Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

21/10/2016 18:27

(Baonghean.vn) - Chiều 21/10, trong phiên thảo luận tại tổ, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ 3, đại biểu Quốc hội 4 tỉnh gồm: Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An cơ bản tán thành với việc sửa đổi và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự.

Toàn cảnh thảo luận tại tổ 3
Toàn cảnh thảo luận tại tổ 3. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn phân vân khi thấy rằng, qua đóng góp ý kiến của nhân dân và ĐBQH thì ngoài sửa đổi 141 điều có sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015, dự thảo Luật lần này vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan... Trong khi đó, pháp luật về hình sự có vai trò rất quan trọng trong hệ thống pháp luật, tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đoàn Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến tâm huyết, trách nhiệm xung quanh sửa đổi bộ luật này trong phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh điều hành thảo luận tổ 3
Ông Nguyễn Đắc Vinh điều hành thảo luận tại tổ 3. Ảnh: Anh Tuấn

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (tỉnh Nghệ An) đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này và chưa thông qua tại kỳ họp lần này. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lý giải: Bộ luật Hình sự là đạo luật lớn, đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ XHCN, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật chống mọi hành vi phạm tội… Với nhiệm vụ và vai trò quan trọng như vậy, mọi sai sót trong Bộ luật Hình sự sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

Bộ luật Hình sự 2015 mới ra đời chưa áp dụng trong thực tiễn và cũng trong thời gian rất ngắn, các nhà khoa học pháp lý cũng như những người hoạt động thực tiễn đã phát hiện ra nhiều sai sót kể cả nội dung và kỹ thuật. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị, Quốc hội Khóa XIV chỉ đạo soát xét thật kỹ hơn nữa, bảo đảm chất lượng hơn nữa thì mới thông qua.

Các đại biểu thảo luận
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn

Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Đình Trạc cho rằng, hiện nay chưa có ý kiến nào yêu cầu phải ban hành nhanh Bộ luật Hình sự năm 2015, cho nên Quốc hội cần nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm trước khi ban hành để tránh sai sót ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội, Nhà nước.

Về vấn đề này, đại biểu Hồ Đức Phớc cũng cho rằng: Đây là một trong những bộ luật rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, nếu không làm một cách thận trọng, đúng đắn, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng chục luật khác. Khi Quốc hội ra Nghị quyết tạm hoãn thi hành bộ luật này thì đồng thời cũng hoãn lại 4 luật khác liên quan trực tiếp.

Vì vậy, sửa luật cũng cần tập trung đầu tư, làm kỹ lưỡng. Đây là cơ hội để lần nữa sửa căn cơ Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không chỉ dừng ở phạm vi “sửa đổi, bổ sung một số điều”. “Song hành với sự phát triển của xã hội, tác động từ bên ngoài, tội phạm diễn biến phức tạp, Luật cũng phải lường trước, đảm bảo tính ổn định trong một thời gian. Vì vậy, kiến nghị đầu tiên của tôi là chúng ta không đặt ra áp lực thời gian. Chúng ta khẩn trương làm, nếu có thể thì để kỳ họp sau thông qua, nhưng trên cơ sở phải sửa đổi căn bản Bộ luật” - Đại biểu Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

bna_580a010380193.jpg
Đa số các đại biểu tổ 4 tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Trần Văn Mão phân tích: Ban đầu chỉ phát hiện 91 điểm cần sửa đổi, tuy nhiên qua góp ý thì đến nay đã có 141 điểm, do đó, cần rà soát kỹ hơn nữa vì có thể còn nhiều điểm cần sửa chưa phát hiện ra. ‘’Chúng ta phải làm kỹ, vì nếu luật thông qua rồi, áp dụng vào cuộc sống rồi mà vẫn còn sai sót thì lúc đó hậu quả sẽ rất lớn” - Đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu ý kiến, những sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 được phát hiện khi Bộ luật chưa có hiệu lực chủ yếu là sai sót về kỹ thuật, thì phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần khắc phục những sai sót về kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý.

Hơn nữa, Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội Khóa XIII thông qua và chưa được thi hành trong cuộc sống nên việc đặt ra vấn đề sửa đổi triệt để, toàn diện là không hợp lý. Bởi vì các quy định cụ thể của bộ luật chưa được kiểm nghiệm, áp dụng trong thực tiễn thi hành pháp luật để phát hiện những vấn đề bất cập, không phù hợp, nhất là đối với những quy định mới như việc xử lý hình sự đối với pháp nhân.

Về bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện, đa số đại biểu đoàn Nghệ An nhất trí với việc bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82 của Chính phủ vào Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tán thành bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành vào Bộ luật Hình sự.

Về việc sửa đổi chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào Bộ luật hình sự năm 2015, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Hiền, Phan Đình Trạc đồng tình theo hướng bổ sung quy định mang tính dự báo ‘’loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành’’ vào điểm 15 của 15 khoản, thuộc 4 điều của Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về các tội: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (các điều từ 249 đến điều 252) như giải trình của Chính phủ.

Trước đó, trong chương trình làm việc buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Cũng trong chiều nay, QH tiếp tục làm việc tại tổ thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Nhiều ĐBQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết bổ sung đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Nghệ An) cho rằng, việc mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp vào thời điểm hiện nay là hợp lý. Vì quá trình hình thành thị trường chung ASEAN đang đặt sản phẩm nông nghiệp nước ta trước áp lực cạnh tranh lớn. Việc mở rộng đối tượng miễn thuế sẽ có tác dụng tích cực, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ở quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cũng như nhiều ĐBQH khác cũng lưu ý, các nông, lâm trường hiện đang giữ quỹ đất rất lớn (khoảng 3 triệu ha đất), song hầu như chưa sử dụng hiệu quả, cá biệt không ít nơi còn nợ tiền thuế sử dụng đất. Các đơn vị này cũng chây ì trong thực hiện chuyển giao đất cho Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Vậy liệu rằng, việc miễn, giảm thuế cho phần đất nông, lâm nghiệp giao cho những đơn vị này có khuyến khích họ chây ì hơn trong thực hiện việc trả lại đất cho Nhà nước hay không? Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh đặt cậu hỏi.

Một số ĐBQH cũng đề nghị chỉ nên thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ phần đất sản xuất nông nghiệp được hộ gia đình và cá nhân sử dụng. Với những đối tượng khác cần cân nhắc phạm vi áp dụng chính sách này, nhằm tránh việc lợi dụng chính sách, pháp luật để trục lợi.

Diệp Anh

TIN LIÊN QUAN