toàn lộ trình Bắc - Nam. Tuy nhiên, quan trọng hơn là an toàn bay được nâng cao. Trước đây, các chuyến bay trên trục Bắc - Nam được phân cách với nhau thông qua sự chỉ định của kiểm soát viên không lưu về khoảng cách, độ cao khác nhau. Do đó, việc tránh va chạm với nhau, đặc biệt trong giai đoạn tăng, giảm độ cao là rất phức tạp đối với cả phi công và kiểm soát viên không lưu.
Theo ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, sự thông thoáng trên vùng trời, lưu thoát tốt hơn của đường bay sẽ làm giảm tình huống phải xử lý trên đường bay, thời gian bay. Hơn nữa, khi đi đường thẳng, giữ được nhịp bay tương đối ổn định, độ cao ổn định, nhiên liệu tiêu hao sẽ giảm, khí thải CO2 cũng giảm.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trước đây, nhiều chuyến bay đến Sân bay Tân Sơn Nhất phải "bay chờ" từ 15 đến 60 phút, nhưng khi được phân luồng sẽ giảm đáng kể thời gian "bay chờ" hoặc chuyển hướng đi sân bay dự bị do không đủ nhiên liệu "bay chờ" đến lượt hạ cánh. Việc khai thác đường bay song song một chiều giúp nâng cao năng lực tiếp thu của vùng trời, tăng cường an toàn bay, cụ thể là giúp kéo giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu và tổ lái.
Theo Hanoimoi
TIN LIÊN QUAN |
---|