TP. Vinh 'cởi trói' cho kinh doanh vỉa hè

20/09/2016 11:17

(Baonghean) - Sau nhiều năm đẩy đuổi, xử phạt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh vẫn diễn ra hàng ngày. Thành phố Vinh quyết định thí điểm cho các hộ dân sử dụng tạm thời một phần vỉa hè vào mục đích kinh doanh, buôn bán hàng hóa.

Hộ kinh doanh “như được cởi trói”

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, đang chờ việc, anh Nguyễn Văn Huy cùng gia đình mở quán bia, giải khát trên đường Phan Đăng Lưu (phường Trường Thi). Tiền thuê ốt mỗi tháng 10 triệu đồng, để đảm bảo hoạt động kinh doanh còn phải thuê 3 nhân viên bán hàng. Theo tính toán của anh Huy, để trang trải mọi chi phí thuê ốt, trả nhân công, nộp thuế... mỗi ngày ít nhất quán của gia đình phải có nguồn thu 4 triệu đồng. Chiều rộng của quán chỉ được 4m, khách hàng uống bia, giải khát lại thích ngồi phía ngoài vỉa hè cho thoáng mát nên gia đình anh đặt bàn ghế ngoài vỉa hè để tăng lượng khách.

Trước đây, hoạt động kinh doanh này bị lực lượng chức năng xử phạt, tịch thu bàn ghế. Nhưng từ tháng 6/2016 đến nay, gia đình anh được UBND thành phố cho thí điểm sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để bàn ghế, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh. Anh Huy hồ hởi: “Như thế này tôi thấy như được “cởi trói”. Bởi mặt bằng kinh doanh không rộng, trong khi khách thích ngồi vỉa hè cho thoáng”.

Khi thành phố cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, một quán hàng ở đường Phan Đăng Lưu đặt thêm bàn ghế phục vụ kinh doanh.
Khi thành phố cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, một quán hàng ở đường Phan Đăng Lưu đặt thêm bàn ghế phục vụ kinh doanh.

Đó cũng là tâm trạng chung của hàng trăm hộ kinh doanh dọc 4 tuyến đường đang được UBND TP. Vinh thí điểm cho sử dụng một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh gồm: Đường Hồ Tùng Mậu (phường Hưng Bình và Trường Thi), Phan Đăng Lưu (phường Trường Thi); Lê Hồng Sơn và Cao Thắng (phường Hồng Sơn).

Những tuyến đường này có khoảng 270 hộ kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau. Mỗi hộ được ký cam kết với chính quyền địa phương về việc nghiêm túc thực hiện chủ trương, chỉ sử dụng 1/3 vỉa hè trên thực tế để phục vụ kinh doanh. Lực lượng chức năng của thành phố sẽ tiến hành kẻ vẽ vạch sơn, xác định phần vỉa hè được để bàn ghế, hàng hóa và phần được để phương tiện, đồng thời vẫn tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm.

Chủ trương trên được hầu hết hộ kinh doanh đồng tình cao vì cho phép họ phát huy được công năng “mặt tiền”. Trong hoàn cảnh khó tìm kiếm việc làm, bám phố kinh doanh được xem là giải pháp mưu sinh hữu hiệu của rất nhiều hộ dân, đáp ứng cả “cung và cầu” cho cư dân đô thị.

Tăng cường công tác quản lý

Chủ trương này có thể là kinh nghiệm được TP. Vinh áp dụng sau nhiều năm quản lý và học theo cách làm của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đô thị khác. Nhiều thành phố còn xem kinh doanh dọc vỉa hè như một lĩnh vực nghiêm túc với khái niệm “kinh tế vỉa hè”.

Vấn đề đặt ra là công tác quản lý cần đi vào thực chất và thường xuyên, nghiêm túc hơn. Bởi sau khi được “cởi trói”, tất cả các hộ kinh doanh dọc 4 tuyến phố đều tự tin với hoạt động kinh doanh, khai thác tối đa lợi thế “mặt tiền” được cho phép. Tuy nhiên, nếu lại “ngựa quen đường cũ” lấn tới, để hàng hóa kín cả vỉa hè, việc quy hoạch, quản lý vỉa hè sẽ lại "đâu vào đó".

Điển hình như ở dọc tuyến đường Lê Hồng Sơn (hay còn gọi đường Hồng Sơn), hàng chục hộ kinh doanh bán sỷ, bán lẻ các loại hàng hóa hai bên tuyến bày hàng hóa kín vỉa hè, để xe ngay dưới lòng đường gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị.

Bà Hoàng Thị H. có ki - ốt trên dọc phố này làm đại lý cho một nhãn hàng. Hàng ngày bà cùng các nhân viên chấp hành nghiêm quy định về sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, thế nhưng trước việc nhiều hộ lấn chiếm, chắn kín cả vỉa hè, bà than phiền:

“Nhiều hộ khác lấn chiếm như vậy che cả lối đi cho người đi bộ, thậm chí che một phần ki - ốt chúng tôi. Có hộ bước đầu chấp hành như gia đình tôi, sau cũng đưa hàng ra, lấn chiếm cả phần cấm trên vỉa hè. Chúng tôi đề nghị các lực lượng chức năng và phường làm cho nghiêm để đảm bảo công bằng, góp phần thực hiện xây dựng tuyến phố văn minh theo chủ trương của thành phố…”.

Nhiều hộ kinh doanh dọc đường Hồng Sơn (TP. Vinh) lấn chiếm trọn cả vỉa hè.
Nhiều hộ kinh doanh dọc đường Hồng Sơn (TP. Vinh) lấn chiếm trọn cả vỉa hè.

Trao đổi vấn đề này với ông Phan Thanh Sơn, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị (TTĐT), ông cho biết: Trong quá trình thực hiện, thành phố chỉ đạo các hộ ký cam kết giữ gìn vệ sinh chung, không vi phạm các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tự dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ... nếu hộ nào vi phạm sẽ cấm triệt để không cho kinh doanh.

Quá trình thực hiện, Đội quản lý TTĐT phối hợp với Công an thành phố và các phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt một số trường hợp. Tuy nhiên, khó khăn là sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, chính quyền địa phương chưa quản lý chặt nên tình trạng vi phạm tái lấn chiếm vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tốt đẹp của thành phố là tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh.

Nguyên Nguyên

TIN LIÊN QUAN