4 cuộc bầu cử lớn của thế giới năm 2017

09/10/2016 07:24

(Baonghean.vn) - Hàng triệu người dân trên thế giới đều đang hướng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2016. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua các cuộc bầu cử cũng có sức ảnh hưởng không kém sẽ diễn ra trên thế giới trong thời gian tới đây. Dưới đây là 4 cuộc bầu cử sẽ tác động lớn đến tình hình thế giới vào năm 2017.

1. Cuộc trưng cầu Hiến pháp Italia (diễn ra vào mùa Đông năm 2016)

Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang phải đối mặc với khủng hoảng do hệ thống chính trị quá cứng nhắc tại 1 đất nước đã trải qua 63 đời chính phủ trong suốt 71 năm qua.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi trong bài phát biểu vận động trưng cầu dân ý diễn ra tại Florence hôm 29/9. Ảnh: Getty Images.
Thủ tướng Italia Matteo Renzi trong bài phát biểu vận động trưng cầu dân ý diễn ra tại Florence hôm 29/9. Ảnh: Getty Images.

Vấn đề này ông đã gặp phải ngay từ thời điểm lên nắm quyền vào năm 2014, khiến ông Renzi buộc phải đưa ra giải pháp giảm quyền lực của Thượng viện, trao quyền cho Hạ viện và cuộc cải cách chính trị này sẽ được thông qua 1 cuộc trưng cầu dân ý.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý thất bại, ông Renzi sẽ tuyên bố từ chức và khi đó, châu Âu sẽ tiếp tục có khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tiếp theo, giống như những gì đang xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit diễn ra tại Anh hồi tháng 6/2016.

2. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (diễn ra vào mùa Xuân năm 2017)

Pháp đang đi đầu trong cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại châu Âu.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải đối đầu với ông Alain Juppé để giành chiếc vé ứng cử viên Tổng thống tranh cử năm sau. Ảnh: Telegraph.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải đối đầu với ông Alain Juppé để giành chiếc vé ứng cử viên Tổng thống tranh cử năm sau. Ảnh: Telegraph.

Các cuộc tấn công ở Paris và Nice đã gây ảnh hưởng đến nền chính trị Pháp, và bà Marine Le Pen, người đứng đầu Mặt trận dân tộc Pháp đang là người hưởng lợi nhiều nhất so với các đối thủ của mình là đương kim Tổng thống Francois Hollande, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và cựu Thủ tướng Alain Juppe.

Nếu bà Le Pen trúng cử vào vị trí tổng thống Pháp vào năm tới, bà tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Pháp có ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Với cuộc bỏ phiếu Brexit đã gây quá đủ rắc rối cho EU, thì cuộc trưng cầu Frexit sẽ làm suy yếu toàn bộ nền tảng của Liên minh châu Âu.

3. Cuộc bầu cử Liên bang Đức (diễn ra vào mùa Thu năm 2017)

EU sẽ không thể đứng vững nếu Đức rút ra khỏi Liên minh. Và bà Angela Markel vẫn là người tốt nhất có khả năng lãnh đạo hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào của Đức. Đồng thời bà Merkel đã thể hiện mình là 1 nhà chính trị khéo léo trong những năm qua.

Người tị nạn chụp ảnh cùng Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AFP
Người tị nạn chụp ảnh cùng Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, bà Merkel đang bị sa lầy vì cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu và sự sa lầy đó là cơ hội cho Đảng cánh Hữu của Đức (AfD). AfD đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử khu vực kể từ khi thành lập vào năm 2013 và đã giành được ghế tại 10 /16 nghị viện của các tiểu bang tại Đức, để trở thành một ứng cử viên trong cuộc bầu cử Liên bang sẽ diễn ra vào mùa Thu năm 2017.

Hiện, bà Merkel vẫn được kỳ vọng sẽ giành thắng lợi trong cuộc đua này, tuy nhiên có ý kiến cho rằng bà Markel sẽ thất bại trước Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, một người có thái độ tách biệt và sẽ không tìm cách thúc đẩy tình đoàn kết trong EU.

4. Đại hội Đảng tại Trung Quốc (diễn ra vào mùa Thu năm 2017)

Đại hội Đảng lần thứ 19 tại Trung Quốc sẽ là kỳ đại hội được cho rằng sẽ định hình hướng đi của Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo.

Quang cảnh phiên họp bế mạc Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: AFP
Quang cảnh phiên họp bế mạc Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: AFP

Khoảng một nửa trong số 18 thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ được thay thế sau kỳ đại hội này. Quan trọng hơn, 5 trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, những người đưa ra quyết sách cuối cùng của toàn bộ đất nước Trung Quốc, dự kiến sẽ được thay thế.

Chỉ có một vài thành viên của Ủy ban Thường vụ sẽ được giữ lại là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2022.

Những người kế nhiệm sẽ được chọn ra từ hàng ngũ của Ủy ban Thường vụ khóa 19, có nhiệm vụ đưa Trung Quốc tiếp tục phát triển trong bối cảnh cuộc cải cách kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Và những ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như chính trị tại Trung Quốc sẽ có tác động vô cùng to lớn đối với diễn biến của thế giới.

Thanh Hiền

(Theo Time)

TIN LIÊN QUAN