Khó khăn trong dạy học theo mô hình VNEN

17/10/2016 14:54

(Baonghean.vn) - Đó là phản ánh của giáo viên Trường THCS Nghi Lâm tại buổi khảo sát của đoàn công tác HĐND tỉnh tại các trường học trên địa bàn huyện Nghi Lộc diễn ra sáng 17/10.

Tham gia đoàn khảo sát có bà Nguyễn Thị Thành An - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn cùng đại diện UBND huyện Nghi Lộc và các ban, ngành, đơn vị liên quan.

Thực hiện chương trình công tác năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình hình thu, chi học phí, khoản thu khác trong các trường và tình hình thực hiện mô hình dạy học mới tại Trường THCS Nghi Lâm và Trường Mầm non Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc.

Đoàn giám sát làm việc với Trường Mầm non Nghi Mỹ.
Đoàn giám sát làm việc với Trường Mầm non Nghi Mỹ.

Tại Trường Mầm non Nghi Mỹ, sau khi nghe đại diện nhà trường báo cáo các nội dung giám sát, đoàn đã cho ý kiến về một số vấn đề liên quan. Theo đó, năm học 2015 - 2016 trường có 33 giáo viên, trong đó biên chế 17 người và hợp đồng trường 5 người. Năm học 2016 - 2017 trường có 25 cán bộ giáo viên; trong đó biên chế 18 người, hợp đồng trường 2 người; tổng số 295 học sinh. Năm học 2016 - 2017 lớp ít nhất có 23 trẻ và nhiều nhất có 43 cháu.

Năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017 mức thu học phí đối với mẫu giáo bán trú và nhà trẻ bán trú là 80.000 đồng/tháng. Năm học 2015 - 2016 thu học phí hơn 194 triệu đồng; khoản thu theo thỏa thuận trả chi cô nuôi 81 triệu đồng; nước uống 12 triệu đồng. Xã hội hóa giáo dục 135 triệu đồng. Trong các khoản chi có: chi học phí bù lương 90% và 10% cho các hoạt động còn lại.

Đại diện nhà trường đề xuất tăng học phí lên 100 nghìn đồng/tháng để giảm xã hội hóa và đề nghị chi học phí bù lương 40%, để lại 60% phục vụ các hoạt động của nhà trường.

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn công tác đã chất vấn nhiều nội dung liên quan đến việc thu chi của Trường Mầm non Nghi Mỹ. Đại diện lãnh đạo trường, phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Nghi Lộc cũng giải trình các vấn đề đoàn công tác quan tâm, trong đó có chi các khoản, định mức biên chế giáo viên và các định mức hợp đồng nhân viên phục vụ trong nhà trường.

Giờ chơi của các cháu Trường Mầm non Nghi Mỹ.
Giờ chơi của các cháu Trường Mầm non Nghi Mỹ.

Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thành An - Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh nhận xét một số tình hình về công tác tài chính thu chi và hồ sơ của Trường Mầm non Nghi Mỹ còn một số hạn chế, thiếu sót cần bổ sung, khắc phục; đề nghị Phòng Giáo dục và các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa trong hỗ trợ, tuyên truyền chính sách giáo dục đến với người dân, tạo điều kiện để nhà trường hoạt động hiệu quả, phục vụ lợi ích của học sinh.

Thực hiện khảo sát việc dạy và học theo mô hình dạy học mới VNEN tại Trường THCS Nghi Lâm, Đoàn công tác đã đến thăm giờ dạy tại một số lớp và lắng nghe những phản hồi của giáo viên đối với mô hình dạy học này.

Năm học 2016 - 2017 là năm thứ hai Trường THCS Nghi Lâm thực hiện dạy học theo mô hình VNEN; là trường THCS duy nhất của Nghi Lộc thực hiện mô hình dạy học VNEN từ năm học 2014 - 2015. Tổng số lớp thực hiện theo mô hình VNEN là 7 lớp ở 2 khối 6 và 7.

Thầy Phương
Thầy giáo Nguyễn Thế Thiệu - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Lâm báo cáo tình hình áp dụng mô hình dạy học mới VNEN với Đoàn công tác.

Về việc áp dụng mô hình dạy học mới VNEN, thầy giáo Nguyễn Thế Thiệu - Hiệu trưởng cho biết, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ dạy học theo mô hình VNEN còn hạn chế, chưa có nguồn đầu tư. Thiết bị dạy học hầu như đều do học sinh và giáo viên phải tự làm, thậm chí sách giáo khoa dạy học theo chương trình mới này rất khó mua.

Về đội ngũ giáo viên cũng gặp một số bất cập trong thực hiện chuyên đề, cụ thể hóa nội dung tích hợp trong sách giáo khoa. Về vấn đề đánh giá kết quả học tập của học sinh còn có những bất cập khi quy định phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng tham gia nhận xét, đánh giá học sinh rất khó thực hiện thực chất, hiệu quả, dẫn đến việc đánh giá xếp loại danh hiệu cho học sinh cuối kỳ gặp khó khăn, học sinh không được đánh giá theo định lượng như truyền thống đã tạo tâm lý chây lười, ỷ lại. Phụ huynh không xác định được năng lực học của con em nên một số người không ủng hộ.

Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Thế Thiệu cũng khẳng định rằng mô hình dạy học mới VNEN có những ưu việt đáng ghi nhận, đó là giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự giác trong học tập và các kỹ năng hoạt động tập thể. Năm học 2016 - 2017, đánh giá theo quy định, 2 khối lớp dạy học theo mô hình VNEN Trường THCS Nghi Lâm có 7 em HSG toàn diện (6,9%); có 94 em hoàn thành (chiếm 92,2%) và không đạt 0,2%.

Học sinh lớp 7A Trường THCS Nghi Phương trong giờ học Lịch sử.
Học sinh lớp 7A Trường THCS Nghi Phương trong giờ học Lịch sử.

Phát biểu tại buổi khảo sát, cô Đinh Thị Hoa và cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường THCS Nghi Lâm băn khoăn: thực hiện theo mô hình mới học sinh năng động hơn nhưng việc thực hành thảo luận rất khó khăn do lớp đông học sinh, sự chênh lệch trong việc thi cử đối với học sinh học theo mô hình mới so với hệ thống đề thi chung toàn tỉnh, các em học theo mô hình VNEN cần phải bồi dưỡng thêm kiến thức.

Vì vậy, các giáo viên Trường THCS Nghi Lâm mong muốn vẫn giữ nguyên phương pháp dạy truyền thống trên cơ sở áp dụng những sáng tạo, chủ động trong dạy học; bày tỏ mô hình VNEN chưa phù hợp để áp dụng ở địa phương.

Đoàn giám sát ghi nhận những phản hồi của các trường để tổng hợp, tham mưu nội dung thẩm tra kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVII./.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN