Trường mầm non công lập quá tải: Dự báo trước 5 năm vẫn 'bí'?

26/09/2016 08:57

(Baonghean) - Các trường học mầm non quá tải là điểm nóng của ngành giáo dục từ khoảng một thập kỷ trở lại đây. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đều đã được làm rõ, nhưng vẫn chưa có giải pháp hiệu quả và triệt để.

» Mang dao đi nhập học mầm non cho con: Vì đâu nên nỗi?

Điểm “nóng” tăng dân số

Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 4 trong cả nước. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, dân số Nghệ An tăng nhanh một cách đặc biệt (số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh – xem biểu đồ). Có thể thấy, những năm được cho là “năm đẹp” như 2009 (trâu bạc), 2012 (rồng vàng), số trẻ sinh ra tăng đột biến so với những năm kề cận. Khi những lứa trẻ sinh vào các năm này đến tuổi đi học trường mầm non sẽ kéo theo “bùng nổ” sỹ số lớp.

Đặc biệt là khi những trẻ này lên 5 tuổi sẽ đồng loạt đổ về các trường công lập theo chương trình phổ cập mầm non, khiến tình trạng tuyển sinh ở các trường mầm non công lập càng “thêm nhiệt”. Trên thực tế, việc quá tải ở các trường công lập là có thể dự báo từ trước nếu đối chiếu số liệu thống kê tỷ lệ sinh và kế hoạch phát triển quy mô trường lớp.

Biểu đồ tỉ lệ sinh ở Nghệ An từ 2007 đến 2015 theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.

Biểu đồ tỉ lệ sinh ở Nghệ An từ 2007 đến 2015 theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh.

Nguyên nhân gia tăng dân số đột biến trong một thời điểm là nguyên nhân mang tính lâu dài, chứ không bộc phát tức thì. Do đó ở thời điểm hiện tại, nếu đưa ra các giải pháp mở rộng quy mô trường lớp và giáo viên để giải quyết vấn đề phát sinh từ cách này 3 - 5 năm chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”. Trên thực tế, cần có tầm nhìn và lộ trình giải quyết tình hình của 3 - 5 năm tới, nhất là với tỷ lệ sinh đột biến của năm 2012 thì chắc chắn tới năm 2017, sẽ lại có một điểm nóng mới trong vấn đề tuyển sinh của bậc học mầm non.

Bất cập trong tuyển dụng

Từ năm 2011, thực hiện Quyết định số 64/QĐ-UBND.VX về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công, gần 6.000 giáo viên hợp đồng của ngành học mầm non đã được tuyển dụng vào biên chế. Bước sang năm 2015, trước việc bậc mầm non thiếu giáo viên mầm non, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có quyết định giao chỉ tiêu hơn 2.500 giáo viên mầm non theo chế độ hợp đồng lao động trong các trường mầm non công lập hưởng lương từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT - BGDĐT - BTC - BNV và nguồn hợp pháp khác của đơn vị. Trong năm đầu tiên, hơn 1.600 chỉ tiêu đã được tuyển dụng.

Do thực trạng giáo viên ở bậc học mầm non thì thiếu, nhưng giáo viên ở bậc Tiểu học, THCS lại dôi dư, nên UBND tỉnh được sự tham mưu của ngành đã phê duyệt phương án điều chuyển giáo viên hợp đồng dôi dư vào dạy tại các trường mầm non công lập (được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu ngành học mầm non). Năm 2016 này, trên 900 chỉ tiêu tiếp tục được Sở Nội vụ giao cho các huyện để tuyển dụng giáo viên và chủ trương vẫn là tuyển giáo viên từ bậc Tiểu học, THCS xuống.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Lý do là bởi chênh lệch mức lương của giáo viên đã có biên chế ở Tiểu học, THCS và giáo viên mầm non nên tâm lý của nhiều giáo viên thuộc diện dôi dư không mặn mà với việc chuyển trường, chuyển bậc học.

Trường Quỳnh Vinh A (TX. Hoàng Mai) được tận dụng từ khu nhà cũ xây dựng vào thập niên 60 của HTX Đại Vinh. Một phần khu nhà vốn là nơi lưu trữ thuốc sâu. Ảnh tư liệu.
Trường Quỳnh Vinh A (TX. Hoàng Mai) được tận dụng từ khu nhà cũ xây dựng vào thập niên 60 của HTX Đại Vinh. Một phần khu nhà vốn là nơi lưu trữ thuốc sâu. Ảnh tư liệu.

Một bất cập khác là số lớp tăng, nhưng số biên chế giáo viên thì không tăng hoặc đang “chờ” để được định đoạt. Để đảm bảo sắp xếp được nhân sự đứng lớp, nhiều trường chấp nhận “phá rào” tuyển dụng giáo viên hợp đồng sai quy định. Đơn cử như Trường Mầm non Long Sơn (Anh Sơn) được quy định tuyển dụng 23 giáo viên, nhưng số lớp năm học 2016 - 2017 lên đến 15 lớp. Để đảm bảo sắp xếp đủ 2 giáo viên/lớp, trường phải tự tuyển hợp đồng ngắn hạn với 6 giáo viên bằng nguồn tự chi trả và đóng góp tự nguyện của phụ huynh.

Tình trạng vênh, chậm trễ trong khâu định biên, tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non phần nào xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong quản lý và chịu trách nhiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ có trách nhiệm rà soát, tham mưu và đặt chỉ tiêu, còn việc tuyển dụng, chi trả chế độ và quản lý thì lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Chỉ tiêu tuyển dụng sở đặt ra dựa trên quy mô cơ sở hạ tầng trường lớp, trong khi chính quyền địa phương phải giải bài toán thực tế là số lớp, số học sinh tuyển vào quá tải so với quy mô trường trên giấy tờ.

Thiếu quan tâm hệ thống dân lập

Hiện nay, Nghệ An có 534 trường mầm non. Trong số này, chỉ có 32 trường ngoài công lập, cộng thêm 100 nhóm lớp tư thục, tỷ lệ huy động ở khối này trong toàn tỉnh này chiếm 5% trẻ mẫu giáo và 10% trẻ đến trường. Con số này còn quá khiêm tốn và chỉ tập trung ở các địa bàn trung tâm như TP. Vinh, Quỳnh Lưu, TX. Thái Hoà,…

Có một thực tế là nếu như ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… tỷ lệ trẻ theo học tại các trường mầm non ngoài công lập và nhóm lớp tư thục cao áp đảo so với tỷ lệ trẻ học trong hệ thống công lập thì ở TP. Vinh lại hoàn toàn trái ngược. Có 2 nguyên nhân chính khiến phụ huynh ở đây không mặn mà với trường mầm non ngoài công lập: chi phí và chất lượng.

Anh Nguyễn Quốc Hưng ở khối 10, phường Cửa Nam cho biết: “Con gái tôi năm nay lên 4 tuổi, trước đây vì không xin được vào trường công lập nên tôi cho cháu học trường tư. Tuy cơ sở vật chất khá khang trang, phòng học thoáng mát lại có chế độ ăn sáng nhưng tiền học quá cao (khoảng 1,6 triệu đồng/tháng) so với mức thu nhập của 2 vợ chồng công nhân viên chức. Năm nay, phải nhờ đến “quan hệ” mà chúng tôi mới xin được chuyển cho con sang học tại một trường công lập dù trái tuyến”.

Chế độ dinh dưỡng ở các trường mầm non tư thục khá
Chế độ dinh dưỡng ở các trường mầm non tư thục khá "phập phù", nơi thì đầy đủ dày dặn hơn hẳn, nơi lại không đảm bảo các tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Ảnh tư liệu.

Chi phí cao hơn các trường công lập đã đành (cao hơn gấp gần 3 lần), chất lượng của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn còn “phập phù”. Kết luận kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập năm 2015 của Sở GD&ĐT cho thấy, một số cơ sở chưa nghiêm túc thực hiện chế độ sinh hoạt trong ngày của trẻ và chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiết bị đồ dùng dạy học và các hoạt động thực hành trải nghiệm, phát triển vận động chưa đầy đủ theo quy định; chế độ nuôi dưỡng trẻ chưa cân đối các chất P - G - L; chưa chứng minh được nguồn gốc đảm bảo của thực phẩm cho trẻ… Thậm chí, nhiều nhóm lớp tư thục hoạt động không giấy phép, tuyển giáo viên không có bằng cấp sư phạm mầm non đứng lớp.

Tháng 12/2015, đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát hiện sai phạm về chế độ nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non ngoài công lập Bluesky. Mặc dù tiền ăn thu đến 60.000 đồng/ngày nhưng trường mầm non này không dùng phần mềm Nutrikid để tính khẩu phần ăn cho trẻ, thường xuyên sử dụng đùi gà công nghiệp đông lạnh và nấu thức ăn từ hôm trước đến hôm sau mới cho trẻ ăn.

(Còn nữa)

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN