Lênh đênh đời vạn chài già ở bến đò Già

09/10/2016 10:03

(Baonghean.vn) - Sống ven sông Lam đã bao đời nay cuộc sống của gần 30 hộ dân vạn chài ở bến đò Già, làng Đà Lam (xã Đà Sơn, Đô Lương) phụ thuộc vào đánh bát cá trên sông Lam. Và nghiệp mưu sinh của họ vô cùng bấp bênh.

Thuyền của dân vạn chài ở bến đò Già.
Một góc xóm vạn chài ở bến đò Già.

Dọc bến đò Già vào mùa nước nổi khung cảnh trở nên vắng lặng, gần 30 chiếc thuyền của bà con vạn chài gác mái nằm im lìm. Ông Đặng Đình Trung, xóm 10 vừa neo buộc chiếc thuyền nhỏ vào bờ, trên tay xách mớ cá mới đánh được sau hơn 2 giờ lặn lội trên sông vừa cho hay, mọi người thường đánh vào ban đêm đến sáng sớm thì về bến bán cá. Mùa này cá hiếm lắm…”

Cách đó mấy con thuyền nhỏ, ông Trần Văn Thắng (78 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Ngọc (72tuổi) đang dùng bữa trưa đơn sơ ngay trên thuyền. Ông Thắng chẳng nhớ mình gắn bó với nghề chài lưới đã bao nhiêu năm, ngay từ lúc sinh ra đã sống cùng gia đình trên những chiếc thuyền, đến lúc lấy vợ sinh con chiếc thuyền vừa là nhà vừa là kế mưu sinh của cả gia đình.

Khi được Nhà nước cấp cho mảnh đất đủ làm căn nhà nhỏ, ông bà nhường lại đất cho con trai rồi quyết định ra ở hẳn ngoài thuyền, mỗi năm ông bà lên bờ dăm ba lần khi nhà có việc. “Cách đây khoảng 10 năm, mỗi ngày có thể đánh được cả triệu đồng thì nay rong ruổi cả ngày cũng chỉ được từ 100 – 200 ngàn đồng, có hôm được vài ba chục ngàn. Mình già rồi chẳng làm được như trước, có hôm làm không đủ tiền đong gạo thì lại nhờ cháu mang ra, hai ông bà cố bám trụ đến lúc không làm được nữa mới về nương nhờ con cháu”, ông Thắng chia sẻ.

Làng vạn chài Đà Lam chủ yếu chỉ còn người già yếu theo nghề
Làng vạn chài Đà Lam chủ yếu chỉ còn người già yếu theo nghề
Mất cả buổi sáng ông Đặng Đình Trung mới bắt được số cá ít ỏi này

Mớ cá ít ỏi mà ông Đặng Đình Trung đánh được suốt buổi sáng.

Mùa đánh cá của dân vạn chài Đà Lam bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, đó là thời điểm một số loài cá nước lợ ngược về nhiều nên việc đánh bắt thuận lợi, giá cá cao hơn. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, việc đánh bắt chững lại vì nguồn cá khan hiếm. Gần 2 giờ chiều, vợ chồng ông Chu Văn Tự đi vớt củi tận đập ba ra Đô Lương mới về tới nhà. Những ngày này nước sông lên cao không đi đánh cá được nên ông bà tranh thủ ra sông vớt củi, đây là công việc phụ thường xuyên của người dân vạn chài Đà Lam, củi khô trôi từ thượng nguồn về được người dân vớt gom lại thành đống nằm rải rác ven bờ sông. Theo ông Tự, nếu may mắn, vớt củi trong vòng 3 ngày ông bà bán được vài trăm ngàn.

'Ngôi nhà' đồng thời là phương tiện mưu sinh của vợ chồng ông Trần Văn Thắng

Cuộc sống của vợ chồng ông Trần Văn Thắng trên chiếc thuyền đánh cá.

Dân vạn chài bến đò Già có gần 30 hộ sống bằng nghề chài lưới, nghề truyền thống này đã lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng trong khó khăn chung, đa số người dân đều lên bờ tìm công việc khác, số còn lại chừng trên 10 người, họ chủ yếu đã lớn tuổi, già yếu không còn đủ sức để làm công việc nặng nhọc trên bờ nên phải bám trụ với nghề chài lưới. Dân vạn chài lên bờ làm phụ hồ, làm mộc và nhiều công việc khác kiếm sống còn con cháu của họ học xong cấp 2, cấp 3 thì vào Nam, ra Bắc đến các khu công nghiệp tìm việc làm.

Vớt củi đem bán là nghề phụ của ngư dân làng vạn chài.

Vớt củi đem bán là nghề phụ của ngư dân làng vạn chài.

Chủ tịch UBND xã Đà Sơn Hoàng Hữu Đông cho biết, tình trạng dùng kích điện đánh cá là có thật, chính quyền đã nhiều lần tổ chức bắt giữ nhưng hiện nay vẫn không chấm dứt. Đa phần người dân vạn chài đều đã lên bờ tìm công việc khác để sinh sống. Làng chài Đà Lam giờ đây chỉ còn những người già cả, ốm yếu những bất trắc bởi nghề sông nước cũng vì thế tăng cao.

Lan Thái

TIN LIÊN QUAN