Nghệ An: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
(Baonghean.vn) - Chiều 12/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về Đề án "Xây dựng NTM gắn với phát triển các thành phần kinh tế gắn với làng nghề, làng có nghề, mô hình kinh tế chất lượng cao, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp; tham gia có lãnh đạo các sở: Nông nghiệp - PTNT, Tài Chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công thương và Liên minh HTX tỉnh.
Các thành viên tham gia cuộc họp |
Nghệ An là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước về số xã đạt chuẩn NTM, với 114 xã, chiếm 26,45%. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang; điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của đại bộ phận dân cư được nâng cao rõ rệt, ANTT được giữ vững.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 công ty TNHH MTV nông nghiệp và 5 công ty lâm nghiệp quốc doanh hoạt động theo luật doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 2.906 tổ hợp tác, 493 HTX, hoạt động đa dạng về ngành nghề tại các địa phương. 5.104 trang trại, gia trại, trong đó có 720 trang trại đạt tiêu chí mới; 319 làng có nghề được UBND huyện công nhận và 139 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 104 làng nghề phát triển tương đối bền vững, còn lại yếu kém, hoạt động cầm chừng.
Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 4.529 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trang trại, gia trại, tổ hợp tác… qua đó đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật góp phần làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị nông sản hàng hóa, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Làng nghề chổi đót ở Hòa Hội, Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn (Ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: phần lớn các xã chưa quan tâm đúng mức về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các xã đạt chuẩn còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh; sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức sản xuất ở nhiều địa phương còn chậm; nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn ít; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả kinh tế còn thấp, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là nông dân miền núi còn nhiều khó khăn.
Đại diện các ngành đóng góp một số ý kiến trọng tâm: Các mô hình có hiệu quả để nhân rộng chưa được nhiều; cần đưa các giống mới vào sản xuất và đẩy mạnh chuyển giao KHCN cho bà con nông dân; khuyến khích doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp… Đề án cần nêu rõ những sản phẩm đặc trưng, chủ lực của Nghệ An để có định hướng phát triển trong những năm tới.
Trang trại chăn nuôi bò Úc của Công ty TNHH Kiều Phương - Tân Kỳ là một trong những trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh. |
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở nông nghiệp và PTNT lĩnh hội các ý kiến để hoàn chỉnh đề án, bám Nghị quyết Trung ương 3 về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 để thống nhất số liệu với Liên minh HTX. Đề án cần nói rõ nguyên nhân tồn tại của làng nghề, làng có nghề; đẩy mạnh áp dụng giống mới vào sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Sở Nông nghiệp - PTNT và Liên minh HTX tỉnh thực hiện hoàn chỉnh đề án này, để sớm trình UBND tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2020 Nghệ An phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM chiếm 59% số xã, bình quân chung cả tỉnh đạt 16,5 tiêu chí/xã, có 3 – 4 đơn vị cấp huyện đạt NTM. Phấn đấu 9 huyện đồng bằng có khoảng 75% xã, 4 huyện 30a khoảng 10% 7 huyện miền núi còn lại khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM. Cùng đó, triển khai thực hiện chủ trương xây dựng đơn vị NTM cấp thôn, bản tại các huyện miền núi.
Xuân Hoàng