Nghệ An: Mưa lụt làm 2 người chết, hàng nghìn hộ dân bị ngập

15/10/2016 19:55

(Baonghean.vn) - Đến 19h ngày 15/10, mưa lụt trên địa bàn Nghệ An đã làm 2 người chết, gây ngập lụt gần 2.900 hộ dân và nhiều hoa màu tài sản.

Hai người bị lũ cuốn trôi là cháu Phạm Ngọc Hoàng sinh năm 2003, lớp 8B trường THCS Nam Kim, trú tại xóm Tam Giác, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn trên đường đi học bị nước lũ cuốn trôi vào sáng ngày 15/10/2016 và anh Nguyễn Vĩnh Hà, sinh năm 1987, trú ởn xóm 16, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành bị nước cuốn trôi lúc 15 giờ ngày 15/10/2016.

» Tăng cường bơm tiêu úng, chống ngập lụt cho TP Vinh

» Clip trận lụt ''lịch sử'' tại thành Vinh

Khu vực ngập lụt trên địa bàn xã Khai Sơn dài khoảng 30 m gây khó khăn cho người qua lại.
Nhiều khu vực ngập lụt gây khó khăn cho người đi lại. Ảnh CTV

Mưa lụt làm cho 2.835 hộ ở TP Vinh bị ngập(ở các phường Bến Thủy, Cửa Nam, Đội Cung, Hồng Sơn, Hưng Bình, Lê Lợi, Quán Bàu, Trung Đô, Vinh Tân và xã Hưng Chính, Nghi Kim). Chính quyền và nhân dân đã giúp di dời 3 hộ dân ở xóm 5, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn do bị sạt lở đất.

Diện tích lúa bị ngập: 815 ha; Ngô và rau màu các loại bị ngập: 6.982 ha; diện tích nuôi cá, tôm bị ngập: 1.971 ha.

gần 2.900 hộ dân ở TP Vinh bị ngập, có những nơi ngập hơn 1 mét.
Gần 2.900 hộ dân ở TP Vinh bị ngập, có những nơi ngập hơn 1 mét. Ảnh NS

Về giao thông, thủy lợi: Sạt lở đoạn qua Rú Nguộc (Thanh Chương) trên Quốc lộ 46 : 250 m3; Kè Hưng Lĩnh tại vị trí K70+299 đến K70+799 thuộc hệ thống đê Tả Lam bị sạt lở; Sạt lở bờ sông đoạn xã Thanh Chi dài 150, thuộc hệ thống đê Hữu Thanh Chương; Kênh mương thủy lợi bị sạt lở: 2.500 m và nhiều hộ đập nhỏ bị ảnh hưởng.

Tầng 1 chung cư Vinh Tân - TP Vinh bị ngập sâu.
Tầng 1 chung cư Vinh Tân - TP Vinh bị ngập sâu. Ảnh PV

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Nghệ An đề nghị các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tăng cường công tác thông tin truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh;

Tổ chức triển khai phương án di dời dân tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và vùng trũng thấp đến nơi an toàn; Triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. Trích ngân sách để tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết...

Đồng thời các địa phương cần rà soát ngay các phương án phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống siêu bão Sarika đang đi vào biển Đông.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN