Bộ Khoa học và Công nghệ nói gì về 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc?

14/10/2016 11:50

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành của Trung Quốc cách biên giới Việt Nam - Trung Hoa, điểm gần nhất khoảng 50km. Ngoài ra còn có hai nhà máy Xương Giang và Trường Giang. Với khoảng cách 50km thì không có nghĩa lý gì nếu như có sự cố xảy ra.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho hay, khi có sự cố ở nhà máy Fukushima (Nhật Bản) năm 2011 thì lập tức ở Việt Nam chúng ta đo được phóng xạ. Thời điểm đó, các kỹ sư của hai trạm quan trắc của Bộ KH&CN đó là Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân đã theo dõi 24 tiếng trong tất cả các ngày trong tuần và có báo cáo với Thủ tướng.

“Mặc dù việc quan trắc này người dân không biết nhưng vô cùng quan trọng bởi lẽ nếu như số liệu của Việt Nam không ổn thì toàn bộ hàng xuất khẩu của chúng ta liên quan đến thực phẩm, hải sản, gạo, lúa, cà phê,…không vào được các thị trường. Chính cơ sở quan trắc của hai đơn vị nói trên là căn cứ khoa học để chứng minh rằng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (nông sản, thực phẩm) không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chúng ta vẫn xuất khẩu được” – Thứ trưởng Tạc thông tin.

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành của Trung Quốc chỉ cách chúng ta điểm gần nhất là khoảng 50km. (Ảnh minh họa)
Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành của Trung Quốc chỉ cách Việt Nam điểm gần nhất là khoảng 50km. (Ảnh minh họa)

Trước lo ngại, các nhà máy điện hạt nhân phía nam Trung Quốc có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra. Thứ nhất, Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987. Bất kỳ một sự cố hạt nhân nào thì mạng lưới thông báo sớm quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam. Thứ 2, Việt Nam cũng tham gia Công ước an toàn hạt nhân.

Theo Công ước này thì hàng năm các nước thành viên phải có báo cáo và mình có quyền chất vấn. Hiện nay Việt Nam cũng đã nhận được báo cáo về an toàn hạt nhân của Trung Quốc và cũng đã gửi cho các bộ liên quan nghiên cứu và đặt câu hỏi cho phía bạn. Trung Quốc phải giải trình những thắc mắc này tại hội nghị thường niên của các nước thành viên.

Cũng theo ông Tấn, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có trao đổi song phương với Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Sắp tới, sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.

Chưa hình thành được hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ

Nói về hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường hiện nay, TS Nguyễn Hào Quang – Viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ ) cho hay: Hiện Bộ KH&CN vẫn tiếp tục chỉ đạo xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư đang bị hạn chế nên chưa hình thành được. Viện cũng đã có kiến nghị chia giai đoạn để xây dựng mạng lưới quan trắc này. Theo đó, cần đầu tư để xây dựng các điểm quan trắc có tính chất cấp bách.

“Gần đây khi mà tình hình phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc rất là mạnh gần với các tỉnh biên giới phía Bắc thì chúng tôi cũng đã có kiến nghị mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ nên tập trung ở các tỉnh phía Bắc để có thể quan trắc được những ảnh hưởng khi mà có xảy ra các sự cố từ các nhà máy điện hạt nhân này. Hiện nay hai tổ máy ở nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành và Xương Giang đã đi vào hoạt động. Còn đối với nhà máy Trường Giang thì đã có 3 tổ máy đi vào hoạt động” – TS Quang cho biết.

Cũng theo TS Quang, mặc dù mạng lưới tổng thể theo quy hoạch chưa được thực hiện, tuy nhiên trong thời gian qua thì Viện Năng lượng Nguyên tử vẫn xây dựng các hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thường xuyên. Hiện có hai trạm nằm trong quan trắc môi trường của quốc gia đặt tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân. Hai trạm này vẫn thường xuyên quan trắc những thông tin cơ bản về phóng xạ môi trường.

Ngoài ra Viện cũng đã đầu tư các hệ thống thiết bị quan trắc phóng xạ online tại các địa phương như Móng Cái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Nội và Hải Phòng. Các thiết bị này một phần do Viện nghiên cứu và tự chế tạo trong chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước, một phần khác được các đối tác hỗ trợ hoặc đầu tư mua từ nước ngoài. Khi các thiết bị online hoạt động thì dữ liệu sẽ được chuyển về trạm quan trắc của Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân.

Theo Dân trí

TIN LIÊN QUAN