Những bất cập trong chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện

13/10/2016 07:48

(Baonghean) - Thực hiện Quy định số 2322/QĐ.UB/2016 của UBND tỉnh, từ 01/7/2016, chế độ bảo trợ xã hội được chuyển từ UBND xã sang cho ngành Bưu điện chi trả. Sau 3 tháng triển khai, mặc dù có một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số bất cập khiến đối tượng được chi trả chưa hài lòng...

Nhiều bất cập...

Ngày 27/9, chúng tôi về Quỳnh Lưu đúng vào ngày chi trả kỳ bảo trợ xã hội tháng 9. Đây là địa phương có đối tượng được chi trả bảo trợ xã hội phản ứng về những bất cập, phiền phức khi chuyển sang cách chi trả mới.

Tại Quỳnh Lâm, xã có gần 500 đối tượng nhận bảo trợ xã hội hàng tháng và là một trong những địa phương có phản ứng mạnh nhất. Để nhận trợ cấp, vẫn như mọi khi các đối tượng nhận bảo trợ có mặt rất sớm tại Bưu điện Văn hóa xã để chồng sổ. Rút kinh nghiệm từ 2 kỳ chi trả trước, đợt này Bưu điện chia 2 buổi lần lượt trả vào buổi sáng và chiều nên đỡ áp lực hơn. Trong vòng gần 2 tiếng đầu giờ, Bưu điện thường xuyên có khoảng 20 - 30 người chờ lần lượt đọc tên, trình sổ, ký nhận và lấy tiền. Chỉ trong nửa buổi sáng, các nhân viên bưu điện đã chi trả cho gần 200 đối tượng. Ông Trần Văn Minh ở xóm 6, xã Quỳnh Lâm cho biết: So với tháng 7 thì tháng này có ổn hơn. Tuy nhiên, để thuận lợi, Bưu điện cần ấn định một ngày trong tháng để chi trả, người dân cứ thế mà đến vì thông báo trên loa có xóm nghe được, xóm không.

Người dân chờ nhận bảo trợ xã hội tại Bưu điện xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu).
Người dân chờ nhận bảo trợ xã hội tại Bưu điện xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu).

Tại xã Quỳnh Long, tình hình chi trả vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Bà Trần Thị Đoàn, thôn Cộng Hòa được ủy quyền đi lấy thay cho người nhà, phàn nàn: Là lao động chính của gia đình, số tiền trợ cấp không nhiều mà phải chờ mất cả buổi. Nơi chi trả quá chật chội, không đủ ghế ngồi, phải ra sân chờ... Theo bà Đoàn, cách chi trả mới không bằng cách cũ, rắc rối, phiền toái cho người dân nên cần được huyện, tỉnh tiếp thu để thay đổi cho phù hợp. Ngoài vị trí quá chật chội, thì thao tác chi trả của cán bộ Bưu điện quá chậm và cứng nhắc. Trong vòng gần 1 tiếng đồng hồ mà nhân viên bưu điện chỉ phát được cho hơn chục đối tượng. Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã tạm ổn về các thủ tục liên quan đến giấy tờ ủy quyền, thì đến thời điểm này các đối tượng đi nhận tại xã Quỳnh Long vẫn phải xuất trình bổ sung giấy ủy quyền.

Trên thực tế, bất cập trong chi trả bảo trợ xã hội qua Bưu điện không chỉ có ở Quỳnh Lưu mà còn ở các địa bàn Diễn Châu, Anh Sơn hay Nghĩa Đàn. Bà Hà Thị Hường ở xóm 22, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) cho hay: Đây là kỳ thứ 2 (kỳ tháng 7 và 8 gộp làm 1), bà đi nhận trợ cấp bảo trợ thay cho mẹ. Nghe Nhà nước có điều chỉnh tăng nhưng tháng này vẫn chỉ nhận mức 180.000 đồng/tháng. Xóm cách 5 km, đường đi khó phải dậy từ 6 giờ sáng, ra xã chờ đến 10h30’.

Tiếp xúc tại các xã, được biết: sau nhiều kiến nghị, phản ánh với xã, việc chi trả đã đỡ hơn, chẳng bù đợt chi trả đầu tiên vào tháng 7, quá vất vả và lộn xộn. Bên Bưu điện do mới tiếp quản và theo nguyên tắc trả tiền trực tiếp, ai không đi được phải có giấy ủy quyền. Khi chuyển sang hệ thống chi trả mới, ngành LĐ -TB&XH và Bưu điện chưa hướng dẫn cụ thể về mẫu giấy ủy quyền nhận thay nên phải chạy đi chạy lại rất mất công và phiền phức. Cao điểm nhất vào tháng 7, tại xã Quỳnh Long, Quỳnh Văn và Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu), các đối tượng phản ứng, cán bộ xã phải đứng ra hứa trả đủ, trả kịp thời...

