Thanh niên Yên Thành và những mô hình 'trăm triệu'

19/10/2016 08:08

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây vấn đề lao động và việc làm cho thanh niên nông thôn ở huyện Yên Thành đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, từ đó xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, đóng góp sức trẻ trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương.

Sau 6 năm đi xuất khẩu lao động, năm 2012, anh Cao Đình Tuấn ở xóm Hồng Lĩnh (Hùng Thành) quyết định trở về quê hương khởi nghiệp bằng nghề may mặc dân dụng. Được sự động viên của gia đình và hỗ trợ của đoàn xã, bước đầu anh mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng một xưởng may công nghiệp.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, cơ sở này đang từng bước phát huy có hiệu quả và tạo việc làm ổn định cho 13 thanh niên trong vùng, với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện cơ sở may công nghiệp của Cao Đình Tuấn đang liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận gia công nhiều đơn hàng may mặc, đảm bảo mức thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng.

Cơ sở may dân dụng Tuấn Hằng Phúc – xã Hùng Thành đã tạo việc làm ổn định cho 13 thanh niên các xã Hùng Thành, Phúc Thành và Hậu Thành.
Cơ sở may dân dụng Tuấn Hằng Phúc - xã Hùng Thành đã tạo việc làm ổn định cho 13 thanh niên các xã Hùng Thành, Phúc Thành và Hậu Thành.

Anh Phan Văn Thắng - Bí thư Đoàn xã Hùng Thành cho biết: Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc ban hành chính sách thu hút và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, hiện tại trên địa bàn xã đã có 4 mô hình của ĐVTN có mức thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Tiêu biểu có mô hình sơ chế lâm sản của Phan Quốc Thượng (SN 1985) ở xóm Ngọc Thành đầu tư trên 1 tỷ đồng, chuyên sản xuất nguyên liệu làm gỗ ép, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Đài Loan, giải quyết việc làm từ 20-30 lao động địa phương; mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Thị Hà ở xóm Sơn Thành mỗi tháng cho thu nhập 12-15 triệu đồng... Từ những mô hình làm kinh tế giỏi của thanh niên đã có sức lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn, thu hút 700 ĐVTN tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của thanh niên Nguyễn Thị Hà,  xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành hiện đang đầu tư nuôi 30 con dê; 4 con bò; 60 con lợn và hàng trăm con gà thả đồi, cho thu nhập 12 triệu đồng/tháng.
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của thanh niên Nguyễn Thị Hà, xóm Sơn Thành, xã Hùng Thành hiện đang đầu tư nuôi 30 con dê; 4 con bò; 60 con lợn và hàng trăm con gà thả đồi, cho thu nhập 12 triệu đồng/tháng.

Còn ở xã Thọ Thành, hơn một năm qua, đoàn xã đã phối hợp với Ban XĐGN xã thành lập được 7 mô hình thanh niên chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu, sửa chữa cơ khí, thu hút 150 ĐVTN tham gia, đồng thời đứng ra ký ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện vay trên 1 tỷ đồng và thu hút nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, nhờ đó đã có khoảng 60% thanh niên phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Để phát huy vai trò sức trẻ trong xây dựng quê hương, bám sát nội dung Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, những năm qua, huyện Yên Thành đã chú trọng đến vấn đề nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên.

Mô hình chăn nuôi 3000 con vịt đẻ của thanh niên Hoàng Xuân Sang – Xóm Vạn Tràng, xã Long Thành cho thu nhập khá.
Mô hình chăn nuôi 3000 con vịt đẻ của thanh niên Hoàng Xuân Sang - xóm Vạn Tràng, xã Long Thành cho thu nhập khá.

Theo đó, nhiều đề án đã được ban hành, kết hợp huy động nhiều nguồn lực xã hội, đầu tư ngân sách thỏa đáng để đẩy mạnh công tác dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên; có chính sách tín dụng ưu đãi cho thanh niên vay tạo việc làm, lập nghiệp; Huyện đoàn và Hội LHTN tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến việc làm.

Bên cạnh việc hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 39 tổ chức đoàn - hội cơ sở còn đứng ra ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện vay trên 65 tỷ đồng, trong đó vốn vay giải quyết việc làm trong 9 tháng đầu năm nay là 875 triệu đồng, tạo điều kiện về vốn cho đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Cùng với đó, công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng việc làm được Huyện đoàn và Hội LHTN Yên Thành đặc biệt quan tâm, chú trọng. Hàng năm phối hợp với Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp huyện và các trường nghề trong và ngoài tỉnh trực tiếp về các trường học, tổ chức tư vấn cho học sinh chọn ngành, nghề phù hợp và có nhiều hình thức dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn.

: Đông đảo thanh niên nông thôn tham gia học nghề  sửa chữa cơ khí tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật công, nông nghiệp Yên Thành.
: Đông đảo thanh niên nông thôn tham gia học nghề sửa chữa cơ khí tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật công, nông nghiệp Yên Thành.

Nhờ đó đến nay toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình thanh niên phát triển kinh tế, trong đó có 30 mô hình cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm. Nhiều tổ chức đoàn, hội cơ sở còn thường xuyên phát động nhiều phong trào như hỗ trợ nhau về ngày công lao động, tặng cây, con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... giúp thanh niên có hoàn cảnh vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Khắc Bằng - Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Thành cho biết: Để giải bài toán giải quyết việc làm, thu hút đông đảo lực lượng trẻ ở lại xây dựng quê hương, cùng với công tác đào tạo tay nghề và huy động các nguồn vốn vay ưu đãi, Huyện đoàn và Hội LHTN Yên Thành đang phối hợp với chính quyền cơ sở và các hội: nông dân, CCB, phụ nữ chung tay hỗ trợ xây dựng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế với nhiều loại hình khác nhau, trong đó chú trọng việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất, khuyến khích thanh niên tham gia sinh hoạt CLB theo sở trường, tạo cơ hội để thanh niên cống hiến sức trẻ và phát huy trí tuệ, xung kích trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Thái Dương

(Đài TT -TH Yên Thành)

TIN LIÊN QUAN