Đầu tháng 10, tiền hỗ trợ vụ Formosa sẽ tới tay người dân

21/09/2016 07:14

Vừa qua, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về mức đền bù cho từng nhóm người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Trên cơ sở đó, dự kiến các địa phương sẽ triển khai việc chuyển tiền đền bù và hỗ trợ cho người dân từ đầu tháng 10.

Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn cho hay, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kiểm kê, kê khai, xác định thiệt hại và nộp báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Chủ tàu, người lao động trên các tàu có công suất trên 90 CV cũng sẽ được hỗ trợ - Ảnh: TL
Chủ tàu, người lao động trên các tàu có công suất trên 90 CV cũng sẽ được hỗ trợ - Ảnh: TL

Trong ngày 20/9, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. “Từ nay đến cuối tháng 9, Chính phủ có thể phê duyệt mức hỗ trợ cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ triển khai sớm việc chuyển tiền đền bù và hỗ trợ cho các đối tượng từ đầu tháng 10”, ông Tuấn nói.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công văn số 7268/BNN-TCTS ngày 29-8 về hướng dẫn nuôi trồng và khai thác thủy sản tại bốn tỉnh miền Trung.

Về nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị địa phương tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ bình thường trên các vùng biển tại bốn tỉnh miền Trung với tất cả các phương thức như nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm.

Về khai thác hải sản, các địa phương tổ chức tuyên truyền người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường. Tuy nhiên, để phục hồi nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân chưa khai thác tại ba khu vực biển, gồm: hòn Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh, cách bờ 1,5km (diện tích 300km2); cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình cách bờ 1,5 km (diện tích 330km2); hòn Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên-Huế cách bờ 1,5km (diện tích 160km2).

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo người dân không khai thác tầng đáy như nghề lưới kéo, rê đáy, lặn, câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Bộ Y tế sáng nay cho biết các loại hải sản tầng đáy vẫn còn nhiễm phenol, chưa được sử dụng làm thực phẩm cho người.

Về đối tượng được hỗ trợ, Bộ NN&PTNT cũng ra Công văn 7433/BNN-TCTS ngày 1-9-2016 về việc bổ sung những người được hỗ trợ là những người gián tiếp bị thiệt hại. Các nhóm được bổ sung này bao gồm chủ tàu, người lao động trên các tàu có công suất trên 90 CV; chủ cơ sở và người lao động làm thuê tại các cơ sở thu mua tạm trữ hải sản có kho đông lạnh; các cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm; các cơ sở nuôi trồng thủy sản trong thời gian tạm dừng không nuôi trồng được.

Theo Thesaigontimes

TIN LIÊN QUAN