Nghệ An: Phấn đấu đạt 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa

10/10/2016 09:41

(Baonghean) - Hàng hóa của Nghệ An đã có mặt tại 66 quốc gia, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhiều đơn hàng lớn đến với các doanh nghiệp xuất khẩu là những tín hiệu vui của công tác xuất, nhập khẩu 9 tháng đầu năm nay. Và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng sẽ được tổ chức từ nay đến cuối năm, kỳ vọng đem lại những kết quả khả quan cho lĩnh vực này trong những năm tiếp theo.

Những tín hiệu vui

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, song kết quả công tác xuất, nhập khẩu của tỉnh có một số tín hiệu vui. Nổi bật là tổng kim ngạch 9 tháng dự ước đạt 560 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 366,6 triệu USD, tăng 14,02% so với cùng kỳ năm trước, đạt 73,32% kế hoạch năm 2016.

Trong số hơn 22 mặt hàng xuất khẩu chính, vị trí số 1 thuộc về dệt may. Theo con số cập nhật của Sở Công Thương, 9 tháng đầu năm, mặt hàng này ước đạt hơn 110 triệu USD, tăng gần 63% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Vũ Khánh Cường - Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Namsung VINA, với 2 sản phẩm chủ yếu là váy, áo nữ, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất đi Hàn Quốc với hơn 60%, tiếp đến là Mỹ 25%, số còn lại xuất đi các nước Trung Quốc, Thái Lan, Úc...

Năm nay, lượng hàng xuất khẩu của công ty tăng nhanh nhờ “hút” thêm nhiều đơn đặt hàng lớn từ Đức và Mỹ, nhất là các đơn hàng chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm, dịp Tết. Nếu như năm ngoái, công ty chỉ cần 1.600 công nhân, thì năm nay phải tuyển dụng thêm 200 công nhân mới làm kịp các đơn hàng cho khách.

Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Bình An
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Bình An

Trong khi hàng dệt may chiếm vị trí đầu bảng với thị trường chính là Hàn Quốc, thì mặt hàng dăm gỗ xếp vị trí thứ 2 với số kim ngạch đạt gần 80 triệu USD thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Đây cũng là thị trường chiếm vị ngôi đầu trong xuất khẩu chung của tỉnh với 38,73%. Các thị trường lớn kế tiếp là Hàn Quốc, Lào, Ấn Độ và Hồng Kông. Với việc mở rộng các thị trường mới như Qatar, Samoa, El Salvador, Kenya, Madagascar, Belarus... năm nay hàng hóa Nghệ An đã có mặt 65 quốc gia trên thế giới.

Giảm ở một số lĩnh vực

Trong khi mở thêm được một số thị trường mới thì kết quả 9 tháng qua cũng cho thấy kim ngạch cả xuất và nhập khẩu từ thị trường truyền thống là nước bạn Lào lại giảm mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 23,29 triệu USD, giảm 25,18% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đạt 21,76 triệu USD, giảm 58,04% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân lý giải cho việc sụt giảm này là do phía Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 52/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, nhằm thắt chặt hơn hoạt động thương mại biên giới.

Cùng với đó, phía Lào cũng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, đồng thời cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường nghiêm ngặt việc quản lý và kiểm tra, khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ. Ảnh hưởng nhiều nhất là quy định từ ngày 13/5/2015 chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ làm vật trang trí; đồng thời chỉ cho phép xuất sang Việt Nam gỗ đã thành phẩm hoặc gỗ đã được xẻ nhỏ.

Chế biến nguyên liệu gỗ dăm phục vụ xuất khẩu của Công ty Thanh Thành Đạt tại Thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu
Chế biến nguyên liệu gỗ dăm phục vụ xuất khẩu của Công ty Thanh Thành Đạt tại Thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Xuân Thanh - Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu - Sở Công Thương, khó khăn lớn nhất của lĩnh vực này trong 9 tháng qua đó là nguồn hàng cho xuất khẩu còn manh mún, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô sản xuất - kinh doanh nhỏ, yếu về năng lực tài chính; đa phần doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh xuất khẩu dài hạn, năng lực cạnh tranh thấp.

Cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, xuất hiện ngày càng nhiều rào cản mới tinh vi hơn (như chống phá giá, tiêu chuẩn xã hội, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm …), gây khó khăn và tổn thất không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung. Cộng với đó là thị trường không bền vững, điều kiện thanh toán bất lợi.

Đơn cử như mặt hàng bột đá siêu mịn, các công ty xuất khẩu của Nghệ An luôn trong tình trạng phụ thuộc vào các thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Nhật. Các doanh nghiệp luôn tiềm ẩn các rủi ro bởi chỉ được thanh toán ban đầu 30%, còn lại 70% chỉ khi bán hết hàng mới được trả. Đối với mặt hàng lạc vốn được xem là thế mạnh thì năm nay chủ yếu xuất theo tiểu ngạch qua thương lái mua ở cửa khẩu Trung Quốc, chứ không có đơn hàng xuất trực tiếp.

Tìm kiếm bạn hàng và thị trường mới

Trao đổi về giải pháp làm thế nào hoàn thành kế hoạch và đẩy mạnh xuất, nhập khẩu trong thời gian tới, bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo quy luật tăng tốc cuối năm thì tin tưởng sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch. Hiện nay, sở cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực chuẩn bị đủ nguồn hàng cho dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó sẽ tích cực tuyên truyền để các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước liên quan thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại, trong đó có hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 sau hơn một năm ký kết.

Theo đó, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan được miễn hoặc giảm thuế, đồng thời tiếp cận thị trường có hơn 183 triệu dân này. Trước cánh cửa này, các doanh nghiệp Nghệ An cần sẵn sàng tâm thế để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.

Sở Công Thương cùng tham gia với các sở, ngành liên quan đồng thời tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại tại Nhật, Đức, Pháp với nhiều hình thức phong phú như tham gia gian hàng của Việt Nam tại Nhật, gặp gỡ tham tán thương mại Đức, kết nối với doanh nghiệp người Việt tại Đức, Pháp và tham gia các hội chợ quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.

“Với những cách làm trên, Sở Công Thương với trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ phấn đấu cùng các doanh nghiệp đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2016 là 680 triệu USD, trong đó, xuất khẩu hàng hoá 500 triệu USD", bà Võ Thị An nhấn mạnh.

An Nhân

TIN LIÊN QUAN