Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị NAM
Sáng 17/9 (theo giờ địa phương), Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết đã khai mạc tại đảo Margarita (Venezuela).
Đại diện các nước tham dự chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Tham dự Hội nghị có 22 tổng thống và thủ tướng, 11 phó tổng thống và phó thủ tướng, trưởng đoàn của các nước thành viên, các nước, tổ chức quan sát viên và khách mời.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phóng viên TTXVN có mặt tại Margarita cho biết với chủ đề “Hòa bình, Chủ quyền và Đoàn kết vì Phát triển,” hội nghị lần này tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường sự đoàn kết, phát huy vai trò của Phong trào Không liên kết trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước thành viên đối với những vấn đề quan trọng như hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, cải tổ hệ thống quốc tế, hợp tác cùng phát triển, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đề cao vai trò của Phong trào Không liên kết trong 55 năm qua trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, quyền tự quyết, chủ quyền, hoà bình và phát triển.
Tổng thống Maduro kêu gọi thành lập Ban Thư ký làm cơ quan điều phối của Phong trào Không liên kết và Nhóm 77, lập Ngân hàng của các nước phương Nam, bảo đảm chủ quyền về lương thực, liên kết các phong trào xã hội của các nước đang phát triển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị.
Với thông điệp “Củng cố đoàn kết trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc chung vì hòa bình, chủ quyền và phát triển bền vững,” Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng qua 55 năm phát triển, Phong trào Không liên kết đã có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh và cùng phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Phong trào chỉ mạnh mẽ nhất khi tất cả các nước thành viên đoàn kết, thống nhất, cùng chung tiếng nói và cùng hành động trên cơ sở các nguyên tắc và mục tiêu chung.
Phó Thủ tướng cho rằng tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều thách thức lớn hiện nay về hòa bình, an ninh, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường… trên thế giới mà không một nước nào có thể tự xử lý được.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, sự can thiệp, gây sức ép và áp đặt các giá trị, quan điểm và lợi ích vị kỷ của các nước lớn, sự bất công trong quan hệ thương mại, tài chính, nguy cơ tụt hậu, chủ nghĩa đơn phương…
Phó Thủ tướng đề nghị Phong trào tập trung củng cố lại đoàn kết, đề cao các nguyên tắc sáng lập, trong đó giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có sự khác biệt,” thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, ba bên, liên khu vực, tiểu vùng, bảo đảm các cơ chế quản trị toàn cầu phải dân chủ, công bằng hơn, có sự tham gia thực chất của các nước thuộc Phong trào Không liên kết.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề cao những nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN, đặc biệt trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển và xử lý các thách thức phức tạp ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Phó Thủ tướng kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Tổng thống nước chủ nhà Venezuela Nicolas Maduro (phải) trong lễ đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Cũng tại hội nghị trên, các nước ASEAN đã nhất trí yêu cầu Hội nghị ghi nhận những phát triển mới ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc thành lập Cộng đồng ASEAN, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông.
Các nước ASEAN đề nghị Hội nghị tiếp tục ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, bảo đảm thực hiện DOC, sớm tiến tới COC./.
Theo Vietnamplus
TIN LIÊN QUAN |
---|