Luật uống rượu độc đáo ở thủ phủ rượu cần xứ Nghệ

30/09/2016 21:33

(Baonghean.vn) - Có gần 20 tổ sản xuất rượu cần hoạt động thường xuyên, bản Chòm Muộng xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, Nghệ An hiện là nơi sản xuất rượu cần nhiều nhất ở miền tây xứ Nghệ. Không chỉ vậy, bản người Thái này còn có luật uống rượu cần với những nguyên tắc khắt khe.

Phụ nữ bản Chòm Muộng đang chăm sóc cho chum rượu cần của tổ mình.
Phụ nữ bản Chòm Muộng đang chăm sóc cho chum rượu cần của tổ mình.

Trăm người làm rượu cần

Chòm Muộng cách trung tâm thị trấn huyện Con Cuông khoảng 6km. Bản người Thái này từ lâu nổi danh khắp các địa phương vùng cao miền Tây Nam Nghệ An là nơi sản xuất rượu cần với số lượng lớn, cung ứng cho không chỉ người dân vùng cao. Rượu cần bản Chòm Muộng đã theo những chuyến xe về tỉnh lỵ Vinh, ra đến Hà Nội... Khách nước ngoài đến thực hiện các dự án hỗ trợ cho bản phát triển kinh tế cũng tỏ ra thích thú. “Họ cũng đã mua về nước làm quà.” Một người ủ rượu cần lâu năm chia sẻ.

Bản Chòm Muộng có hơn 200 hộ dân chuyên nghề làm ruộng. Gạo nếp cũng là nguồn nguyên liệu chính để ủ rượu cần. Chị Vi Thị Điều, Chi hội trưởng phụ nữ bản chia sẻ: “Từ ngày về bản làm dâu, tôi đã thấy các bà ủ rượu cần. Năm 1989 làm chi hội trưởng phụ nữ, phụ trách tổ sản xuất rượu cần của bản, tôi được người già truyền nghề. Từ ngày đó, dù đường sá khó khăn, cách trở đò giang nhưng đã có nhiều người tìm đến mua rượu cần ở bản Chòm Muộng.” Hiện nay trong bản có gần 20 tổ sản xuất rượu cần, mỗi tổ có từ 7 – 15 thành viên tham gia, chủ yếu là các bà, các chị phụ nữ.

Người dân bản Chòm Muộng chủ yếu dùng gạo để nấu rượu cần, như vậy sẽ làm cho rượu ngọn hơn.
Người dân bản Chòm Muộng chủ yếu dùng gạo để nấu rượu cần, như vậy sẽ làm cho rượu ngọn hơn.

Nhiều nơi dùng sắn để ủ rượu cần, dân bản Chòm Muộng chủ yếu dùng gạo nếp. Thành phần men ủ rượu hoàn toàn từ nguồn gốc tự nhiên. “Mỗi người đều có bí quyết riêng, nhưng men rượu cần đều làm từ gạo nếp ủ với rượu. Ngoài ra có có một số lá cây rừng, bí quyết của riêng mỗi người. Lá mía, lá mít bở, quả mít chín hong khô cũng là những thứ không thể thiếu vì nó giúp rượu cần ở Chòm Muộng ngọt như pha đường.”, vẫn theo chị Vi Thị Điều.

Tháng 10 dương lịch hàng năm là vào mùa sản xuất rượu cần của người Chòm Muộng. Bản có trên 190 hội viên phụ nữ thì có 160 người tham gia công việc này. Phụ nữ Chòm Muộng chọn thời điểm này để sản xuất rượu cần vì là lúc công việc nhà nông đã vãn...

Những chóe rượu cần được ủ rất cẩn thận, nó có thể bảo quản được cả năm mà không sợ bị đắng.
Những chóe rượu cần được ủ rất cẩn thận, nó có thể bảo quản được cả năm mà không sợ bị đắng.

Để có một mẻ rượu cần như ý, phụ nữ Chòm Muộng phải chuẩn bị trước hàng tháng trời. Men rượu sau khi vắt thành từng viên, phơi nắng cho khô lên mốc rồi trộn với xôi, trấu sạch mới đem ủ trong chum. Sau 2 tuần gạo bắt đầu thành rượu. Nhưng phải mất một đến ba tháng sau mới uống được. Một ché rượu cần của dân bản Chòm Muộng có thể bảo quản hàng năm trời. Rượu để càng lâu càng ngon.

"Luật" uống rượu ở Chòm Muộng

Không chỉ là nơi sản xuất rượu cần nổi danh ở miền núi Nghệ An, bản Chòm Muộng cũng có luật uống rượu rất riêng và rất quy củ. Đó là lý do mà người ta gọi những cuộc uống rượu cần của người vùng cao là “hội”.

Người ta bắt đầu một hội uống rượu cần theo một số lượng người nhất định. Thường là 6, 8 hoặc 10 người. Lượng rượu cần được tính bằng thể tích rượu trong một chiếc sừng trâu. Một “ông chàm” không tham gia uống rượu được cử rót rượu. Ông chàm sẽ hỏi xem cả hội nên uống bao nhiêu sừng.

Sau khi thống nhất, ông “chàm” rót rượu từ sừng trâu cho đầy miệng chum và hô “chàm rót, chàm mới”. Hội uống đồng loạt hô: “Mời chàm.” Và bắt đầu ngậm cần hút rượu. Chỉ khi nào uống đủ số “sừng trâu” đã định sẽ nhường lại cho hội khác.

Rượu cần của bản Chòm Muộng không chỉ sản xuất để bán mà còn để bà con trong bản dùng vào những dịp lễ hội. (ảnh minh họa)
Rượu cần của bản Chòm Muộng không chỉ sản xuất để bán mà còn để bà con trong bản dùng vào những dịp lễ hội. (ảnh minh họa)

Vui nhộn nhất trong những hội rượu cần là các cuộc thi đấu giữa các hội với nhau. Thường là giữa nam và nữ, chủ và khách. Những cuộc thi “nảy lửa” thường diễn ra trong những đám cưới, ngày hội Đại đoàn kết (18/11), Tết Nguyên Đán… Cuối cùng thì người thắng hay người thua đều không ai phải thiệt thòi. Những cuộc vui thường kết thúc bằng những tiếng cười vui vẻ.

Chỉ những người uống sai luật phải chịu phạt. Đó là trường hợp quên không nói “mời chàm”, hút cần trước những người lớn tuổi hơn. Những ai uống không “đẹp” nghĩa là hút cần không nhiệt tình sẽ bị phạt uống gấp đôi số sừng rượu của cả hội.

Theo chị Chi hội trưởng phụ nữ bản Chòm Muộng, luật uống khắt khe này bắt nguồn từ “tửu lượng” rất đáng nể của phụ nữ nơi đây. Những phụ nữ ở bản người Thái này có tửu lượng kém nhất cũng uống hết 5 sừng, mỗi sừng rượu từ 250 – 300ml. Tuy nhiên đây là loại rượu nhẹ nên không mấy khi khiến người ta say khướt như uống rượu nấu.

Chị Điều cho biết thêm: Những hội rượu cần thường chỉ diễn ra vào ngày vui. “Ngày làm lụng chẳng ai uống đâu. Anh thấy đấy.” Chị Điều cười sảng khoái, chỉ tay về phía những thửa ruộng bậc thang. Rất đông bà con bản Chòm Muộng đang xuống ruộng gặt vụ mùa.

Hữu Vi – Hồ Phương

TIN LIÊN QUAN