Cái giá của hòa bình

04/10/2016 06:25

(Baonghean) - Hy vọng hòa bình vốn là 'của hiếm' ở Colombia suốt hàng thập kỷ, lại vừa nhận một “gáo nước lạnh”. Cử tri Colombia trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết giữa Chính phủ và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Người ủng hộ thỏa thuận hòa bình khóc khi nghe tin kết quả trưng cầu ý dân. Ảnh: Business Insider.
Người ủng hộ thỏa thuận hòa bình khóc khi nghe tin kết quả trưng cầu ý dân. Ảnh: Business Insider.

“Chưa có kế hoạch B”

Thỏa thuận hòa bình mà Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos ký kết với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) mới tồn tại chưa tròn 2 tháng đã không còn hiệu lực. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 50,23% cử tri quốc gia Nam Mỹ này bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới, đồng nghĩa số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%.

Kết quả này dĩ nhiên là một cú sốc với tất cả các bên tham gia thỏa thuận, cũng như với chính người dân Colombia. 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC cùng sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải đã “đổ sông đổ bể”. Còn cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964, cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn vẫn chưa thể chấm dứt.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Santos có lẽ đã bẽ bàng khi phải thừa nhận sự thật rằng đa số cử tri Colombia bác bỏ công sức của ông. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không từ bỏ và tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới "ngày cuối cùng của nhiệm kỳ".

Về phần mình, lực lượng FARC cũng cam kết tiếp tục các cuộc hòa đàm với Chính phủ, bất chấp thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10. Thủ lĩnh Timoleón Jiménez tái khẳng định thiện chí hòa bình và giải giáp vũ khí của các tay súng FARC. Ông nhấn mạnh FARC mong muốn hòa bình và sẽ chỉ đối thoại để đạt được mục đích này. Theo ông Jiménez, FARC sẽ phân tích "một cách bình tĩnh" từng chi tiết kết quả trưng cầu. Với kết quả này, FARC hiểu rằng còn rất nhiều thách thức để tổ chức này trở thành một chính đảng và bày tỏ tin tưởng nền hòa bình sẽ chiến thắng.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân không chỉ đơn giản là việc nói không với thỏa thuận hòa bình được trông đợi. Mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ, FARC và các bên trung gian hòa giải gần 4 năm qua để chấm dứt chiến tranh ở Colombia đã trở nên vô nghĩa với kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Và khi mà sự kỳ vọng quá lớn, chính phủ của Tổng thống Santos cũng không có phương án dự phòng. Khả năng cao là thỏa thuận trên sẽ bị hủy bỏ.

Phiến quân FARC trong một buổi lễ diễn ra tháng trước tại đồng bằng Yari, miền Nam Colombia. Ảnh: ABCNews.
Phiến quân FARC trong một buổi lễ diễn ra tháng trước tại đồng bằng Yari, miền Nam Colombia. Ảnh: ABCNews.

Lá phiếu đòi công lý

Dù rất đáng thất vọng nhưng kết quả trưng cầu ý dân phản ánh chính xác nguyện vọng của đa số người dân Colombia. Thông điệp là: Hòa bình là điều được chờ đợi, thế nhưng sẽ không có sự thanh thản “miễn phí” cho những người đã gây ra tội ác và bất ổn trong hơn 5 thập kỷ qua, ở đây là những thành viên của FARC.

Nhiều người Colombia đã và đang cảm thấy trong những năm qua, tổng thống Jose Manuel Santos đã nhượng bộ quá nhiều để có thể đưa FARC ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra một thỏa thuận cuối cùng. Nó khiến người ta nghĩ rằng phiến quân một thời gây tội ác sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những việc họ đã làm trong quá khứ. Trong khi, một nền hòa bình thực sự đòi hỏi chính quyền phải điều tra và tống giam các chiến binh của FARC.

5 thập kỷ giao tranh giữa chính quyền và lực lượng nổi dậy đã tạo ra những “vết sẹo” khủng khiếp trong lòng đất nước Colombia. Có rất nhiều người dân là nạn nhân của nạn bắt cóc và giết chóc của phiến quân. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng trước cho phép những chiến binh khét tiếng một thời được bắt đầu cuộc sống mới như những công dân bình thường, và lãnh đạo phe nổi dậy được giảm hình phạt vì những tội ác chiến tranh.

Thỏa thuận này, vì thế, bị coi là quá khoan dung. Roosevelt Pulgarin, 32 tuổi, một giáo viên dạy nhạc tại thủ đô Bogota không ngần ngại bày tỏ quan điểm về thỏa thuận hòa bình: “Chẳng có công lý gì trong bản Hiệp định này. Nếu những người nói “Không” giành chiến thắng, chúng tôi sẽ không có hòa bình. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ không trao đất nước này cho phiến quân. Chúng tôi cần các cuộc đàm phán công bằng hơn”.

Quả thực, nếu nhìn vào các điều kiện trong thỏa thuận, những người là nạn nhân của chiến tranh sẽ không khỏi bức xúc. Lực lượng nổi dậy đồng ý từ bỏ ngay lập tức các trại huấn luyện tại 28 “khu vực tập trung” trên khắp cả nước. Trong 6 tháng tiếp theo, họ sẽ giao lại vũ khí cho các nhóm giải giáp của Liên hợp quốc.

Đổi lại, phiến quân được hưởng ân xá. Những người bị tình nghi liên quan tới tội ác chiến tranh được xét xử tại tòa án đặc biệt với hình phạt được giảm nhẹ. Nhiều người trong số này sẽ làm nghĩa vụ công ích, như gỡ bỏ bom mìn do chính FARC cài đặt trên khắp đất nước.

Ngoài ra, các thành viên của FARC, một tổ chức từng bị coi là khủng bố, còn đang hy vọng tái hòa nhập với xã hội Colombia như những nhà lãnh đạo chính trị với 10 ghế trong Quốc hội. Cựu tổng thống Colombia Alvaro Uribe thốt lên: “Thỏa thuận này quá nhẹ nhàng với phiến quân. Chúng cần phải bị điều tra như những kẻ giết người hay buôn lậu ma túy”.

Jason Marczack, chuyên gia về Mỹ - Latinh tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington DC., Mỹ nhận xét: “Sự căm ghét nhằm vào FARC đã chiến thắng hy vọng về tương lai”. Đó là lời cảnh báo tiến trình hòa bình tại Colombia sẽ không phải là một con đường trải hoa hồng.

Những món nợ từ lịch sử sẽ còn đánh thức sự khác biệt và mâu thuẫn nội tại. Giải quyết nó chắc chắn sẽ hao tổn nhiều thời gian và công sức hơn 4 năm đàm phán cho bản Hiệp định hòa bình mới bị bác bỏ cuối tuần qua.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN