Nghệ An: Hàng nghìn ha cây trồng bị ngập nước
(Baonghean.vn) - Mưa to trong 2 ngày qua khiến hàng nghìn ha cây trồng trên địa bàn Nghệ An bị ngập trong nước.
* Tại Diễn Châu, theo thống kê sơ bộ của Phòng nông nghiệp huyện, diện tích cây vụ đông bị ngập là 2.200 ha trong tổng số 4.900 ha kế hoạch gieo trồng. Diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa đã bị ngập gần hết với khoảng 300 ha ngô và 80 ha rau màu các loại. Trong đó, những xã bị ngập nhiều nhất gồm: Diễn Lợi, Diễn Thịnh, Diễn An do vùng này thoát nước kém.
Nhiều diện tích cây ràu màu trên đất hai lúa ở Diễn Châu bị ngập chìm trong nước (Ảnh: Quang An) |
Nhiều diện tích trồng khoai lang vụ đông trên địa bàn Diễn Cát bị ngập nước (Ảnh: Quang An) |
Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã báo cáo số liệu về diện tích cây trồng bị ngập lên huyện, triển khai thu gom rác thải nông nghiệp đồng thời nạo vét kênh mương tiêu úng kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết để có các phương pháp đối phó đảm bảo an toàn cho người dân và cây trồng vật nuôi.
Những cánh đồng ngô đông trên đất 2 lúa ở xã mỹ thành, huyện yên thành ngập trong nước (Ảnh: Xuân Hoàng) |
* Còn tại huyện Yên Thành, đến đầu giờ chiều nay, lượng mưa đo được là 300 mm, diện tích cây trồng vụ đông các loại bị ngập nước tăng lên hơn 1.000 ha. Hiện nay, trời vấn tiếp tục mưa to, mực nước trên các sông đang dâng cao, các cánh đồng trên địa bàn càng bị ngập sâu trong nước.
Tại Thanh Chương, tính đến thời điểm này, mưa đã khiến 170 ha ao hồ, 406 ha ngô vụ đông và rau màu ngập nước. Ngoài ra, mưa lũ còn gây thiệt hại, hư hỏng 2 chiếc cầu và 100 m kênh mương thủy lợi.
Mưa to suốt từ sáng sớm đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã có gần 1.000 ha cây trồng ngập nước, trong đó có hơn 800 ha rau màu khu vực Bãi ngang, còn lại là ngô vụ đông trên đất 2 lúa.
Nhiều cánh đồng ở Quỳnh Lưu bị biến thành sông, nhấn chìm hàng nghìn ha cây vụ Đông (Ảnh: Như Thủy) |
*Huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi tích cực thăm đồng để kịp thời có phương án điều chỉnh dòng chảy, cống tiêu cho những vùng bị ngập; đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn tranh thủ thời tiết ráo mưa phát động nhân dân ra quân làm thủy lợi, tiêu úng.
Để giảm thiệt hại cho cây trồng, chiều ngày 15/10, khi mưa giảm, bà con nông dân các xã bị ngập nặng như Quỳnh Yên, Quỳnh Văn, Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn… đã khẩn trương mang dụng cụ ra đồng khơi thông dòng chảy, đắp bờ tiêu úng để cứu cây trồng.
* Tính đến trưa ngày 15/10, toàn huyện Hưng Nguyên có 115 ha lúa mùa muộn ở các xã Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam… bị đổ, ngập; Diện tích bí xanh trồng 65 ha ở các xã Hưng Tân, Hưng Long, Hưng Lĩnh,… bị thiệt hại trên 70%; Ngô vụ đông 150 ha cũng bị thiệt hại trên 70% diện tích ở các xã Hưng Yên, Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Chiến, Hưng Thắng,…; Rau màu ngập úng, thiệt hại 115,5 ha.
Tràn Phúc Điền tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) ngập sâu trong nước, chia cắt giao thông. |
Ngoài ra, 127 ha nuôi cá vụ 3 thiệt hại trên 70%; Cá chuyên canh thiệt hại khoảng 250 ha; Hơn 2.500 m kênh mương tưới tiêu bị sạt lở . Nhiều tuyến đường bị ngập và hư hỏng.
Huyện Hưng Nguyên chỉ đạo các địa phương tích cực khơi thông cống rãnh, sử dụng máy bơm tiêu úng ở xã Hưng Đạo, Hưng Châu bơm liên tục để tiêu thoát nước. Đồng thời phối hợp với cống ba ra Bến Thủy túc trực, điều tiết nước tiêu úng kịp thời, hạn chế tối đa mức thiệt hại về sản xuất của nhân dân. Các xã theo dõi sát tình hình mực nước ở các hồ đập để chủ động điều tiết nước kịp thời.
* Theo thống kê ban đầu của Phòng nông nghiệp Nghi Lộc, mưa lớn đã làm hơn 3.500 ha lúa mùa; 1.500 ha ngô; 437 ha lạc và 300 ha rau màu vụ Đông trên địa bàn huyện bị ngập chìm trong nước. Diện tích bị ngập nước tập trung chủ yếu ở các xã: Nghi Mỹ, Nghi Lâm, Nghi Yên, Nghi Hưng, Nghi Kiều…cho một số tuyến đường ở khu vực cầu Tân Giai, Nghi Lâm, xóm Mỹ Hòa, Nghi Mỹ, xóm Tam Đa, Nghi Hưng...bị chia cắt.
Một số tuyến đường ở Nghi Lộc bị ngập sâu. |
Trước tình hình đó, UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo các ngành chuyên môn bám sát cơ sở, phối hợp với các địa phương khơi thông dòng chảy trên các sông nhỏ, mương máng, đồng thời phân công lực lượng túc trực tại các điểm đường, tràn ngập nước để hướng dẫn người dân qua lại an toàn. Đối với hồ đập cần túc trực, bám chốt để theo dõi, điều chỉnh mực nước đảm bảo an toàn cho hồ đập.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, đến đầu giờ chiều ngày 15/10, toàn tỉnh đã có hơn 21 nghìn ha cây trồng bị ngập nước. Trong đó 13 nghìn ha ngô vụ Đông, diện tích còn lại là rau màu và các loại cây trồng khác.
Hiện nay, đang tiếp tục mưa to, do vậy, dự báo nguy cơ diện tích cây trồng các loại bị ngập sẽ còn tăng lên.
Xuân Hoàng - Quang An - Quỳnh Lan- Thu Hiền - Hồng Vinh