Thanh Chương: Nhân rộng mô hình cam V2

23/09/2016 16:29

(Baonghean.vn) - Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ đông năm nay huyện Thanh Chương đã triển khai trồng 20 ha cam V2. Đây là một hướng đi mới đầy triển vọng ở Thanh Chương.

a
Vườn cam một năm tuổi tại nhà ông Hồng- bà Long xóm Liêm Minh xã Thanh Liên.

Là vùng đất có nhiều đồi núi thấp, khi hậu phù hợp nên từ lâu người dân các xã miền núi của huyện Thanh Chương đã trồng cam. Các thương hiệu cam bì, cam sen Cát Ngạn và cam sạch Tổng đội đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Là một người đã từng trồng cam rất thành công, cách đây 5 năm ông Võ Văn Kỷ ở xóm 10 xã Thanh Nho đã cùng một số hộ dân khác đi tham quan, khảo sát các đặc tính của giống cam V2 ở Viện giống cây ăn quả Trung ương và một số mô hình ở phía Bắc. Sau chuyến đi ông đã đưa về trồng thử 50 cây và thành công. Đến nay cam đang phát triển tốt.

Ông Kỷ hào hứng cho biết: V2 là giống cam ngọt, thơm, ngọt đậm, ít hạt, có màu vàng đẹp, kháng bệnh tốt, khả năng ra hoa đậu quả cao. Ưu điểm lớn nhất là chín muộn, bảo quản được lâu trên cây mà không làm giảm chất lượng. Nếu như cam chanh truyền thống chỉ để quả trên cây đến hết tháng 11 thì cam V2 có thể để đến ra giêng nên dễ tiêu thụ, cho thu nhập cao hơn hẳn.

a
Người dân xã Thanh Hòa vui mừng trước vụ cam V2 mùa đầu

Từ mô hình của ông Võ Văn Kỷ và một số hộ dân ở xã Thanh Nho, ông Đinh Viết An, Lê Thanh Ngọc ở thôn Hòa Thịnh, xã Thanh Hòa cũng đã tiến hành trồng cam V2, riêng ông Ngọc đã trồng gần 1 ha. Ông Ngọc cho biết: Hiện ông đã có trên 500 gốc, trong đó hơn 50 gốc đã bắt đầu cho quả. Đợt này ông đã đăng ký để trồng tiếp 1ha, phấn đấu có 2 ha cam V2 vào năm tới.

Trước các ưu điểm vượt trội của cây cam V2, huyện Thanh Chương đã tiến hành nghiên cứu, sơ kết. Qua thống kê toàn huyện, người dân đã trồng được trên 200 ha. Trên cơ sở này, ngày 8/4/ 2016 UBND huyện đã ban hành Đề án số 675 về “Phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016- 2020”, trong đó phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện sẽ có 500 ha cam V2.

Vụ đông này huyện sẽ triển khai trồng 20 ha ở 4 xã gồm Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hanh Lâm và Thanh Thủy là những nơi có nguồn quỹ đất phù hợp và đã có người trồng thành công.

HĐND huyện cũng đã ra Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ. Theo đó, nếu trồng trong vùng quy hoạch và đảm bảo từ 1000 m2 trở lên người trồng cam sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/bầu giống, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha công làm đất.

Để giúp các địa phương thực hiện thành công việc trồng cam V2, ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương co biết: Huyện quyết tâm trồng đạt 20 ha cam trong vụ thu này, hiện đã có gần 100 hộ dân ở các xã trong vùng quy hoạch đăng ký. Các xã đang khẩn trương tổ chức chỉ đạo việc đào hố và tập huấn các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân.

Kỹ thuật trồng cam V2

- Đào hố : hố trồng cam có kích thước 0,8 x 0,8 x 0,8m hoặc 1 x 1 x 1m, khi đào hố cần lưu ý để lớp đất mặt về một phía, lớp đất phía dưới về một phía. Sau khi đào hố xong, hố được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc xung quanh hố. Ở các vùng đất cứng, thoát nước kém hố đào sâu có thể trở thành vũng nước mưa, gây nghẹt rễ, cần có biện pháp thoát nước.

- Chuẩn bị phân bón lót: Mỗi hố bón từ 50- 80kg phân chuồng hoai mục + 1kg P2O5 + 5 - 10 kg xỉ than trộn với lớp đất phía dưới cho vào hố, lớp đất mặt + 100g urê + 100g K2O5. Trồng xong nên phủ gốc để chống thoát hơi nước và cỏ dại, phủ cách gốc 10cm.

- Chăm sóc

+ Làm cỏ: Cỏ xung quanh gốc cần được nhổ sạch. Phần đường lô nên chỉ cắt cỏ để giữ ẩm, chống xói mòn đất và là nơi cư trú của côn trùng có ích trong vườn cam.

+ Bón phân: Hàng năm cần bón bổ sung 30- 40kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ/cây kết hợp với bón phân hoá học. Cách bón: Đào rãnh sâu 25-30cm theo tán cây, bón rồi lấp đất lại và tưới nước.

+ Tỉa cành tạo tán: Sau khi trồng cây đã ổn định tiến hành cắt cành ngọn để tạo tán cho cây phát triển thành 3-4 cành cấp I theo 4 hướng, từ mỗi cành cấp I lại để 3-4 cành cấp II…

Trần Đình Hà

Đài Thanh Chương

TIN LIÊN QUAN