Loay hoay tìm hướng sản xuất lớn sau dồn điền đổi thửa

06/10/2016 08:13

(Baonghean) - Số thửa giảm, diện tích mỗi thửa tăng, giao thông nội đồng, kênh mương được quy hoạch và xây dựng quy củ hơn... là kết quả từ thực hiện dồn điền, đổi thửa. Thoạt đầu, cứ nghĩ nông nghiệp đã có thể dễ dàng “làm ăn lớn”. Ấy nhưng từ thực tế ở các địa phương thấy còn nhiều vướng mắc, nhất là ở khâu liên kết để tạo chuỗi giá trị nông sản.

Loay hoay mục tiêu “sản xuất lớn”

Sau đồn điền, đổi thửa, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tìm hiểu và xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Như ở huyện Anh Sơn, mỗi xã tùy vào đặc điểm thực tế đã có những hình thức chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng như xã Tam Sơn chuyên canh trồng ngô 3 - 4 vụ/năm để bán cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa đã nâng cao được hiệu quả sản xuất.

Huyện Anh Sơn cũng khuyến khích nhân dân chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; đồng thời tổ chức các đoàn thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong nước cho cán bộ nông nghiệp, nông dân và có những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ông Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn đánh giá: Sau dồn điền, đổi thửa, trên địa bàn Anh Sơn có nhiều mô hình sản xuất, tuy nhiên tính liên kết trong sản xuất chưa mạnh, nhất là ở khâu đầu ra. Từ đó, dẫn đến việc người nông dân bị thiệt thòi trong quá trình bán sản phẩm... Trong khi đó, có thể nói, vai trò của “bà đỡ” như hợp tác xã chỉ có tác động rất hạn chế trong việc này.

Trao đổi với bà con nông dân về quy trình đưa giống lúa mới vào sản xuất tại Yên Thành.Ảnh: H.N
Trao đổi với bà con nông dân về quy trình đưa giống lúa mới vào sản xuất tại huyện Yên Thành.Ảnh: H.N

Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo huyện Yên Thành - địa phương được xem là vựa lúa của tỉnh - đang thực sự trăn trở. Mặc dù theo đánh giá của địa phương này, sau dồn điền, đổi thửa đã có điều kiện thuận lợi để liên doanh, liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng sản xuất lớn.

Đến nay toàn huyện Yên Thành đã xây dựng được gần 40 cánh đồng sản xuất lớn, 160 mô hình phát triển sản xuất cho thu nhập cao; liên kết với các doanh nghiệp, cơ quan khoa học như: Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty Giống cây trồng Trung ương 1, Viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất lúa giống mỗi năm dao động từ 600 - 800 ha…

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên tỏ ra rất trăn trở: Là huyện lúa, nhưng khi nhắc đến Yên Thành thì chưa có giống lúa đặc sản nào mang thương hiệu, biểu trưng của địa phương. Trong nông nghiệp mới hình thành chuỗi ở một số nhóm, một vài doanh nghiệp chứ chưa có chiến lược chung. Nông dân chủ yếu sản xuất dựa theo kinh nghiệm. “Đối với Yên Thành, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là trọng tâm.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sản xuất, sẽ phải xin tỉnh chủ trương lập quy hoạch của huyện đến năm 2030 về tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ đó, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân xây dựng các sản phẩm nông nghiệp như lúa giống, lúa thịt, rau sạch… dựa trên các vùng quy hoạch” - ông Phan Văn Tuyên chia sẻ, đồng thời kiến nghị: “Tỉnh cần hỗ trợ cấp huyện xác định lựa chọn sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi đáp ứng thị trường; đồng thời có chính sách đủ mạnh để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”.

Cánh đồng rau của công ty Cổ phần Phủ Diễn ( AVG)
Cánh đồng rau của công ty Cổ phần Phủ Diễn ( APG)

Còn tại huyện Đô Lương, việc vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất đã tạo cho địa phương này có hạ tầng đồng ruộng khá bài bản, xu hướng liên kết quy mô lớn, tạo cơ sở cho nền nông nghiệp hàng hóa. Mặc dù vậy, thì hầu như các xã vẫn cứ loay hoay, chưa xác định bộ giống cây mới cũng như phương thức sản xuất rõ ràng.

Các xã chưa dám mạnh dạn chuyển đổi, về phía huyện cũng đang giai đoạn thử nghiệm một số cây trồng mới, việc thành công còn đang ở phía trước như kế hoạch trồng thử nghiệm 15 ha cây gai ở Đại Sơn, khôi phục lại diện tích trồng dâu vùng đất bãi gắn với làng nghề Xuân Như hay xây dựng vùng trồng rau an toàn 20 ha tại xã Thuận Sơn với việc kéo điện, khoan nước ra đồng...

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho hay: Bên cạnh tích cực đưa một số cây trồng, vật nuôi vào để xây dựng mô hình thì huyện khuyến khích các xã chủ động ứng dụng các loại giống cây trồng mới.

Chúng tôi mong muốn sự vào cuộc giúp đỡ, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật của Sở NN&PTNT cùng các ngành chức năng liên quan để Đô Lương sớm xác định bộ giống cây, con có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, phát huy điều kiện hạ tầng do dồn điền, đổi thửa đem lại, hướng tới sản xuất hàng hóa, tạo giá trị kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích".

Phát huy vai trò "bà đỡ" của hợp tác xã, doanh nghiệp

Có thể thấy, hiệu quả của công tác dồn điền, đổi thửa mới chỉ dừng lại ở bước đầu, còn việc tổ chức lại sản xuất để tạo ra đột phá còn rất hạn chế. Qua tìm hiểu, mấu chốt của vấn đề là do sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô hộ gia đình, việc tích tụ ruộng đất còn hạn chế; bên cạnh đó vai trò dẫn dắt của hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất thiếu và yếu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT dẫn chứng: Hàng năm có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp ở Nghệ An, tuy nhiên họ ngại nhất là tình trạng người nông dân “bẻ kèo” khi liên kết sản xuất. Nếu được, các doanh nghiệp muốn thuê lại các diện tích tầm 30 - 50 ha để sản xuất các sản phẩm như lúa giống và trả tiền thuê cho người nông dân. Mặt khác, vấn đề đặt ra là phát huy vai trò của hợp tác xã.

Trên thực tế, mặc dù việc chuyển đổi mô hình hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng như có các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng chưa có nhiều hợp tác xã thể hiện được vai trò lớn trong sản xuất nông nghiệp, tức là còn tình trạng “bình mới, rượu cũ”

Nông dân Diễn Tân (Diễn Châu) phát triển gia trại nhờ nguồn vốn vay HTX Phú Hậu, ảnh minh họa
Nông dân Diễn Tân (Diễn Châu) phát triển gia trại nhờ nguồn vốn vay HTX Phú Hậu, ảnh minh họa

Bản chất của hợp tác xã kiểu mới là tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, vừa lo dịch vụ đầu vào cho nông dân, vừa kết nối với các doanh nghiệp để đầu tư, chế biến sản phẩm và lo đầu ra. Tuy nhiên, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nói chung, trong đó có những hợp tác xã đã chuyển đổi, mới chủ yếu làm một số khẩu dịch vụ đầu vào…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng mấu chốt là do năng lực của cán bộ hợp tác xã, nhất là cán bộ quản lý chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra; vốn, công nghệ của hợp tác xã cũng đang còn bất cập.

“Liên minh Hợp tác xã tỉnh chú trọng vào việc tư vấn, kết nối giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã để đầu tư công nghiệp, bao tiêu sản phẩm; đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ hợp tác xã. Tỉnh sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ, phát triển Hợp tác xã với tổng nguồn vốn trong 3 năm (2016 - 2018) là 30 tỷ đồng để cho các hợp tác xã vay với lãi suất ưu đãi để nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nói về các giải pháp để nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã.

Đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất ở cánh đồng mẫu lớn xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu
Đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất ở cánh đồng mẫu lớn xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu

Như vậy, có thể thấy, để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sau chuyển đổi ruộng đất, cốt yếu là phải tìm ra giải pháp đẩy mạnh tích tụ ruộng đất song vẫn đảm bảo được quyền lợi của người nông dân; thông qua đó người dân, doanh nghiệp có đất để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn và hiệu quả cao hơn; đồng thời phải nâng cao vai trò “bà đỡ” của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Trong chuyến làm việc tại Nghệ An vừa qua về chủ trương, giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh: Để sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa lớn thì phải có sự liên kết thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp. Muốn làm được điều đó là phải làm tốt công tác tích tụ đất, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất... Nghệ An cần có giải pháp hỗ trợ người dân trong công tác xác nhận, chuyển đổi, cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp.

Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nông thôn mới với chủ đề "Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới". Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Những nội dung của hội thảo sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn: Thứ nhất, là tích tụ ruộng đất; Thứ hai, đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp...

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN