Ông Vũ Khoan: Lo thua ở 'sân nhà', đừng quên cần thắng ở 'sân khách'
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh thông điệp này trong buổi nói chuyện chuyên đề về Việt Nam hội nhập.
Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh rằng, gần đây nhiều người hay đề cập nguy cơ doanh nghiệp Việt thua trên ‘sân nhà’ khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng tại sao không nhìn sang khía cạnh ta cần nỗ lực để thắng cả trên ‘sân khách’?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. |
Gia tăng thế và lực
Phân tích rõ hơn về lập luận này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết, quan điểm của Đảng ta luôn nhận thức rõ rằng Việt Nam là một bộ phận không tách rời với thế giới. Ngay từ tháng 12/1946, Hồ Chủ tịch khi gửi thư đến Liên Hợp Quốc trong đó có nội dung thể hiện rõ tinh thần Việt Nam sẵn sàng hợp tác với nhiều quốc gia khác, chào đón các kỹ sư nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam phát triển, đồng thời sẵn sàng mở cửa chào đón các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn trên tinh thần hợp tác…
Theo ông Vũ Khoan, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế, ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại (từ WTO, FTAs, TPP…) là xu thế tất yếu. Khi tham gia vào các sân chơi quốc tế như thế, sẽ có tính hai mặt, vừa có những lợi ích nhưng cũng đối mặt những thách thức, thậm chí trong một số tình huống phải chấp nhận hi sinh lợi ích nhỏ và trước mắt để đạt lợi ích lớn hơn và lâu dài hơn.
Thực tế đã chứng minh, trong quá trình hội nhập quốc tế, thế và lực của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Chẳng hạn, về mặt kinh tế,biểu hiện rõ là nhờ tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều hiệp định thương mại khác mà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới tăng mạnh, cùng với đó là gia tăng sản xuất trong nước, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân… Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, ODA, kiều hối… vào Việt Nam ngày càng gia tăng đóng góp phần quan trọng bổ sung nguồn lực cho phát triển đất nước.
“Tôi thấy lạ là gần đây chỗ này chỗ kia cứ nói đến việc ta lo sẽ thua trên sân nhà, nhưng không thấy đặt vấn đề thực tế là ta có cơ hội và cần nỗ lực để thắng trên sân khách nữa”- ông Vũ Khoan nhấn mạnh. Dẫn ví dụ, đối với ngành dệt may Việt Nam, thực tế riêng thị trường Mỹ, năm 2000, mới xuất khẩu vào thị trường này giá trị kim ngạch khoảng 50 triệu USD. Nhưng nhờ có Hiệp định thương mại Việt-Mỹ được kí kết năm 2001 mà sau đó xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh, đến năm 2015 đã đạt khoảng 10 tỷ USD. Theo dự báo, nếu khi TPP được thực thi, dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều. Với tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam, rõ ràng ta có thể thắng trên sân khách, vấn đề là ta làm thế nào để biến nó thành sự thật.
Hơn nữa, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường giao thương ngày càng lớn, áp lực cạnh tranh có tăng nhưng đổi lại nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng có cơ hội được hưởng lợi để sản xuất và tiêu dùng nhiều hơn với sản phẩm chất lượng hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, quá trình hội nhập đã giúp Việt Nam ngày càng gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Biểu hiện là nước ta đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức uy tín trên quốc tế, ngày càng nhiều lãnh đạo các quốc gia quan tâm đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Từ đó cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm ăn mới giữa hai bên.
Đặc biệt, theo ông Vũ Khoan, hội nhập quốc tế cũng có lợi ích giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế trong nước. Sự đổi mới này, tất nhiên, vừa do nhu cầu nội tại quốc gia, nhưng cũng có yếu tố tác động của việc thực thi các cam kết quốc tế mang lại.
Cần biến ngoại lực thành nội lực
Theo ông Vũ Khoan, hội nhập mang lại sự cạnh tranh là tất yếu. “Điểm hạn chế của Việt Nam hiện rõ là nhìn thấy thách thức, biết trước thách thức từ hội nhập nhưng chưa làm tốt để giảm rủi ro, biến thách thức thành cơ hội. Cho nên, nếu ta thua trên sân nhà thì lỗi chính là do ta, không phải do hội nhập”. Chẳng hạn, ngành cà phê Việt Nam nổi tiếng xuất khẩu nhiều, nhưng chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng ít.
Hiện tại, theo ông Vũ Khoan, Việt Nam đang có nhiều yếu tố lợi thế cạnh tranh có tính chất quốc gia, như: ổn định chính trị, hệ thống phân phối thị trường rộng, đất đai cho làm nhà máy, xí nghiệp, hoạt động thương mại nhiều… nhưng bản thân doanh nghiệp trong nước không tiếp quản được, không phát huy được mà đang ngày càng rơi nhiều vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Một hạn chế quan trọng khác, theo ông Vũ Khoan, là thể chế của Việt Nam đổi mới quá chậm, cho nên khi hội nhập trước những thách thức, rào cản mới… thì khả năng tự bảo vệ của Việt Nam còn yếu.
Từ thực tế này, ông Vũ Khoan cho rằng, Việt Nam không thể không hội nhập, nhưng cần vừa hội nhập mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ. Tham gia hội nhập, ký kết nhiều hiệp định thương mại... là tham gia luật chơi chung, nhưng ta phải có cách chơi của riêng ta. Ví dụ, ta thi đấu bóng đá có luật chơi chung của nó, nhưng còn đội hình thế nào, ai đá, đá ra sao là do ta, thắng thua do ta.
Với quan điểm đó, theo ông Vũ Khoan, Việt Nam cần phải xác định rõ, phát triển trên cơ sở nội lực quyết định, ngoại lực cũng cần nhưng chỉ là một phần hỗ trợ. Thực tế hiện nay, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang thấy rõ là ngoại lực có phần lấn lướt. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng trong đó phần thuộc về doanh nghiệp trong nước thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI. Muốn phát triển bền vững, nội lực cần phải mạnh lên, phải biến ngoại lực thành nội lực. Nhìn sang Trung Quốc và Thái Lan thì thấy, họ đã kêu gọi vốn FDI, huy động ngoại lực rất nhiều nhưng họ đã làm được việc là biến ngoại lực thành nội lực để phát triển. Còn Việt Nam, chưa làm được như họ.
Quan điểm của ông Vũ Khoan là, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; vừa hội nhập vừa phải giữ an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Việt Nam cần hợp tác, cần ưu đãi cho nhà đầu tư ngoại, nhưng không nên chiều chuộng họ quá, ưu đãi quá mức, đặc biệt là không nên gây ra sự mất bình đẳng ưu đãi trong thu hút đầu tư giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Đồng thời, quá trình đấu tranh để giữ vững độc lập, tự chủ cần thực hiện nghiêm túc nhưng không được để xảy ra cực đoan đến mức cắt đứt quan hệ với quốc gia đối tác hoặc bạn hàng đối tác nào đó.
Và tất nhiên, sự nghiệp hội nhập quốc tế là của toàn dân, nhưng cốt tử phải là đội ngũ doanh nghiệp. Doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp tham gia vào sân chơi hội nhập. Đáng chú ý là, nhìn chung năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu”./.
Theo VOV