Cán bộ bưu điện và bưu tá xã chi trả bảo trợ xã hội tại Nhà văn hóa xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu).
Cán bộ bưu điện và bưu tá xã chi trả bảo trợ xã hội tại Nhà văn hóa xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu).

Ông Hoàng Quốc Hoàn - Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 14 ngàn đối tượng bảo trợ, mỗi tháng chi trả khoảng 2,6 tỷ đồng. Đối tượng chi trả bảo trợ khá đặc biệt, phải kiểm tra cập nhật thường xuyên từ UBND xã, Phòng LĐ - TB&XH sang Bưu điện nên có một số khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, một số xã xử lý thủ tục hành chính còn cứng nhắc khiến các đối tượng bức xúc là có thật.

Đâu là giải pháp

Qua 3 tháng triển khai chi trả bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện, quá trình triển khai dịch vụ mới đã nảy sinh các bất cập, vướng mắc như trên khiến các đối tượng phản ứng, chưa đồng tình. Để nâng cao chất lượng chi trả trong thời gian tới, cần có các giải pháp sau:

Chi trả bảo trợ tại điểm Bưu điện Văn hóa xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu).
Chi trả bảo trợ tại điểm Bưu điện Văn hóa xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu).

Trước hết phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến giấy ủy quyền. Lâu nay nhận chế độ bảo trợ qua UBND xã thì đơn giản, nay qua Bưu điện phải xuất trình giấy ủy quyền mới nhưng mỗi phòng ban cấp huyện hiểu khác nhau về mẫu giấy ủy quyền và thời hạn ủy quyền, có huyện còn đề nghị làm mỗi tháng/1 giấy ủy quyền khiến các đối tượng thấy quá phiền phức.

Thứ hai là nâng cấp cơ sở vật chất, địa điểm chi trả. Theo quy định của UBND tỉnh, nơi chi trả bảo trợ có thể là Bưu điện Văn hóa, Nhà văn hóa xã hoặc Hội trường xóm. Tuy nhiên, việc chi trả tại điểm Bưu điện Văn hóa xã vẫn còn khá nhiều bất ổn. Nguyên nhân do điểm Bưu điện quá chật chội, ghế ngồi không đủ nên nếu phải chờ các đối tượng nhận chi trả rất dễ bức xúc. Bên cạnh đó, địa điểm chi trả tại một số địa phương thường thay đổi cũng khiến người dân không hài lòng.

Thứ ba là cố gắng sắp xếp ổn định lịch chi trả. Theo Quyết định 2322/QĐ của UBND tỉnh, chế độ bảo trợ xã hội được chi trả trước ngày 10 hàng tháng nhưng sau 3 tháng qua, có huyện nhận chế độ từ ngày 12 nhưng đa số các huyện phải đến ngày 15, khi thì 17, 19 thậm chí như Quỳnh Lưu đến cuối tháng mới chi trả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chi trả chậm ngoài lý do kinh phí chưa cân đối kịp còn do một số lý do khác mà theo chúng tôi chưa thực sự thuyết phục. Vì không chủ động được nguồn nên ngày chi trả của Bưu điện không chỉ muộn mà địa điểm chi trả khi thì UBND xã, khi thì tại điểm Bưu điện. Chứng kiến tình trạng trên, lãnh đạo nhiều xã cho biết, nếu Bưu điện có lịch chi trả trước, UBND xã có thể sắp xếp lịch để Bưu điện chi trả trợ cấp tại Nhà văn hóa xã.

Giải pháp cuối cùng quan trọng nhất, đồng thời cũng là mục tiêu mà dịch vụ này hướng tới là chi trả tận khối, xóm, thậm chí tại nhà cho các đối tượng. Theo khảo sát hiện nay có khoảng 20-25% trong số đối tượng bảo trợ là tàn tật, già yếu không đi lại được cần được Bưu điện tiến hành chi trả tại nhà. Vì lý do này nên 2 tháng đầu chi trả qua bưu điện, huyện Diễn Châu tồn hơn 30 triệu đồng do các đối tượng già cả không đến kịp phải lên Bưu điện huyện để nhận.

- Chi trả tại Bưu điện văn hóa, Bưu cục hoặc Nhà văn hóa xã và thôn, bản hoặc có thể được đưa đến tận nhà ở.

- Thời gian chi trả bảo trợ trước ngày 10 hàng tháng.

- Mức phí chi trả cho dịch vụ (Bưu điện tỉnh) là 800.000 đồng/xã/tháng.

- Quy trình chi trả: Người hưởng nhận trực tiếp, trường hợp không đi nhận thì phải có giấy ủy quyền hoặc xác nhận tư cách giám hộ để nhận thay.

- Khi đến nhận, người nhận phải trình sổ nhận trợ cấp, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy ủy quyền và xác nhận theo mẫu (nếu nhận thay).

(Trích Quyết định số 2322/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh)

Hà Phương

TIN LIÊN QUAN