Miệt mài giữ lấy nghề xưa
(Baonghean) - Xóm Thái Hòa (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc) có nghề đan lát truyền thống lâu đời và nổi tiếng bởi những sản phẩm vừa đẹp và bền. Trải qua biết bao thăng trầm, nét nghề ấy vẫn được người trong làng gìn giữ như sự bảo tồn những giá trị còn lại của cha ông.
Tìm về xóm Thái Hòa vào một buổi chiều cuối tháng 10, theo sự chỉ dẫn của những người trong làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Doãn Hữu Bình, người có gần 60 năm gắn bó với nghề đan lát. Giữa khoảnh sân nhỏ, ông cùng vợ đang bận rộn với công việc. Người chẻ tre, người đan lát, thấy khách đến, ông ngưng tay đón tiếp.
Người dân xóm Thái Hòa với nghề đan lát truyền thống. |
Theo ông Bình, làng nghề đan lát ở Thái Hòa có từ bao giờ chẳng ai rõ nữa, chỉ biết nó đã được truyền qua nhiều thế hệ. Ông Bình bắt đầu theo nghề đan lát từ năm lên 7 tuổi, trong trí nhớ của ông, khoảng 20 năm trước, khi những vật dụng, đồ dùng bằng nhựa, nhôm, inox chưa nhiều, nghề đan lát ở xóm Thái Hòa rất phát triển. Người người, nhà nhà đều theo nghề này. Cứ mỗi trưa, mọi người lại tập trung ra đầu làng vừa đan vừa trò chuyện vui vẻ, thỉnh thoảng lại tổ chức những cuộc thi đan, thi hát đối khi đan…
Những sản phẩm đan lát của làng Thái Hòa vừa đa dạng mẫu mã, vừa nổi tiếng bền, đẹp. Sản phẩm chủ yếu là rổ rá, dần, sàng, nong nia, cót, bồ… phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Cứ đến ngày mùa, sản phẩm làm không đủ để bán. Khách từ khắp nơi đến đặt các loại sản phẩm như: gàu sòng, gàu giai để tát nước, bồ, cót để đựng lúa, dần, sàng… Sự kết hợp giữa việc sản xuất nông nghiệp với nghề đan lát thủ công, trao đổi hàng hóa đã góp phần tạo nên sự ổn định, yên ấm trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm đan lát chủ yếu là nứa, lùng, tre và mây. Ở Thái Hòa, tre, nứa không nhiều nên thường được nhập từ huyện miền núi Quỳ Châu về. Sau đó đem phơi khô và chẻ thành các thanh nhỏ, vót đều rồi mới tiến hành đan.
Tùy vào từng sản phẩm mà kỹ thuật đan cũng hoàn toàn khác nhau. Đối với những sản phẩm thô không đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ cao, mỗi ngày một gia đình hai người có thể đan từ 17 - 20 sản phẩm. Giá của một sản phẩm chỉ từ 17.000 - 20.000 đồng. Còn đối với những sản phẩm đòi hỏi độ bền và tính thẩm mỹ cao cần phải có sự kỳ công và bí quyết riêng. Khi đã ra thành phẩm, sản phẩm đan lát được cho vào lò để xông khói đến khi ngả màu vàng đều. Nguyên liệu chính để xông là rơm rạ ẩm mục.
Ông Bình cho biết thêm, đây là bí quyết của người dân Thái Hòa để giúp cho các sản phẩm như rổ, rá có màu đẹp và bền, các nơi khác phải dùng dầu bóng để quét lên. Đối với sản phẩm đòi hỏi tính mỹ nghệ, mỗi ngày một gia đình chỉ có thể làm từ 2 - 3 sản phẩm tùy vào mức độ lành nghề khéo léo của từng người. Giá của mỗi sản phẩm này dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/chiếc.
Sản phẩm đan lát xóm Thái Hòa (xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc) được bày bán ở khắp các chợ trong và ngoài tỉnh |
Các sản phẩm đan lát của làng Thái Hòa thường được các thương lái từ khắp nơi tới thu mua, có mặt ở các khu chợ khắp địa bàn trong và ngoài tỉnh như chợ Vinh, chợ Ga, chợ Sơn, chợ Đô Lương… Tuy chỉ là nghề phụ tranh thủ những lúc nhàn nông, nhưng nghề cũng đưa lại thu nhập đều đặn cho các hộ gia đình ở Thái Hòa mỗi tháng bình quân từ 3 - 4 triệu đồng.
Giờ đây, các sản phẩm đan lát thủ công bằng tre nứa không còn được ưa chuộng như trước nữa, thay vào đó là các sản phẩm tiện lợi được làm bằng nhựa, tôn, inox… Nghề đan lát Thái Hòa đang đứng trước nguy cơ mai một với gần 10 hộ làm, chủ yếu là các ông bà tuổi ngoài 60. Thế nhưng, bằng tâm huyết, đam mê với nghề, hàng ngày người dân nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài với công việc đan lát để “thổi hồn” cho từng sản phẩm và “giữ lửa” cho nghề truyền thống của cha ông.
Vương Vân