4 cách tiêu tiền thưởng của các chủ nhân giải Nobel
Mua xe, mua nhà, trả học phí cho con, làm từ thiện hay tái đầu tư vào nghiên cứu là cách mà những người giành giải Nobel dùng khoản tiền nhận được từ giải thưởng này.
Sáng sớm ngày 28/10/1954, Mary Welsh Hemingway, vợ thứ tư của nhà văn Ernest Hemingway, đang ngủ trong giường thì thấy chồng mình bò vào thì thầm, "Tôi đã thắng rồi". "Thắng gì?" "Cái giải Thụy Điển ấy".
Ý của nhà văn nổi tiếng đương nhiên là giải Nobel Văn chương nhưng với ông thì tin đó không phải là hay gì lắm. "Tôi đã định bảo họ là biến đi", ông nói, rồi ngừng lại. "Nhưng giải đó tới 35.000 USD (khoảng 310.000 USD hiện giờ). Với số đó thì tha hồ ăn chơi".
Quỹ Nobel, có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, lần lượt công bố người chiến thắng của giải thưởng trong các lĩnh vực y học, vật lý, hóa học cũng như kinh tế, hòa bình và văn học bắt đầu từ hôm 3/10.
Những nghiên cứu đột phá sẽ được vinh danh và để lại tiếng thơm cho hậu thế. Bên cạnh tấm huy chương và bằng chứng nhận, những người chiến thắng sẽ nhận được một khoản tiền thưởng.
Số tiền mà những người đoạt giải nhận được tùy thuộc vào quyết định của quỹ Nobel. Hiện tại, số tiền đi kèm với một giải Nobel là hơn 900.000 USD.
Chi để hưởng thụ
Nếu nói giải thưởng dành cho những người dành cả cuộc đời để mang lại lợi ích cho nhân loại chỉ là tiền thì chưa thực sự thấu đáo. Theo Phillip Sharp, người Mỹ đoạt giải Nobel Y sinh năm 1993, giá trị của giải thưởng Nobel nằm ở danh dự, nhưng "tiền thưởng cũng mang một ý nghĩa tích cực".
Huy chương Nobel bằng vàng chạm hình cha đẻ của giải thưởng Nobel danh tiếng. Ảnh: AP. |
Với một số người đoạt giải, tiền thưởng thuần tuý được chi vào chuyện hưởng thụ. Khi Sir Paul Nurse, hiện là giám đốc của Viện Crick Francis, Anh giành giải Nobel Y sinh vào năm 2001, ông đã tự thưởng cho mình một chiếc xe máy Kawasaki GPZ (sau nâng cấp thành dòng Triumph Bonneville).
Franco Modigliani, người thắng giải Nobel Kinh tế năm 1985, hứa sẽ không tiêu pha quá đà với giải thưởng của mình, đã dùng tiền thưởng để nâng cấp một chiếc du thuyền.
Richard Roberts, người nhận giải thưởng Nobel danh giá vào năm 1993, cũng chi tiền thưởng cho việc mở một sân cỏ chơi khúc côn cầu rộng 740m2 ngay trong khuôn viên nhà ở của mình.
Albert Camus, chủ nhân Nobel Văn học năm 1957, mua một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp và làm việc ở đó. Nhà viết kịch Eugene O'Neill, được trao giải Nobel Văn học năm 1936, cũng xây một ngôi nhà kiểu châu Á tại bang California bằng tiền thưởng, nơi mà sau này ông viết một số vở kịch nổi tiếng nhất trong sự nghiệp cầm bút.
Khi được hỏi về ý nghĩa của giải thưởng Nobel Văn học được nhận năm 2004, tiểu thuyết gia người Áo Elfriede Jelinek nói: "Dĩ nhiên là (nó giúp tôi) độc lập về tài chính".
Dùng cho quỹ lương hưu
Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh Angus Deaton mới giành được giải Nobel Kinh tế năm ngoái cho công trình phân tích tiêu dùng, sự nghèo đói và phúc lợi xã hội. Deaton cũng dùng nó để xem xét mối liên hệ giữa tiền bạc và sự mãn nguyện.
"Trong sự nghiệp của mình, tôi đã cố gắng nghiên cứu để hiểu được ý nghĩa của việc chi tiêu và tiết kiệm", ông nói. "Duy chỉ một điều tôi vẫn không hiểu là tại sao chúng ta lại làm thứ vô nghĩa như chi tiêu toàn bộ số tiền có được từ một vận may bất ngờ như vậy? Do đó, tôi chọn cách tiết kiệm, sau khi phải trả nhiều thuế vì nó", Deaton cho hay.
