Dư luận về việc 'thu phí' máy gặt ở huyện Yên Thành

19/09/2016 08:46

(Baonghean) - Trước thực trạng một số đối tượng lộng hành “bảo kê”, “làm luật” máy gặt trên địa bàn huyện Yên Thành gây phức tạp, bức xúc trong nhân dân, các xã trên địa bàn huyện đã có những cách làm khác nhau để ngăn chặn. Tuy nhiên, do lúng túng trong điều hành nên có lúc, có nơi chưa đúng quy trình. UBND huyện Yên Thành đã kịp thời chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho vụ lúa tới với quyết tâm giải quyết thật tốt vấn đề này.

Theo phản ánh của nhiều bà con nông dân xã Bắc Thành (Yên Thành). Các vụ thu hoạch lúa trước, máy gặt về địa bàn đều phải qua các đối tượng “bảo kê”, giá gặt đội lên từ 200.000 - 220.000 đồng/sào. Đặc biệt ngày 1/9 vừa qua có 2 đối tượng đã ra tận đồng ruộng trực tiếp đòi các chủ máy trả “phí” 20.000 đồng/sào. Các đối tượng này đã được UBND xã Bắc Thành báo cho Công an huyện bắt giữ đưa về giải quyết.

Ông Nguyễn Đức Bằng - Trưởng Công an xã Bắc Thành (Yên Thành) cho biết, các đối tượng xấu sẵn sàng rải thép dưới ruộng để phá máy nếu bị ngăn cản.Ảnh: P.V
Ông Nguyễn Đức Bằng - Trưởng Công an xã Bắc Thành (Yên Thành) cho biết, các đối tượng xấu sẵn sàng rải thép dưới ruộng để phá máy nếu bị ngăn cản. Ảnh: P.V

Trước tình hình đó, UBND xã chỉ đạo Công an xã xây dựng kế hoạch cam kết đồng thời tạm thu 2 triệu đồng/máy gặt, giao trách nhiệm cho các chủ máy trong việc bảo vệ giao thông, cầu cống nội đồng, mức giá 160.000 đồng/sào, sau khi thu hoạch xong, UBND xã sẽ trả lại số tiền trên theo cam kết.

Ông Trần Danh Lương - Chủ tịch UBND xã Bắc Thành thừa nhận: Do tự phát trong quản lý nên việc tạm thu tiền bảo lãnh của các công dân đăng ký dịch vụ máy gặt là không hợp lý, gây hiểu nhầm của dư luận là Công an xã thu tiền “bảo kê”. Ngay sau khi dư luận phản ánh và có chỉ đạo của trên, từ nhận ra bất cập, ngày 7/9 UBND xã Bắc Thành đã giao trả số tiền 38 triệu đồng cho 19 máy gặt. Đồng thời xã tiếp tục động viên các chủ máy gặt lúa cho bà con đảm bảo thời vụ; chỉ đạo công an bảo vệ an ninh cho các máy gặt... Qua sự việc xảy ra, UBND xã Bắc Thành đặc biệt là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, trưởng công an xã sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các máy gặt phục vụ nhân dân tốt nhất...

Đối với địa bàn thị trấn Yên Thành, tình trạng bảo kê máy gặt cũng khá nhức nhối. Các đối tượng còn nhắn tin, đe dọa cả lãnh đạo UBND thị trấn. Ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành cho hay: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thị trấn, cử tri đã đề nghị nhằm triệt phá nạn bảo kê máy gặt của một số đối tượng.

Về phía UBND thị trấn Yên Thành đã ra “hợp đồng kinh tế” về việc “thu hoạch lúa hè thu năm 2016”. Nhằm tránh tình trạng “bảo kê” trước đây các máy gặt vào rồi bỏ dở, chỉ gặt những chỗ dễ, chỗ khó không gặt cho nhân dân.

Theo hợp đồng bên máy gặt phải nạp 5 triệu đồng cho UBND thị trấn, sau khi hợp đồng thu hoạch xong đảm bảo không vi phạm các điều khoản thì UBND thị trấn sẽ thanh toán lại cho các chủ máy gặt. 70 ha lúa của thị trấn chỉ đưa vào 5 máy, thống nhất giá chỉ 150.000 đồng/sào, nếu các chủ máy không thực hiện thì không ký hợp đồng. Trong đó có 3 máy đòi giá cao hơn mức 150.000 đồng/sào không được UBND thị trấn chấp nhận và dẫn đến tình trạng “va chạm”.

Sau khi thống nhất, giá cả và các điều khoản, 5 máy gặt đã vào gặt xong lúa cho bà con. Trong ngày 17/9 UBND thị trấn Yên Thành đã giao trả hoàn toàn số tiền trên cho 5 chủ máy gặt. UBND xã trích ngân sách hỗ trợ một phần cho lực lượng an ninh trong quá trình sản xuất chứ không lấy số tiền thu bảo lãnh trên.

Tuy nhiên, theo ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành do nạn bảo kê máy gặt làm ảnh hưởng tới nhân dân, UBND thị trấn Yên Thành đã nóng vội trong điều hành dẫn tới chưa đúng quy trình. UBND thị trấn xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và đưa ra giải pháp cho vụ gặt tới như: Do không có HTX dịch vụ nông nghiệp nên Ban nông nghiệp thị trấn phối hợp với các xóm, trực tiếp do các xóm ký hợp đồng với các chủ máy gặt (giá cả thỏa thuận chung với giá thị trường) trên cơ sở lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân. UBND thị trấn sẽ điều động lực lượng Công an thị trấn hỗ trợ về công tác an ninh đảm bảo cho vụ gặt.

Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Vấn nạn “bảo kê”máy gặt xuất hiện mạnh nhất từ vụ đông xuân năm 2016, các côn đồ, cò tự đặt giá, ép giá khống chế các máy gặt. Theo tính toán sơ bộ, huyện Yên Thành gieo cấy vụ xuân năm 2016 trên 12.000 ha, các chủ máy gặt phải thông qua “cò” bảo kê máy gặt nên giá lên từ 200.000 - 250.000 đồng/sào. Nếu tính giá thật là 140.000 - 160.000 đồng/sào, thì mỗi vụ lúa các đối tượng “bảo kê” bỏ túi của bà con nông dân hơn 2 tỷ đồng.

Thu hoạch lúa ở Yên Thành.
Thu hoạch lúa ở Yên Thành.

Ông Nguyễn Vương Ngọc cũng thừa nhận để chấn chỉnh nạn bảo kê máy gặt một số xã tự tổ chức tạm thu tiền bảo lãnh máy gặt là chưa đúng dễ tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Yên Thành đã có công văn gửi Chủ tịch UBND xã Bắc Thành ngày 6/9. Yêu cầu Chủ tịch UBND xã Bắc Thành chỉ đạo hoàn trả toàn bộ kinh phí đã thu của các chủ máy gặt trước ngày 8/9, nghiêm túc kiểm điểm những cán bộ, những thành phần có liên quan.

Ngày 12/9 UBND huyện Yên Thành tiếp tục có công văn gửi Chủ tịch UBND thị trấn, UBND xã Nhân Thành xử lý các vụ việc báo nêu liên quan tới vấn đề thu tiền bảo lãnh của chủ máy gặt. Chủ tịch UBND huyện cũng giao cho UBND thị trấn Yên Thành, UBND xã Nhân Thành kiểm tra, xác minh và trả lời với UBND huyện trước ngày 30/9.

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Qua sự cố trên huyện rút kinh nghiệm trong điều hành. Thời gian tới, để đưa các máy gặt lúa vào địa bàn đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, huyện chỉ đạo các xã giao cho các HTX quản lý, trên cơ sở điều hành đúng quy trình được bà con xã viên và nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Thực tế HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý lĩnh vực này là đúng với quy định.

Nếu các HTX dịch vụ nông nghiệp năng lực yếu thì đề nghị cấp ủy, chính quyền xã cùng phối hợp giúp đỡ để HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động tốt hơn. Đặc biệt là chỉ đạo Công an huyện Yên Thành, phối hợp với Công an xã thành lập chuyên án “bảo kê” máy gặt, từ đó điều tra, làm rõ xử lý nghiêm minh trước pháp luật để làm gương cho kẻ khác.

Hải An

TIN LIÊN QUAN