Hai đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An sau thảm họa biển miền Trung
(Baonghean.vn)- Môi trường biển Nghệ An bị ảnh hưởng như thế nào thì phải nghiên cứu, phân tích. Kinh tế xã hội Nghệ An bị thiệt hại như thế nào thì phải đong đếm, thống kê. Những vấn đề hệ trọng này không thể bỏ qua, hoặc chỉ suy đoán định tính mà thiếu đi cơ sở khoa học.
Mấy tháng nay mọi sự chú ý về sự kiện Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa môi trường biển miền Trung, người ta mới chỉ dành cho bốn tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào. Cũng như nhiều tỉnh ven biển miền Trung khác, Nghệ An đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường này.
Tuy nhiên, môi trường biển Nghệ An bị ảnh hưởng như thế nào thì phải nghiên cứu, phân tích. Kinh tế xã hội Nghệ An bị thiệt hại như thế nào thì phải đong đếm, thống kê. Những vấn đề hệ trọng này không thể bỏ qua, hoặc chỉ suy đoán định tính mà thiếu đi cơ sở khoa học.
Ngư dân Cửa Lò kéo lưới lúc bình minh. |
Chính vì lẽ đó, với tất cả sự nghiêm túc và trách nhiệm, với tư cách công dân và với tư cách một người làm công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, tôi thiết tha đề nghị với UBND tỉnh Nghệ An hai công việc cần làm ngay sau đây:
- Một là: Chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng nghiên cứu, phân tích đánh giá các sản phẩm hải sản nuôi trồng, đánh bắt, chế biến của Nghệ An. Qua đó đánh giá chất lượng và độ an toàn, công bố cho dân được biết. Đồng thời, tỉnh cần siết chặt các hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hải sản của Nghệ An; coi đây là những giải pháp quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời bảo hộ cho các sản phẩm hải sản an toàn của Nghệ An.
Quan trắc môi trường nước ở biển Cửa Lò. |
- Hai là: Trong thời gian qua, Nghệ An đã tổ chức quan trắc môi trường biển, khảo sát sự an toàn của hải sản trong tỉnh, tuy nhiên như thế là chưa đủ. Vì vậy, tôi đề nghị, tỉnh phải đặt hàng ngay một đề tài khoa học, để khảo sát, điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường biển Nghệ An; đồng thời đánh giá các thiệt hại về kinh tế xã hội của Nghệ An do ảnh hưởng của thảm họa môi trường do FMS gây ra vừa qua. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp ứng phó trước mắt cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng biển và ven biển Nghệ An một cách bền vững trong tương lai.
Đây là nhiệm vụ khoa học hết sức quan trọng và cấp bách, vì vậy cần phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu cần phải tạm dừng, hoặc hủy bỏ một số nhiệm vụ khoa học khác chưa thật sự cấp bách, để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng phải làm.
Tôi tin rằng nếu thực hiện tốt và kịp thời hai công việc trên đây chúng ta sẽ đánh giá đúng hiện trạng, đồng thời tự tin hơn, chủ động và chính xác hơn trong việc ứng phó trước mắt, cũng như hoạch định chiến lược phát triển kinh tế biển lâu dài, bền vững.
Phạm Xuân Cần
(Sở KH&CN Nghệ An)
TIN LIÊN QUAN |
---|