Thế giới và những mâu thuẫn
(Baonghean) - Lịch sử thế giới được viết nên từ những mâu thuẫn không bao giờ hết. Một nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới nhưng vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, một người đàn ông vừa là người hùng vừa là kẻ tội đồ dưới góc nhìn của những phe phái đối lập.
Bước tiến nhỏ đến tham vọng lớn của Trung Quốc
Ngày 1/10/2016, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chính thức được thêm vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF - một năm sau khi tổ chức này ra thông báo. Cùng với đồng đô-la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng euro và đồng yên Nhật, từ nay đồng NDT sẽ nằm trong danh sách các loại tiền mà các nước có thể được nhận thông qua các khoản vay của IMF.
Trung Quốc nỗ lực toàn cầu hoá đồng Nhân dân tệ. Ảnh: Le Monde |
Các chuyên gia nhận định điều này cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực mà Trung Quốc bỏ ra trong 6 năm qua để toàn cầu hoá đồng tiền của mình. Điều đáng kể nhất Bắc Kinh nhận được qua sự kiện này nghiêng về ý nghĩa biểu tượng và danh tiếng nhiều hơn là giá trị kinh tế và quyền lực thực chất bởi kể từ sau năm 1973, vai trò của rổ tiền tệ quốc tế đã giảm sút đáng kể.
Trên thực tế, các đơn vị tiền tệ trong rổ tiền chỉ dùng để tính toán lãi suất của các khoản tiền mà IMF cho vay, còn các quốc gia sở hữu loại tiền đó có thể dùng tiền tệ nước mình hoàn trả trực tiếp cho IMF. Để được thêm vào rổ tiền tệ quốc tế, quốc gia sở hữu tiền tệ phải là một nước xuất khẩu mạnh và loại tiền đó phải được sử dụng một cách rộng rãi.
Điều kiện thứ hai khá khó khăn với Trung Quốc bởi đồng NDT không được giao dịch một cách tự do mà bị giới hạn bởi một định mức đưa ra theo từng ngày. Bắc Kinh đã đưa ra một kế hoạch mạo hiểm để đưa đồng NDT vào rổ tiền quốc tế, bao gồm cả việc phá giá đồng tiền này từ mùa hè năm 2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì việc đồng NDT được thêm vào rổ tiền tệ quốc tế sẽ không đem lại thay đổi gì đáng kể trong tầm nhìn ngắn hạn đối với nền kinh tế - tài chính của Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để cho đồng tiền của mình được định giá một cách tự do bởi các lực đẩy trên thị trường.
Tỷ giá giao dịch vẫn sẽ là công cụ mà ngân hàng Trung ương nắm giữ để điều tiết nền kinh tế nội địa. Đổi lại, đưa đồng NDT vào rổ tiền quốc tế lại được cho là bước đi đầy tính toán của IMF về mặt chính trị. Tuy nhiên cũng cần chú ý một điểm: Phải mất đến một năm sau khi đưa ra thông báo, tổ chức này mới chính thức ra quyết định thêm đồng NDT vào rổ tiền tệ quốc tế. Động thái này như một thông điệp ngầm gửi đển Trung Quốc rằng cái gật đầu của IMF không phải là điều dễ dàng.
Hiện trong rổ tiền tệ quốc tế, sức nặng của đồng NDT đang xếp thứ 3 (10,92%), chỉ sau đồng đô-la Mỹ (41,73%) và đồng euro (30,93%). Tuy nhiên, nếu so sánh các giao dịch quốc tế thì đồng NDT chỉ chiếm 1,86%, quá ít ỏi so với đồng đô-la Mỹ (42,5%) hay đồng euro (30,1%). Có lẽ chặng đường vươn đến một đồng tiền quốc tế của đồng NDT vẫn còn xa vời, và việc được thêm vào rổ tiền tệ quốc tế chỉ như một bước đi ngắn cho một tham vọng lớn lao.
Một con người, hai số phận?
Ngày 30/9, tang lễ của cựu Tổng thống Israel Shimon Peres được cử hành tại nghĩa trang quốc gia ở đồi Herzl, Jerusalem. 90 lãnh đạo đến từ 70 quốc gia đã có mặt tại tang lễ, 8.000 cảnh sát được huy động, 30.000 người dân Israel diễu hành tưởng niệm nhà lãnh đạo hôm 29/9.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại tang lễ ông Shimon Peres. Ảnh: AFP |
Shimon Peres được biết đến như là người cuối cùng thuộc thế hệ các nhà sáng lập ra nhà nước Israel. Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngoại trưởng, Thủ tướng, Tổng thống của quốc gia này, Shimon Peres từng được trao giải Nobel hoà bình vào năm 1994 cùng với cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Shimon Peres được biết đến như là người có đóng góp to lớn dẫn đến việc ký kết hiệp ước Oslo - dấu mốc trong lịch sử mối quan hệ thù địch giữa Israel và Palestine.
Đối với nhiều chính trị gia phương Tây, Shimon Peres được đánh giá cao và thường được nhắc đến như là “người đàn ông của hoà bình”. Tổng thống Mỹ Barack Obama còn nêu tên Shimon Peres trong danh sách “những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX”, cùng với nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela.
Trái ngược với phương Tây, thế giới Arab lại có phản ứng khá gay gắt đối với tang lễ của cựu Tổng thống Israel. Bằng chứng, Tổng thống Chính quyền Palestine, ông Mahmoud Abbas là lãnh đạo Arab cấp cao duy nhất đến dự tang lễ.
Trong khi đó, tại Liban, Shimon Peres được nhắc đến trên các mặt báo dưới danh xưng “tên đao phủ Cana” - ám chỉ vụ thám sát 106 công dân Liban tại một ngôi làng phía Nam quốc gia này dưới hoả lực của quân đội Israel vào năm 1996. Khi đó, ông Peres đang là Thủ tướng. Bộ trưởng Bộ Y tế Liban thậm chí còn tuyên bố: “Cầu cho linh hồ của ông ta bị nguyền rủa”. Tờ nhật báo thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Saudi cũng nhắc đến ông Peres như là “cha đẻ của chương trình hạt nhân” và một loạt những danh xưng không mấy thiện chí khác.
Trên mạng xã hội, những phản ứng của thế giới Arab còn cực đoan hơn nhiều. Một video được chia sẻ rộng rãi trên facebook cho thấy một phụ nữ Palestine mặc đồ truyền thống đang nguyền rủa Tổng thống Palestine vì đã đến dự lễ tang của Shimon Peres: “Thật đáng hổ thẹn khi đến dự tang lễ của kẻ đã sát hại những đứa trẻ của mình. Cầu cho quỷ dữ bắt hết các người!”.
Ngay cả Ai Cập và Jordan, 2 quốc gia được xem là có mối quan hệ tốt đẹp với Israel cũng không mấy mặn mà với việc xích lại gần Israel vào thời điểm này. Mặc dù Ngoại trưởng Ai Cập vẫn đến dự lễ tang song tài khoản Twitter của phát ngôn viên Bộ ngoại giao nước này lại không đả động gì đến sự kiện. Vua của Jordan thì chỉ đơn giản là gửi đi một lá thư chia buồn.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo cấp cao của thế giới Arab không hoàn toàn thù ghét gì Shimon Peres hay Israel, mà vấn đề là họ chịu áp lực nặng nề từ công luận. Có thể trong mắt các nhà chính trị gia phương Tây và một số người, Shimon Peres là người hùng của tiến trình hoà bình ở Trung Cận Đông, song với nhiều người trong thế giới Arab, đó lại là kẻ tội đồ không hơn không kém.
Hải Triều
(Theo Le Monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|