'Phơi mầm' sau mưa bão

15/09/2016 15:59

(Baonghean.vn) - Đợt mưa lũ vừa qua làm cho nhiều diện tích lúa, ngô, rau màu của nông dân Nghệ An bị đổ gãy. Rất nhiều diện tích lúa, ngô đã bị mọc mầm ngay ngoài đồng. Bà con nông dân tranh thủ thu hoạch về phơi làm thức ăn cho gia súc.

Ngô ở Anh Sơn được thu hoạch kịp thời trong mưa lũ nhưng số lượng lớn bị mọc mầm.
Ngô ở Anh Sơn được thu hoạch kịp thời trong mưa lũ nhưng số lượng lớn bị mọc mầm.

*Nhiều diện tích ngô ở Anh Sơn được thu hoạch kịp thời ngay trong mưa lũ. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài, ngô bị ngâm ủ trong nước do vậy, số lượng lớn ngô đã bị mọc mầm. Ngô bông chỉ để 3 ngày trong nhà không phơi được đã lên mốc, may hôm nay trời nắng có thể phơi nếu không bị hư hỏng hết.

Theo phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn, mưa lớn trong nhiều ngày qua đã khiến cho 158 ha lúa hè thu, trên 393 ha ngô và hoa màu, 52,7 ha sắn bị ngập úng hư hại, số gia cầm bị chết và cuốn trôi 1.150 con, 50 cống thoát nước bị hỏng hóc, 02 đập thủy lợi bị sạt lở, 2.600 m đường giao thông bị sạt lở hư hỏng. Huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả của mưa lụt, tiếp tục sản xuất.

Nắng sau mấy ngày mưa là cứu cánh giúp bà con phơi lương thực.
Nắng sau mấy ngày mưa là cứu cánh giúp bà con phơi lương thực.

Huyền Trang

* Sáng 15/9, khi trời đã bắt đầu hửng nắng, bà con nông dân các xã - thị của huyện Đô Lương tập trung ra đồng thu hoạch diện tích lúa hè thu. Đối với các vùng bị gãy đổ, những nơi lúa đã chín bà con tập trung gặt tay, nơi lúa còn xanh nâng buộc cho cây lúa khỏi bị ngập.

Nông dân ra đồng thu hoạch lúa hè thu bị gãy đổ.
Nông dân ra đồng thu hoạch lúa hè thu bị gãy đổ.

Theo thống kê nhanh của Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương, mưa lớn trong 2 ngày qua đã làm gãy đổ và ngập úng trên 1.800/6.000 ha diện tích lúa hè thu. Huyện đang tập trung chỉ đạo địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa bị ngập, gãy đỗ, các diện tích lúa đã chín trên 80%. Vận động các tổ chức đoàn thanh niên ra quân hành động gặt giúp dân. Bên cạnh đó, tổ chức khơi thông dòng chảy, tiêu úng cho những vùng bị ngập để thuận tiện cho việc thu hoạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để sản xuất cây vụ đông kịp thời vụ.

Sỹ Bắc - Ngọc Phương

* TX Hoàng Mai có gần 1.300 ha diện tích lúa hè thu, hiện đang trong giai đoạn bắt đầu chắc hạt, một số ít đã gần chín. Mưa lớn đã làm cho nhiều diện tích lúa ở các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Xuân bị đổ rạp, ngập trong nước.

Nhiều diện tích lúa bị gãy đổ ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều diện tích lúa bị gãy đổ ảnh hưởng đến năng suất.

Tranh thủ nắng lên, bà con đang ra đồng để buộc dây dựng lại cây lúa vì chưa đủ chín để thu hoạch. Do bị ngập nước vào thời điểm hạt lúa đang xanh nên khả năng lúa bị lép hạt sẽ rất cao, ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, các loại rau màu như cải ngọt, bắp cải, su su cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, thối rễ, thối bẹ nên bà con phải thu hoạch non hoặc nhổ bỏ thay thế cây giống mới.

Thanh Thủy - Thu Hiền

* Mấy ngày qua, mưa lũ làm cho nhiều diện tích ngô vụ đông ở huyện Nghi Lộc bị đổ, trồi gốc, ngay sau mưa tạnh, nông dân ra đồng vun gốc, chăm sóc và trỉa dặm.

Tại xã Nghi Thuận nhiều dàn mướp đắng bị gãy đổ, các gia đình huy động toàn bộ nhân lực để ra đồng dựng lại dàn, chăm sóc lại toàn bộ diện tích cây mướp đắng. Dù không được như trước nhưng mong sao cũng vớt vát được một ít vốn liếng, công sức đã bỏ ra.

Hàng trăm hécta ngô bị ngã, trồi gốc sau mưa lớn.
Hàng trăm hécta ngô bị ngã, trồi gốc sau mưa lớn.

Theo thống kê, huyện Nghi Lộc, đợt mưa bão 3 ngày qua đã làm thiệt hại 800 ha ngô, 400 ha lạc, 150 ha rau màu và 1.000 ha lúa bị ngập chìm trong nước. Để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, phòng NN và PTNT kịp thời tuyên truyền cho bà con nông dân tập trung khơi thông dòng chảy, bám đồng chăm sóc vun xới những diện tích cây trồng bị đổ ngã.

Đối với những diện tích lạc phủ ni lông bà con cần kịp thời phun thuốc kích thích bộ rễ để cây phát triển kịp thời vụ. Những diện tích rau màu đến thời kỳ thu hoạch, bà con nông dân cần khẩn trương thu hoạch để làm đất trồng ngô ngắn ngày. Đồng thời chọn những vùng tiêu thoát nước nhanh để làm lại rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới.

Hồng Vinh - Thu Hiền

* Ở huyện Yên Thành, mưa lớn làm 1.000 ha lúa vụ hè thu, giai đoạn chín từ 60%-70% bị ngã đổ, ngập nước, một số diện tích lúa đã có hiện tượng mọc mầm.

Nhiều diện tích lúa ở Yên Thành bị mọc mầm ngay trên đồng.
Nhiều diện tích lúa ở Yên Thành bị mọc mầm ngay trên đồng.

Ngay khi thời tiết thuận lợi, huyện Yên Thành đã tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, thống kê, đôn đốc bà con nhân dân khắc phục thiệt hại, tiến hành thông thoáng dòng chảy, dựng lại diện tích cây trồng bị ngã đổ. Đồng thời, huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa tránh bị thối, nảy mầm trên bông.

Anh Tuấn - Phan Hiền

* Để kịp thời khắc phục hậu quả, ngay sau mưa lũ lãnh đạo huyện Thanh Chương tổ chức nhiều đoàn công tác tới các địa phương bị thiệt hại nặng để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Các xã đã tập trung tu sửa nhà cửa, dọn dẹp hậu quả trận lốc, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nông dân nhiều vùng Thanh Chương tích cực thu hoạch lúa bị gãy đổ.
Nông dân nhiều vùng Thanh Chương tích cực thu hoạch lúa bị gãy đổ.

Theo ông Lê Đình Thanh - P. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, sau khi ứng cứu khẩn cấp đối với các vùng bị thiệt hại nặng, kiên quyết không để dân bị đói rét. Ngay sau lũ huyện thống kê thiệt hại, chỉ đạo tổ chức thu hoạch lúa và hoa màu chạy lũ đối với các vùng bị ngập úng theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", phấn đấu gặt hết diện tích lúa hè thu vào ngày 20/9.

Cùng đó, tích cực sản xuất vụ đông. Yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, yêu cầu ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác ngăn ngừa và tuyên truyền người dân không được ra sông suối vớt củi, chăn thả trâu bò, đánh bắt cá và có các hoạt động nơi sông nước đề phòng tai nạn. Tổ chức đợt cao điểm thực hiện công tác phòng chống lụt bão để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.

Đình Hà

Đài Thanh Chương

TIN LIÊN QUAN