Cần gắn kết giữa khai thác và chế biến, tiêu thụ hải sản

29/09/2016 06:58

(Baonghean) - Để hoạt động đánh bắt hải sản phát triển, một yếu tố quan trọng là gắn kết giữa khai thác với dịch vụ hậu cần, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nếu tất cả các khâu được quan tâm đồng bộ, vì lợi ích chung với các giải pháp thiết thực, hiệu quả kinh tế của nghề cá sẽ vươn tới giá trị cao và thực sự bền vững...

Đa dạng ngành nghề trên bờ

Là người vùng khác, mới về sống 3 năm nay tại bến cá Lạch Quèn (Tiến Thủy, Quỳnh Lưu), nhưng gia đình ông Nguyễn Đỗ Tương, ở thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang từ làm dịch vụ hậu cần nghề cá cho những tàu cá thường xuyên cập bến Lạch Quèn. Hàng ngày, cơ sở của ông Tương phục vụ ngư dân từ lưới, ngư cụ, đá lạnh, xăng dầu… cho các tàu thuyền ra khơi, tiền mua các loại vật tư đi biển với doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/chuyến, thường tàu đi biển về có cá bán rồi mới thanh toán.Theo “tiết lộ” khá khiêm tốn, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Tương có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng.

Còn cơ sở sản xuất đá lạnh của anh Hồ Đình Ngọc (cũng ở Lạch Quèn) hoạt động liên tục, mỗi tháng xuất bán đá lạnh cho trên 30 phương tiện tàu thuyền cá, doanh thu trên 240 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, 3 cơ sở chúng tôi thuê 6 nhân công làm việc, thời điểm bận rộn nhất là vào những ngày tàu cá chuẩn bị ra khơi, lúc đó chúng tôi hoạt động liên tục để có sản phẩm cung cấp cho tàu thuyền” - anh Ngọc cho biết.

Công nhân dùng máy xay đá lạnh và tời lên khoang tàu.
Công nhân dùng máy xay đá lạnh và tời lên khoang tàu tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu (Ảnh minh họa).

Những dịch vụ cung ứng hậu cần cho nghề đi biển như của gia đình ông Tương, anh Ngọc có rất nhiều ở các địa phương phát triển nghề cá ven biển Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và TX Cửa Lò. Cho thấy rõ hơn, tiềm năng kinh tế thủy sản ở Nghệ An không chỉ có ở giá trị những chuyến tàu xa khơi, mà còn ở hiệu quả phát triển dịch vụ hậu cần, cấp đông, chế biến, xuất khẩu…

Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở buôn bán xăng dầu, đá lạnh tại bến cảng cá Lạch Quèn, Lạch Thơi, Cửa Hội... đã tạo điều kiện cho ngư dân nợ tiền chi phí nguyên vật liệu, sau khi những phương tiện này đánh bắt về, bán hải sản và hoàn trả lại số tiền nợ. Cách thức cung ứng như vậy luôn là điều kiện thiết thực tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển.

Hoạt động “trên bờ” phục vụ nghề cá ở Quỳnh Lưu rải dọc 11 xã, với hơn 400 hộ tham gia thu mua, chế biến thủy sản, với phong phú chủng loại sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá khô, tôm nõn… Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm được xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, một số loại đã qua chế biến như cá phi lê, đông lạnh xuất sang Nga và các nước EU.

Dịch vụ cung ứng muối cho tàu đánh cá.
Dịch vụ cung ứng muối cho tàu đánh cá.

Còn với TX. Hoàng Mai, hiện có 896 tàu khai thác hải sản, trong đó 397 chiếc có công suất trên 90 CV. Năm 2015, tổng sản lượng khai thác đạt 30.415 tấn. Ông Hoàng Ngọc Thủy - Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã cho biết: Bên cạnh khai thác đạt hiệu quả cao, Hoàng Mai cũng phát triển rất mạnh ngành chế biến thủy, hải sản, với hai làng nghề chế biến thủy sản Phú Lợi, Phương Cần; 5 công ty TNHH; 15 cơ sở chế biến hàng phơi khô hấp sấy; 35 cơ sở thu gom, sơ chế; 64 kho bảo quản lạnh với tổng công suất trên 2.500 tấn; trên 500 cơ sở và hộ gia đình chế biến mắm tôm, nước mắm. Tổng sản lượng chế biến của năm 2015 đạt trên 11.750 tấn.

Trên bình diện toàn tỉnh, theo báo cáo của ngành Thủy sản, những năm gần đây có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất thủy hải sản bình quân hàng năm đạt từ 7,5- 8% giá trị kinh tế toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động trên địa bàn.

Hướng mạnh mục tiêu chế biến, xuất khẩu

Bên cạnh những dịch vụ phục vụ tàu thuyền vươn khơi, chế biến hải sản nội địa có bước phát triển mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn tỉnh có hai công ty chế biến thủy sản đông lạnh có quy mô lớn là Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An 2, mỗi ngày chế biến 8 - 10 tấn sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ... và Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An chế biến 5 - 6 tấn sản phẩm xuất khẩu/ngày. Ngoài ra, có các cơ sở chế biến đông lạnh khác ở TX. Hoàng Mai, TX. Cửa Lò và huyện Quỳnh Lưu...

Toàn tỉnh có khoảng 40 cơ sở chế biến hàng khô, 108 kho lạnh thương mại với sản lượng 16.200 tấn sản phẩm các loại; 5 nhà máy chế biến bột cá; 4 công ty chuyên chế biến nước mắm và mắm các loại với quy mô lớn, cùng các cơ sở chế biến khác, sản lượng chế biến bình quân mỗi năm đạt trên 22 triệu lít; 9 làng nghề chế biến nước mắm.

Trong chế biến xuất khẩu, ngoài một số doanh nghiệp tư nhân có chế biến xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, Công ty CP thủy sản Vạn Phần xuất khẩu nước mắm sang Lào và Malaysia... Đáng chú ý, Tập đoàn Royoll Foods Thái Lan đã đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến cá hộp tại Khu công nghiệp Nam Cấm với 2 dây chuyền sản xuất có công suất trên 100 tấn cá/ngày, giá trị sản phẩm chế biến đạt 23 triệu USD...

Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần (Ảnh minh họa)
Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần (Ảnh minh họa)

Tỉnh cũng chỉ đạo và tạo điều kiện cho Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản 2 đầu tư nâng cấp nhà máy, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào thị trường EU; xây dựng Nhà máy đông lạnh Lạch Vạn (Diễn Châu) có công suất 15 tấn/ngày. Đến năm 2020 sẽ phát triển thêm 5 làng nghề chế biến thủy, hải sản tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Phát triển hệ thống kho lạnh thương mại với tổng số 150 kho lạnh có tổng công suất đạt 36.000 tấn sản phẩm/năm.

Giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An phấn đấu giá trị sản xuất thủy, hải sản đạt 4.798.215 triệu đồng; trong đó, sản lượng khai thác đạt 122.000 tấn, giá trị chế biến xuất khẩu đạt 45 triệu USD.

Sản lượng các loại thuỷ sản với giá trị chế biến xuất khẩu thực tế toàn tỉnh các năm 2014, 2015 đạt bình quân mỗi năm hơn 31.000 tấn, trong đó sản phẩm chế biến đông lạnh 2.500 tấn, sản phẩm sơ chế nguyên con đông lạnh 18.000 tấn, chế biến bột cá gần 8.000 tấn...

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, so sánh lượng cung - cầu cho thấy, thời gian tới, nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản sẽ cao hơn lượng cung tiềm năng. Dự báo nhu cầu nguyên liệu chế biến trong nước đến năm 2020 là khoảng 6,08 triệu tấn, tiêu thụ thủy sản tươi sống nội địa là 1,82 triệu tấn. Điều đó cho thấy, khả năng để phát triển thủy sản cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến đều được mở rộng.

Trên cơ sở hoạt động dịch vụ hậu cần, chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, các đội tàu tích cực vươn khơi với phương thức đánh bắt, lực chọn ngư trường khai thác các loài hải sản tạo nguyên liệu xuất khẩu. Những chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề, lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản là một động lực quan trọng cho hoạt động vươn khơi đánh bắt.

Bởi vậy, chủ trương của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư để có các cơ sở chế biến quy mô lớn, tập trung, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường; giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi từ khai thác, nuôi trồng, chế biến, và tiêu thụ sản phẩm.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN