Khai tử Galaxy Note 7 - thử thách lớn của Samsung

12/10/2016 09:42

(Baonghean) - Samsung vừa chính thức thông bố thu hồi và ngừng sản xuất Galaxy Note 7. Đây được xem là thử thách lớn đối với hãng điện thoại này và là sự quan tâm của giới công nghệ. Hãy cùng xem những vấn đề mà Samsung gặp phải qua biến cố này và cách họ giải quyết vấn đề.

Vấn đề của sản phẩm

Vào năm 1995, Samsung từng gặp vấn đề về chất lượng của một dòng điện thoại, ngay lập tức, Chủ tịch Lee Kun-hee, doanh nhân nổi tiếng nhất Hàn Quốc đã tức giận thiêu cháy 150.000 các điện thoại bị lỗi này.

Hành động tiêu hủy này có thể coi là bước ngoặt đối với tên tuổi của Samsung suốt 2 thập kỷ nay, từ chỗ gắn liền với danh hiệu là một nhà sản xuất hàng nhái rẻ tiền, Samsung trở thành một nhà sản xuất đi đầu trong chất lượng sản phẩm, thiết kế và phân phối sản phẩm điện tử.

Khách hàng dùng thử điện thoại Samsung Galaxy Note 7 tại Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.
Khách hàng dùng thử điện thoại Samsung Galaxy Note 7 tại Hàn Quốc. Ảnh: New York Times.

Năm nay, một lần nữa sự cố về chất lượng sản phẩm lại xảy ra với dòng điện thoại thông minh được coi là đang bán chạy nhất của hãng - Samsung Galaxy Note 7.

Được đưa ra thị trường vào giữa tháng 8 năm nay, dòng điện thoại cao cấp này đươc kỳ vọng đem lại lợi thế cho Samsung trước đối thủ cạnh tranh chính là Apple. Tuy nhiên không lâu sau đó, gần 100 báo cáo về hiện tượng gây cháy được cho là xuất phát từ chiếc điện thoại này đã gây ra sự chú ý.

Điện thoại Galaxy Note 7 có thể là nguyên nhân của ít nhất một vụ cháy nhà, một chiếc xe Jeep và nhiều lần bốc khói trên các chuyến bay. Cục hàng không liên bang Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo hành khách không nên bật thiết bị Galaxy Note 7 trên máy bay hay không để trong hành lý ký gửi.

Gần đây nhất vào hôm thứ 4 tuần trước, hãng Southwest Airlines đã phải sơ tán một chiếc máy bay do một điện thoại Samsung bốc cháy.

Trước những thông tin bất lợi, hôm thứ 2 vừa rồi, Samsung đã quyết định dừng bán dòng sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu. Quyết định ngừng bán Galaxy Note 7 được đưa ra sau thông tin ngày 2/9, Samsung cho biết, công ty tiến hành thu hồi 2,5 triệu điện thoại. Đây được coi là cuộc thu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện thoại thông minh.

Trước đó, Samsung từng tuyên bố đã xác định được các lỗi và cho phép người sử dụng đổi điện thoại đã mua bằng các sản phẩm mới hơn. Tuy nhiên, hãng này đã đình chỉ hoàn toàn việc bán cũng như đổi điện thoại sau khi 4 hãng phân phối chính tại Hoa Kỳ dừng bán sản phẩm khi có báo cáo về sự cố kể cả với sản phẩm được đổi mới. Samsung cũng đã khuyến cáo người sử dụng nên tắt thiết bị Note 7 của mình và có thể hoàn trả hoặc đổi một dòng sản phẩm khác.

Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng của Liên bang Hoa Kỳ ủng hộ động thái của Samsung khi hãng này kêu gọi người dùng ngừng sử dụng điện thoại. Jan Dawson, chuyên gia phân tích ngành công nghiệp công nghệ cao tại Viện nghiên cứu Jackdaw cho rằng, đây là một tin tồi tệ cho Samsung và dòng điện thoại Note 7 gần như đã chết. Samsung dự kiến sẽ công bố kết quả điều tra sâu rộng hơn vào cuối tuần này.

