Phản biện dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo

11/10/2016 18:30

(Baonghean.vn) - Chiều 11/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Tham gia hội nghị có đại diện Công an tỉnh; Ban Tôn giáo tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An; các chức sắc, chức việc, người tu hành và một số thành viên Hội động phản biện của MTTQ tỉnh.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
MTTQ tỉnh và các tổ chức tôn giao ký kết chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường
MTTQ tỉnh và các tổ chức tôn giao ký kết chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường

Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Việc xây dựng Luật này nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013; thể hiện sự phát triển trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Tham gia phản biện vào dự thảo, ý kiến phát biểu của các đại diện tại hội nghị đã đồng tình cao với dự thảo với nhiều điều khoản rõ ràng, cởi mở hơn so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; phù hợp với tình hình hoạt động tôn giáo hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo, ở một số điều khoản quy định chưa đầy đủ, cần bổ sung đảm bảo chặt chẽ, toàn diện hơn.

Ông Võ Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đề nghị cần bổ sung quy định về tín ngưỡng dòng họ
Ông Võ Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đề nghị cần bổ sung quy định về tín ngưỡng dòng họ
Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Theo ông Hồ Bá Võ – Phó Chủ tịch Hội Luật gia, dự thảo chỉ mới nêu nguyên tắc hoạt động tín ngưỡng, cho nên cần bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động tôn giáo. Cùng bổ sung vào dự thảo, Đại đức Thích Minh Hải – Trụ trì Chùa An Thái, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, cho rằng: Điều 35, khoản 3, quy định, trong trường hợp chức sắc, chức việc, tu hành vi phạm một trong các quy định tại Điều 5 Luật này thì cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi có văn bản yêu cầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc dừng việc thuyên chuyển. Tuy nhiên, thực tế, nơi đi không phát hiện sai phạm nhưng nơi đến mới phát hiện vi phạm, cho nên cần bổ sung thêm cả nơi đến.

Ông Hồ Bá Võ
Ông Hồ Bá Võ tham gia ý kiến tại hội nghị

Ông Lưu Công Vinh – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh, cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đề cập cơ sở tôn giáo bao gồm là nơi thờ tự, tu hành của tổ chức tôn giáo, vì vậy cần bổ sung thêm cả tòa trị sự, cơ sở đào tạo. Cần bổ sung quy định về việc công nhận, thành lập mới cơ sở tín ngưỡng.

Liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, ông Võ Văn Tiến – Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh và Luật sư Nguyễn Trọng Điệp – Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, nêu ý kiến: Trong hoạt động tín ngưỡng thì dòng họ là lớn nhất, phổ biến nhất trong đời sống xã hội hiện nay. Song dự thảo không áp dụng đối với dòng họ, vì cần bổ sung quy định trách nhiệm về hoạt động tín ngưỡng dòng họ.

Linh mục Nguyễn Đăng Điền - Chủ tịch Ủy ban ban Đoàn kết công giáo tỉnh, cho rằng, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, chống lại biến đổi khí hậu
Linh mục Nguyễn Đăng Điền - Chủ tịch Ủy ban ban Đoàn kết công giáo tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã tham gia ý kiến bổ sung vào các điều khoản quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; các hành vi bị nghiêm cấm; đăng ký sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo; quản lý nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời góp ý một số từ ngữ, chính tả trong dự thảo, đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng hơn.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN