Khiếu nại của người dân phường Cửa Nam: Khu tập thể bị 'lãng quên'?

06/10/2016 17:21

(Baonghean) - Theo phản ánh của các hộ dân tổ 8, khối 3, phường Cửa Nam, TP. Vinh, dự án Công viên Thành cổ Vinh bị “treo” đã gần 40 năm, dẫn đến khó khăn về nhà ở. Cuối tháng 9/2016, người dân đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan cấp tỉnh và Báo Nghệ An.

Một góc khu tập thể Trung tâm văn hóa (thuộc tổ 8, K3, P. Cửa Nam).
Một góc khu tập thể Trung tâm văn hóa (thuộc tổ 8, K3, P. Cửa Nam).

Tại đơn khiếu nại, người dân nêu: “Chúng tôi sinh sống gần 40 năm tại khu vực Thành cổ Vinh, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều lần, kiến nghị lên các cấp liên quan có thẩm quyền về việc kéo dài quá lâu dự án Công viên Thành cổ nhưng không được xem xét…

Về nhà ở, chúng tôi đã sử dụng hàng mấy chục năm, xuống cấp nghiêm trọng, dột nát nhưng không được phép xây dựng, sửa chữa. Lý do vì không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vì nằm trong vùng quy hoạch Dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh” (được phê duyệt tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN ngày 1/10/2008 của UBND tỉnh); trong khi các nghĩa vụ thuế nói chung và nghĩa vụ thuế nhà đất nói riêng nộp đầy đủ… Đề nghị cấp có thẩm quyền xuống trực tiếp khu vực dân cư có đơn để xác thực hoàn cảnh sống của dân; qua đó có giải pháp cụ thể, không kéo dài thêm tình trạng “đi không được, ở không xong”, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân…”.

Hiện tổ 8, khối 3, phường Cửa Nam có 30 hộ dân, hầu hết nguyên là CB, CNV của Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh, và đã sinh sống tại đây từ trước năm 90. Theo hồ sơ mà các hộ dân lưu giữ, vào tháng 7/1990, các căn hộ tập thể được xây dựng từ năm 1982 xuống cấp, nhưng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Nghệ Tĩnh không có kinh phí sửa chữa.

Vì vậy, Sở Tài chính, VH&TT Nghệ Tĩnh đã thực hiện kiểm kê thanh lý nhà tập thể; cho phép Nhà văn hóa trung tâm hóa giá các căn hộ cho các hộ dân tự tu sửa để đảm bảo việc ăn ở trong mùa mưa bão. Việc hóa giá được thể hiện rõ trên hóa đơn (có ghi rõ số tiền các hộ phải nộp, số gian nhà được mua) thời điểm tháng 4/1991.

“Từ chỗ là khu tập thể của CB,CNV, dần dà nơi đây hình thành tổ dân cư số 8 của khối 3, phường Cửa Nam” - ông Nguyễn Thiện Sơn, người có nhiều năm làm tổ trưởng tổ 8, nay là Trưởng Ban công tác mặt trận khối 3 cho hay. Theo ông Sơn, năm 1998, Nhà nước đã thực hiện truy thu 6 năm thuế nhà đất đối với các hộ dân (1993 - 1998). Từ đó trở đi, cứ đến thời hạn, các hộ dân đều thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí đầy đủ theo quy định.

1
Biên lai thu thuế nhà đất từ tháng 1/1993 đến tháng 12/1998 đối với các hộ sống tại tổ 8, k3, P. Cửa Nam, TP. Vinh.

Cũng theo ông Sơn, kể từ ngày mua hóa giá nhà, các hộ dân mong muốn được cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Và đã kiến nghị vấn đề này lên chính quyền phường, thành phố; trình bày nguyện vọng với đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội khi về tiếp xúc cử tri, nhưng rốt cuộc, không được giải quyết. Đã có lần (năm 2009), UBND phường thông tin đến ban cán sự là các hộ dân tổ 8 sẽ được cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Nhưng chỉ vài hôm sau, phường lại đính chính là... nhầm.

Bởi tổ 8 là khu tập thể nên khi tiếp nhận đơn, chúng tôi đã gặp những người thực hiện Đề án giải quyết nhà ở tập thể của UBND TP. Vinh để tìm câu trả lời. Theo Quyết định số 109/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đề án giải quyết nhà ở tập thể trên địa bàn thành phố sẽ phải hoàn thành vào năm 2017. Vậy nhưng người có trách nhiệm cho hay, UBND thành phố mới đây đã báo cáo Thành ủy thống nhất kiến nghị đề xuất đưa 22 khu tập thể ra khỏi đề án, trong đó có khu tập thể Nhà văn hóa trung tâm tỉnh nghệ Tĩnh!.

Tại báo cáo kết quả thực hiện đề án (tính đến 20/8/2008) có nêu lý do, theo Đề án 109, UBND tỉnh dự kiến số vốn 211,78 tỷ đồng để hỗ trợ TP. Vinh thực hiện. Tuy nhiên, từ đó đến nay, UBND TP. Vinh chưa nhận được ngân sách hỗ trợ của tỉnh. Và bởi 22 khu tập thể có liên quan đến các dự án quy hoạch Lâm viên núi Quyết và Thành cổ Vinh nên để thực hiện, đề nghị UBND tỉnh “sớm bố trí nguồn vốn”. Anh cán bộ tiếp chuyện chúng tôi nói rằng: “Đây mới là ý kiến của UBND thành phố có sự thống nhất của Thành ủy, còn quyết định thế nào thì phải chờ ý kiến của UBND tỉnh…”.

Tại UBND phường Cửa Nam, bản vẽ quy hoạch điều chỉnh dự án “Bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3412 có nêu rõ, cùng với khu tập thể Nhà văn hóa trung tâm còn có các khu tập thể Bảo tàng tổng hợp, Bảo tàng Xô Viết, Phát hành sách (tất cả 109 hộ) sẽ phải di dời để nhường đất thực hiện hạng mục công trình “cây xanh - vườn tượng”. Quy hoạch là vậy, nhưng từ năm 2008 đến giờ vẫn nằm nguyên trên giấy. Vị cán bộ UBND phường Cửa Nam cũng cho hay, phường cũng mới tiếp nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân tổ 8 do UBND TP. Vinh chuyển về, trong đó giao “Trưởng phòng Quản lý đô thị và Chủ tịch UBND phường Cửa Nam kiểm tra, tham mưu UBND TP. Vinh giải quyết…”.

1
Mái ngói các căn hộ tập thể tổ 8 được "vá" bằng các tấm nhựa để chống dột (ảnh chụp tại căn hộ của ông Nguyễn Đình Vinh)

Liên quan đến dự án Công viên Thành cổ Vinh, ý tưởng về dự án bắt đầu có từ năm 1978; đến năm 2001 thì được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Thời điểm này, tất cả các hộ dân trong Thành cổ đều phải di dời đi nơi khác; trong thời điểm dự án chưa thực hiện, các hộ dân không được xây dựng mới, cơi nới nhà cửa. Tuy nhiên, dự án bị “treo” do không có kinh phí.

Năm 2006, khi báo chí phản ánh việc dự án treo đã gần 30 năm, HĐND tỉnh đã mổ xẻ, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch và cho phép những hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất được xây nhà không quá hai tầng.

Năm 2008, Quy hoạch Thành cổ Vinh được điều chỉnh, nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có hạng mục Hào thành là được thực hiện, vì là một hợp phần của Dự án hạ tầng Tiểu đô thị Vinh có vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2017) còn các hạng mục khác, chưa có động tĩnh gì.

Trao đổi với một lãnh đạo thành phố đã nghỉ hưu, am hiểu về dự án Thành cổ Vinh, ông nói: “Thành phố có rất nhiều việc cần thực hiện, trong đó có dự án Thành cổ Vinh. Nhưng do không đủ lực nên tạm thời chưa thực hiện được chứ không phải là chính quyền thành phố “lãng quên” dân đâu…”. Thực tế, lời ông nói không sai. Nhưng vẫn băn khoăn. Tại sao, khi dự án chưa thể thực hiện lại không thông tin, đối thoại với người dân, để dân hiểu và chia sẻ?

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN