CSGT có quyền huy động phương tiện người đi đường để cứu nạn

11/10/2016 10:04

Dự thảo hướng dẫn CSGT khi thực hiện việc trưng dụng, huy động xe cộ của người đi đường phải tuân thủ theo quyết định của người có thẩm quyền và theo quy định của luật Công an nhân dân, luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Theo dự thảo Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT vừa được Bộ Công an công bố ý kiến rộng rãi, trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ chạy, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy... thì CSGT đang làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông được thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện bị nạn.

Việc huy động này được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu. Dự thảo cũng hướng dẫn CSGT khi thực hiện việc trưng dụng, huy động xe cộ hoặc điện thoại của người đi đường phải tuân thủ theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do luật Công an nhân dân, luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định.

Ngoài ra, dự thảo quy định, CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông có thể tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong phạm vi, địa bàn được phân công hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì CSGT giải thích ngắn gọn, rõ ràng cho người vi phạm thấy rõ hành vi vi phạm của mình và biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật để tự giác chấp hành. Nếu người vi phạm không chấp hành thì tạm giữ giấy tờ, mời về trụ sở đơn vị để giải quyết hoặc hướng dẫn khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp lái xe đóng cửa bỏ đi hoặc không có mặt tại đó thì ghi lại hình ảnh và báo cáo chỉ huy đơn vị điều động xe cẩu đến kéo xe đó ra khỏi khu vực ùn tắc; mời người làm chứng, dán niêm phong tại các vị trí cần thiết của xe và lập biên bản theo quy định.

Đối với trường hợp xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến trật tự, an toàn giao thông thì lực lượng cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận sự việc; đình chỉ ngay hành vi, thu hồi hung khí (nếu có), kiểm tra giấy tờ tùy thân của những người có liên quan, tổ chức cấp cứu người bị nạn.

Trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng giải quyết của mình thì báo cáo ngay về chỉ huy đơn vị để chỉ đạo; đồng thời, thông báo kịp thời cho công an, chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc biết để phối hợp giải quyết.

Theo Thanhnien

TIN LIÊN QUAN