7 bí mật trong chiếc bánh trung thu chuẩn 'vị ngon nhà làm'

09/09/2016 07:55

(Baonghean.vn) - Bánh trung thu là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ đêm rằm tháng Tám. Nếu bạn muốn tự tay chuẩn bị món bánh nướng để cả nhà cùng thưởng thức vào dịp lễ Trung thu thì sau đây là 7 bí quyết bạn cần bỏ túi để có món bánh ngon chuẩn vị.

1. "Kỳ công" chuẩn bị trứng muối:

Trứng muối là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên một chiếc bánh nướng nhân truyền thống. Có lẽ đây cũng chính là công đoạn cầu kỳ nhất trong quá trình làm bánh nướng. Cách làm trứng muối khá đơn giản và hiếm khi thất bại, song lại mất ít nhất 3 tuần mới cho ra thành phẩm.

Các gia vị nóng như quế, hồi, thảo quả có thể giúp trứng muối nhanh
Các gia vị nóng như quế, hồi, thảo quả có thể giúp trứng muối nhanh "chín" và tăng thêm hương vị.

Một số mẹo nhỏ giúp trứng muối của bạn nhanh "chín" như là cho thêm một vài thành phần mang tính "nóng" như hồi, quế, gừng, thảo quả... Ngoài ra, một chút rượu và đường cũng sẽ khiến trứng có màu đỏ đẹp hơn.

2. Đừng quên những gia vị "thầm lặng" trong phần nhân bánh:

Phần nhân bánh thập cẩm thông dụng nhất bao gồm các nguyên liệu như: lạp xưởng, mỡ đường, vừng trắng, sen sên đường, lá chanh, hạt bầu... Tuy nhiên nếu chỉ có như vậy thôi thì bạn sẽ thắc mắc tại sao bánh mình làm cảm giác chưa được tròn vị, đậm đà.

Bột nếp được rắc vào khi trộn nhân để tạo độ kết dính giữa các thành phần.
Bột nếp được rắc vào khi trộn nhân để tạo độ kết dính giữa các thành phần.

Bí quyết nằm ở một loại "hương liệu" vô hình được thêm vào nhân bánh: rượu mai quế lộ. Đây là loại rượu ngâm với quế, hồi, thảo quả, đinh hương, tiểu hồi, tiêu hạt, hạt mùi, vỏ quýt khô. Mai quế lộ còn là "trợ thủ" đắc lực cho những món kho, om, hầm với khả năng làm dậy mùi thơm quyến rũ của các loại nguyên liệu.

Ngoài ra, để tạo độ kết dính cho nhân bánh thì trong lúc trộn nhân bạn nhớ rắc ít bột nếp nhé.

3. Đảm bảo mình có đủ sự kiên nhẫn để sên nhân bánh:

Ngoài bánh nướng nhân thập cẩm, các loại nhân ngọt như đậu xanh, sữa dừa, hạt sen cũng được nhiều người ưa thích. Nguyên liệu làm nhân ngọt có vẻ ít cầu kỳ hơn nhân thập cẩm mặn nhưng thực ra công đoạn gây "mệt mỏi" nhất chính là sên nhân.

Để có được một mẻ nhân nhuyễn, mịn, không bị bở, không bị gợn đậu, không bị khô quá hay tách dầu...đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn đảo đều tay phần nhân trên chảo để lửa nhỏ trong vòng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ. Sên càng kỹ thì nhân giữ được càng lâu và càng ngon.

Sên nhân bánh - công đoạn nghe thì dễ nhưng làm mới thấy
Sên nhân bánh - công đoạn nghe thì dễ nhưng làm mới thấy "ức chế"...

4. Đừng để không khí lọt vào giữa nhân và vỏ:

Khi nặn bánh, không khí có thể lọt vào khi bạn bọc phần vỏ xung quanh nhân đã được vo viên. Những chỗ có không khí sẽ thấy vỏ bánh hơi phồng lên, ấn vào thấy xẹp xuống. Bạn chỉ cần dùng một chiếc tăm nhỏ chọc vào chỗ có không khí rồi ấn nhẹ cho không khí thoát ra hết, dùng tay miết nhẹ cho vỏ bánh kín lại.

Chú ý đừng để không khí lọt vào giữa vỏ và nhân bánh để khi nướng bề mặt bánh được phẳng, giữ nét.
Chú ý đừng để không khí lọt vào giữa vỏ và nhân bánh để khi nướng bề mặt bánh được phẳng, giữ nét.

5. Giữ khuôn thẳng khi ép bánh:

Để chiếc bánh có được hình dáng và các góc cạnh sắc nét, bạn nên giữ chiếc khuôn thẳng đứng, vuông góc với mặt bàn trong suốt quá trình ấn và nhấc khuôn. Để bánh không dính khuôn, hãy rắc chút bột vào trong khuôn hoặc quét ít dầu ăn trước khi ấn.

Nếu bột bị dây lên mặt bánh thì cũng đừng lo ngại, sau khi nướng bánh, chỉ cần dùng một chiếc chổi nhỏ khô quét nhẹ là bột sẽ rơi ra ngay.

Thao tác dứt khoát khi ép khuôn bánh để có được chiếc bánh sắc cạnh.
Thao tác dứt khoát khi ép khuôn để có được chiếc bánh sắc cạnh.

6. Nướng bánh 3 lần với nhiệt độ phù hợp:

Một số công thức nướng bánh ở nhiệt độ cao trên 200 độ C, một số khác lại khuyên điều chỉnh mức nhiệt khoảng 180 - 190 độ C. Nhiệt độ cũng tuỳ thuộc vào loại nhân bánh bạn lựa chọn. Tuy nhiên hãy nhớ phải dùng loại lò nướng có 2 lửa để bánh chín đều cả mặt trên và mặt dưới. Bạn cũng nên vặn nhiệt độ trước khi nướng từ 10 - 15 phút để đảm bảo lò đạt độ nóng cần thiết khi cho bánh vào.

Nhớ kiểm tra nhiệt độ lò trước khi cho bánh vào nướng.
Nhớ kiểm tra nhiệt độ lò trước khi cho bánh vào nướng.

Sau khi nướng bánh khoảng 7 - 10 phút, bạn nên lấy bánh ra khỏi lò, xịt chút nước lên mặt bánh để tránh mặt bánh bị khô, nứt rồi cho vào lò nướng lần 2. Sau đó 10 phút, bạn lấy bánh ra và quét lên bánh một lớp hỗn hợp trộn từ trứng gà, dầu ăn, nước đường để bánh có màu bóng đẹp. Nướng lần cuối trong khoảng 10 phút.

Quét bánh nhanh và đều tay, đừng quét quá dày nếu không bánh sẽ ngả màu nâu cháy.
Quét bánh nhanh và đều tay, đừng quét quá dày nếu không bánh sẽ ngả màu nâu cháy.

7. Thưởng thức thành phẩm thật đúng điệu:

Bánh nóng mới ra lò đem lại cảm giác hào hứng cho người thưởng thức, còn nếu để sau 1 - 2 ngày thì dầu trong bánh sẽ thấm ra khiến vỏ bánh mềm hơn một chút và có màu vàng sậm hơn.

Bánh mới ra lò có màu vàng bóng, nhưng qua ngày hôm sau sẽ có màu nâu sậm rất đẹp.
Bánh mới ra lò có màu vàng bóng, nhưng qua ngày hôm sau sẽ có màu nâu sậm rất đẹp.
Bánh trung thu hình chú lợn ngộ nghĩnh này sẽ khiến các em nhỏ thích mê.
Bánh trung thu hình chú lợn ngộ nghĩnh này sẽ khiến các em nhỏ thích mê.

Bánh tự làm ngon nhất nếu bạn thưởng thức trong khoảng 3 ngày đầu tiên, nếu muốn bảo quản lâu hơn thì hãy cho bánh vào hộp và dùng gói chống ẩm. Bạn cũng có thể tạo sự mới mẻ với những hình dáng bánh ngộ nghĩnh tuỳ theo mức độ sáng tạo của bản thân.

Thưởng thức món bánh trung thu với tách trà nóng - thú ăn, thú vui nền nã, ấm cúng cho ngày Tết trung thu.
Thưởng thức món bánh trung thu với tách trà nóng - thú ăn, thú vui nền nã, ấm cúng cho ngày Tết trung thu.

Bạn đã sẵn sàng vào bếp chuẩn bị món bánh trung thu chuẩn "vị ngon nhà làm" cho người thân và bạn bè cùng thưởng thức dịp Tết trung thu này chưa?

Bài, ảnh: Thục Anh

Thực hiện: Tú Oanh

TIN LIÊN QUAN