Thiệt hại của Samsung

Trước khi bị thu hồi, Công ty Strategy Analytics đã ước tính Samsung có thể bán tới 15 triệu điện thoại Note 7 vào năm 2016. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với 180 tỷ USD doanh thu hàng năm, Samsung có thể mất đến 10 tỷ USD liên quan đến các rắc rối gần đây.

Danh tiếng của Samsung cũng bị ảnh hưởng rất lớn trên các mạng xã hội, cụ thể, từ khi các sự cố về Note 7 bắt đầu xảy ra, các thông điệp xấu về Samsung tăng 450% trên mạng xã hội Twitter so với trước.

Sự ảnh hưởng này không chỉ gây ra trên một dòng sản phẩm mà trên toàn bộ thương hiệu của Samsung. Yoo Jong-woo, một nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân của sự việc cần được tìm ra và công bố rõ ràng để khách hàng của Samsung không còn nghi ngại về các sản phẩm của hãng. Cổ phiếu của Samsung đã giảm 7,3% vào ngày thứ 2 và là mức giảm sâu nhất trong 1 tháng.

Nguyên nhân sự cố

Samsung tuyên bố pin là nguyên nhân của các sự cố bởi nó do một nhà cung cấp riêng sản xuất. Hãng đã đổi sang một nhà cung cấp khác thì các sản phẩm an toàn. Tuy vậy, Samsung vẫn đang vật lộn để tìm ra cách giải quyết nguyên nhân của lỗi pin và để giải thích tại sao một công ty nổi tiếng về sản xuất lại có thể gặp lỗi tới 2 lần cả ở sản phẩm gốc và sản phẩm đổi mới.

Các chuyên gia công nghệ đang nghi ngờ các vấn đề có thể đã nằm ngoài khâu sản xuất, hay do thiết kế phần mềm. Nhìn chung, đây là vấn đề các công ty công nghệ dễ gặp phải.

Năm 1994, Intel đã buộc phải thu hồi vi xử lý hàng đầu của hãng là Pentium với lỗi thuật toán xây dựng nên nó. Hãng máy tính Dell từng thu hồi hơn 4 triệu sản phẩm máy tính xách tay vì hiện tượng nổ pin lithium do Sony sản xuất vào năm 2006. Các công ty khác như Fitibit hay Microsoft cũng gặp các vấn đề trong sản xuất trong nhiều năm qua.

Ảnh hưởng ngành điện thoại thông minh

Những sự cố này của Samsung - hãng bán điện thoại thông minh hàng đầu thế giới lại là một cơ hội hiếm có cho các đối thủ, đặc biệt là Apple. Một nhà phân tích công nghệ từ Needham & Company cho rằng, sự kiện này gây sụt giảm hàng tỷ USD đối với giá trị thương hiệu của Samsung.

Một chiếc điện thoại Note 7 bị cháy trong phòng thí nghiệm tại Singapore. Ảnh: BBC.
Một chiếc điện thoại Note 7 bị cháy trong phòng thí nghiệm tại Singapore. Ảnh: BBC.

Với đặc trưng dung lượng pin cao, chức năng nhận dạng mắt để tăng cường bảo mật, công nghệ xạc nhanh không dây, Galaxy Note 7 là điện thoại đắt tiền nhất của Samsung được bán ra với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với iphone của hãng Apple.

Do vậy, có thể thấy Apple chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự cố của Samsung. Bên cạnh đó, Google, chủ của hệ điều hành Android chạy trên hầu hết các điện thoại của Samsung lại gặp khó khăn đối với việc bán các dòng điện thoại của riêng mình.

Các hãng điện thoại thông minh khác như Huawei hay Xiaomi thì lại đang tìm cách mở rộng vị thế của mình ra ngoài Trung Quốc để cạnh tranh với Samsung trên toàn thế giới./.

Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN