'Ăn nên làm ra' từ những điểm dừng chân trên đường Hồ Chí Minh
(Baonghean) - Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn Nghệ An dài 134 km, qua 29 xã của 4 huyện. Trên chặng đường này, có những điểm dừng chân quen thuộc được nhân dân hai bên đường xây dựng, phục vụ cho người qua lại trên tuyến. Những điểm dừng mở ra nhiều cơ hội cho cả khách hàng và hộ kinh doanh.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua huyện Nghĩa Đàn |
Khách đường dài tham gia giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua Nghệ An thường thông tin cho nhau về những điểm dừng chân đáp ứng được các yêu cầu về mặt bằng đỗ xe, dịch vụ ăn nghỉ, sửa chữa phương tiện ở ngã tư Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa), hay “Trạm dừng chân số 9” trên địa phận xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), Km số 0 ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ), ngã tư xã Khai Sơn (Anh Sơn) vào phía Nam là Thanh Thủy (Thanh Chương)…
Mỗi điểm dừng chân đều có ấn tượng riêng bởi không gian, ẩm thực và được khám phá nét văn hóa đặc trưng của từng vùng. Bởi vậy, gọi là điểm dừng nhưng nó lại mở ra nhiều giá trị cho cả khách hàng và các hộ kinh doanh trên tuyến.
Quán cà phê bên đường Hồ Chí Minh, tại ngã tư Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa). |
Chúng tôi ghé vào quán cà phê Lâm Đức, ngay cạnh ngã tư Đông Hiếu. Nơi đây không gian rộng rãi, với nhiều vật cảnh được tạo dựng bởi bàn tay nghệ thuật của con người ngay trước bãi đậu xe. Có lẽ chính vì sự hấp dẫn ấy mà quán cà phê này luôn đông khách.
Trong số khách hàng hôm đó, chúng tôi để ý thấy nhiều biển số xe ngoại tỉnh, họ đến từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam, có người đang trên đường đi “phượt” dọc tuyến đường Hồ Chí Minh… Chúng tôi thực sự bất ngờ với những gian hàng trưng bày đá quý, đá mỹ nghệ và những bức tranh được làm bằng đá quý, tạo góc tham quan, thưởng thức cho khách hàng trong những phút nghỉ chân.
Chị Vân - chủ quán cà phê cho hay: Trước đây, vùng đất có diện tích 1 ha này là đồi núi, không ai thèm ngó. Đầu năm 2014, sau khi được địa phương cho thuê đất lâu năm, chị cùng với một số người đầu tư hàng tỷ đồng múc đất, tạo mặt bằng, xây dựng quán cà phê, kết hợp nhà nghỉ. Với sự đam mê nghệ thuật và trưng bày trong không gian của địa điểm kinh doanh, quán cà phê của chị đang ngày càng tạo được dấu ấn cho khách hàng mỗi khi dừng chân.
Có một điểm dừng chân trên đường Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến với những món ăn ngon, sạch và được nghỉ ngơi trong không gian rộng rãi, yên tĩnh, sạch sẽ. Đó là “Trạm dừng chân số 9” tại km 659, đoạn qua xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn. Bên cạnh những khu nhà ăn, nhà nghỉ, còn có cả những vườn rau xanh các loại, ao cá, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm… phục vụ thực phẩm sạch tại chỗ cho khách hàng.
Cá được nuôi thả trong ao, phục vụ thực phẩm tươi, sạch cho khách mỗi khi dừng chân ở Trạm dừng chân số 9 (đoạn qua xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn). |
Đơn vị đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng cho “Trạm dừng chân số 9” là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Vĩnh Gia TTP. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, diện tích của “Trạm dừng chân số 9” này rộng tới 10 ha. Trên diện tích ấy, được bố trí khu nhà nghỉ 12 phòng, có cả dịch vụ xông hơi, nhà hàng ăn uống, cà phê…
Điểm nhấn của “Trạm dừng chân số 9” có 3 yếu tố kết hợp, đó là “sạch, đẹp và rộng”, nhà hàng có đội ngũ đầu bếp khá chuyên nghiệp, tạo được những món ăn hấp dẫn từ những sản phẩm thực phẩm được nuôi, trồng tại chỗ. Không chỉ dành cho khách đường dài sau một chặng đường mệt mỏi, mà “Trạm dừng chân số 9” còn là điểm đến cho những gia đình từ TP. Vinh và nhiều huyện vào dịp cuối tuần, đặc biệt, còn có nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài ghé qua đêm...
Còn tại thị trấn Lạt của huyện Tân Kỳ, khách dừng chân còn được biết đến với di tích lịch sử Km số 0 – trước đây là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn huyền thoại. Quần thể Cột mốc Km số 0 này được xây dựng lại vào năm 2008, đúng lúc con đường Hồ Chí Minh hoàn thành, bằng nguồn vốn của nhà nước, nay trở thành một công viên nhỏ. Bởi thế, lâu nay nơi đây là điểm dừng chân lý tưởng nhất cho những đoàn khách du lịch mang tính nghiên cứu, khám phá, hay của những đoàn tham quan của cựu chiến binh, học sinh, sinh viên.
Mỗi điểm dừng chân, giúp chúng tôi lấy lại sức, tiếp tục hành trình... Điều đó lý giải vì sao lưu lượng ô tô lưu thông trên tuyến ngày càng nhiều hơn”. Đó là chia sẻ của anh Tuấn, lái xe đường dài Bắc – Nam, thường xuyên lưu thông trên đường Hồ Chí Minh. Chắc hẳn, đó cũng là ghi nhận của hầu hết lái xe khi đi qua tuyến đường này…
Xuân Hoàng
TIN LIÊN QUAN