Không giống như các quốc gia khác, Mỹ đánh thuế đối với giải Nobel như những nguồn thu nhập thông thường. Giáo sư Đại học Princeton này vừa nghỉ hưu, ông đưa vào số tiền thưởng còn lại vào quỹ hưu trí của mình để chi tiêu trong nhiều năm tới.
Dùng tiền thưởng tử giải Nobel để chi trả cho cuộc sống hàng ngày không phải là chuyện hiếm gặp.
"Tôi phải san sẻ giải thưởng của mình", John Walker, người đồng giành giải Nobel Hóa học năm 1997 cho biết. "Mặc dù (tiền thưởng) tưởng chừng như một con số khổng lồ, nhưng thực sự không phải vậy. Tại thời điểm đó, các con tôi vào đại học. Nó (số tiền) đã giúp tôi an tâm về những chi phí giáo dục ở cấp đại học và sau đại học của chúng", ông chia sẻ.
Vì những mục đích cao cả
Nhiều cá nhân lại dùng tiền thưởng của mình cho những mục đích lâu dài và nhân đạo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2009 vì những nỗ lực phi thường nhằm "tăng cường ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc”. Ảnh: whitehouse. |
Đôi với nhà bác học Marie Curie (Nobel Vật lý, 1903), việc nhận giải Nobel cho phép bà tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu. Gia đình bà cũng là một trường hợp đặc biệt khi bản thân Curie hai lần nhận giải Nobel trong hai lĩnh vực. Chồng, con gái và con rể của bà cũng được vinh danh cùng giải thưởng cao quý này.
Những người đạt giải Nobel Hòa bình lại dùng tiền thưởng của mình để chia sẻ cùng cộng đồng. Tổng thống Mỹ Barack Obama là một ví dụ. Giải thưởng năm 2009 được ông quyên góp cho nhóm cựu chiến binh, các chương trình trong trường đại học và các tổ chức từ thiện.
Mẹ Teresa (Nobel Hòa bình, 1979), Nadine Gordimer (Nobel Văn học, 1991), Wole Soyinka (Nobel Văn học, 1986) cùng nhiều người khác nữa cũng ủng hộ tiền thưởng của mình cho những mục đích thiện nguyện.
Günter Blobel (Nobel Y học, 1999), sau khi chứng kiến các vụ đánh bom ở Dresden, Đức, đã giành toàn bộ giải thưởng của mình để xây dựng một giáo đường Do Thái mới và sửa chữa nhà thờ ở khu vực này.
Đến những mục đích độc nhất vô nhị
Không vì bản thân, không làm từ thiện, vài chủ nhân giải thưởng Nobel lại dùng tiền thưởng để thực hiện mục đích độc nhất vô nhị. Samuel Beckett (Nobel Văn học 1969), không suy tính nhiều về số tiền thưởng nhận được. Ông đem tiền đi giúp những người bạn đang túng thiếu của mình.
Trường hợp đáng chú ý hơn cả thuộc về nhà bác học Albert Einstein, người nổi tiếng với tật đãng trí. Einstein từng cam kết trao toàn bộ số tiền thưởng từ giải Nobel mà ông tin chắc mình sẽ đạt được cho vợ khi hai người ly hôn vào năm 1919. Hài hước thay, hai năm sau ly dị, nhà bác học người Đức gốc Do thái này mới thực sự giành được giải Nobel Vật lý.
Nhà bác học đại tài Albert Einstein từng cam kết trao tiền thưởng Nobel cho vợ trước khi chính thức nhận được nó. Ảnh: lifehack. |
Lịch sử trao giải Nobel cũng chứng kiến một vài trường hợp không nhận phần thưởng tài chính trong lễ trao giải ở Stockholm. Giám đốc điều hành của Quỹ Nobel, Lars Heikenstein từng nhắc đến việc chiếc huy chương vàng 18 carat và bằng chứng nhận được đích thân nhà vua Thụy Điển trao tặng ngay lập tức được trả lại.
Thậm chí đến sáng hôm sau, nhiều người mới đến văn phòng của Heikenstein để lấy bằng chứng nhận và trao đổi về cách thức chuyển tiền thưởng. Đa phần mọi người thống nhất với phương thức đơn giản là chuyển khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, một số người lại muốn trả từ từ để giãn thuế trong hai năm.Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đều phải chuyển cho người thắng giải gói gọn trong vòng một năm.
Andre Geim, nhà khoa học đồng giải Nobel Vật lý năm 2010, cho biết tiền thưởng từ giải Nobel không phải với ai cũng quan trọng. Tuy nhiên, giống như như các giải thưởng khác, "việc sở hữu huy chương bằng vàng thật lúc nào cũng hơn là bằng vàng sơn".
Theo Zing.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|