Làng gò thuyền tôn vào mùa lũ

02/10/2016 08:16

(Baonghean.vn)- Mùa mưa lũ, cũng là mùa cao điểm của gần trăm hộ dân sản xuất thuyền tôn ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên.

a
Nghề làm thuyền tôn phục vụ nhân dân vùng trũng ở Hưng Nguyên

Người dân Hưng Nguyên có truyền thống dùng thuyền để đi lại, đánh cá và phục vụ sản xuất từ lâu đời. Xa xưa, người dân dùng thuyền đan bằng tre nhưng từ khi xuất hiện thuyền được đóng bằng tôn, rất nhiều gia đình đã chuyển đổi sang sử dụng loại thuyền này vì nhiều công năng hơn.

Bắt kịp nhu cầu của người dân, làng nghề cơ khí Xuân Am, Yên Tùy, Yên Phong xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên cũng nhanh chóng chuyển đổi sang đóng thuyền tôn.

Nghỉ tay tiếp chuyện chúng tôi khi vừa hoàn thiện xong một chiếc thuyền, ông Trương Công Thức xóm 4 xã Hưng Thịnh cho biết: Gò hàn tôn là nghề truyền thống được ông bà ngoại truyền lại cho bố mẹ ông và ông cũng đã theo nghề từ năm 13 tuổi, đến bây giờ con trai của ông đã trưởng thành và cũng đang theo nghề này. Nguyên liệu để làm thuyền chỉ là tôn và 1 sợi thép 6. Một người thợ lành nghề mỗi ngày có thể sản xuất được 5 chiếc thuyền tôn.

a
Những chiếc thuyền tôn được ông Thức xóm 4 Hưng Thịnh sản xuất ra đang chờ khách

Giá bán mỗi chiếc thuyền giao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, tùy vào kích cỡ thuyền, chất lượng và độ dày mỏng của tôn. Nếu có khách đặt hàng thì mỗi ngày cũng kiếm được 500-600 ngàn đồng. “Thuyền chủ yếu sản xuất vào mùa mưa lũ, năm nào mưa lũ nhiều thì bán được nhiều thuyền. Dân ở khắp các huyện trong và ngoài tỉnh đến đây đặt mua thuyền về phục vụ sản xuất”- ông Thức cho biết.

Bà Ngô thị Hải – một hộ làm nghề ở xóm 4 cho biết thêm: Gia đình bà có 3 người làm nghề gò hàn tôn. Làm nghề này tuy ồn ào vì tiếng búa gõ liên tục nhưng có cái nghề cầm tay, thu nhập mỗi tháng cũng được 6-10 triệu đồng.

Ở xóm Tân Phong có những hộ đầu tư vốn, máy móc làm ăn lớn với nhiều chủng loại sản phẩm, trong đó có gia đình ông Nguyễn Bá Hoạt. Ông Hoạt vừa hàn vừa kể “Gò hàn tôn là nghề truyền thống được các thế hệ gia đình tôi duy trì gìn giữ 4 đời nay, hiện con tôi vẫn đang tiếp tục. Gia đình tôi có 5 anh em, thì cả 5 gia đình đều theo nghề gò hàn tôn”.

Trước đây chủ yếu là sản xuất hàng gia dụng mang ra bán ở chợ Vinh. Những năm gần đây nhu cầu về thuyền tôn tăng, ông Hoạt chuyển sang sản xuất thuyền. Ngoài ra còn sản xuất thùng đựng lúa, hệ thống thông gió, tăng áp buồng thang phục vụ nhu cầu lắp đặt trong các căn hộ cao tầng, hệ thống hút khói cho nhà hàng. Đa dạng mặt hàng, ông Hoạt tạo việc làm cho hơn 10 công nhân, với mức lương 5-8 triệu đồng/mỗi người/tháng. "Thu nhập của gia đình thì mỗi năm cũng được vài trăm triệu đồng” - ông Hoạt cho biết thêm.

a
Khách hàng ở Hà Tĩnh đến mua thuyền tôn

Nghề gò hàn tôn ở Hưng Thịnh có truyền thống lâu đời, có thời điểm tưởng chừng như mai một nhưng nay lại phục hồi. Ngoài sản xuất thuyền tôn truyền thống phục vụ địa bàn vùng trũng, các hộ đã năng động tìm kiếm các mối hàng mới, đa dạng hóa sản phẩm để duy trì phát triển nghề truyền thống cha ông để lại.

Ông Trương Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh cho biết: Nghề gòn hàn tôn đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ dân trong xã. UBND Xã đã làm tờ trình đề nghị công nhận làng nghề nhưng yêu cầu để công nhận làng nghề là phải tập trung các cơ sở sản xuất trong một khu vực nhưng các hộ làm nghề ở Hưng Thịnh lại nằm rải rác ở nhiều xóm nên chưa được công nhận làng nghề.

Thanh Tâm

TIN LIÊN QUAN