Tăng cường quản lý nguồn vốn ODA

25/10/2016 22:53

(Baonghean.vn) - Nợ công là chủ đề được công luận quan tâm, và do nhiều Bộ ngành quản lý vốn vay ODA. Để quản lý nguồn vốn này hiệu quả, cần có cơ chế quản lý tài chính phù hợp.

Chiều 25/10, tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng Quản lý Nợ (Bộ Tài chính) cho biết, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước chi khoảng 1 tỷ USD trả nợ nước ngoài (gồm cả gốc và lãi). Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nghĩa vụ ngân sách phải trả vốn vay trong nước. Trong khi huy động vốn vay chỉ được hơn 350 nghìn tỷ đồng, đạt 77,5% kế hoạch năm thì 9 tháng đầu năm, ngân sách phải chi ra hơn 176,8 nghìn tỷ đồng trả nợ, trong đó trả nợ vay trong nước hơn 140 nghìn tỷ đồng, và trả nợ vay nước ngoài hơn 36,6 nghìn tỷ đồng.

Nhà máy nước ở Nam Giang (Nam Đàn - Nghệ An) sử dụng nguồn vốn ODA Phần Lan. Ảnh: Hoàng Vĩnh
Nhà máy nước ở Nam Giang (Nam Đàn - Nghệ An) sử dụng nguồn vốn ODA Phần Lan.  Ảnh tư liệu: Hoàng Vĩnh

Tuy đều nằm trong hạn mức Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch từ đầu năm và được Chính phủ phê duyệt, nhưng cũng là điều cần suy nghĩ bởi có thể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ được Ngân hàng Thế giới đưa ra khỏi diện được vay ưu đãi phát triển vì trở thành nước thu nhập trung bình, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn…Do đó, phải tính toán và cơ cấu lại nợ, đồng thời phải làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và cân đối với khả năng trả nợ - ông Hoàng Hải nói.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính trả lời các chất vấn của báo giới về việc chậm giải ngân có phát sinh chi phí tăng, đồng thời việc Thông tư mới không cho phép giải ngân vượt dự toán, sẽ có thêm có nhiều dự án bị hoãn thi công, nhà đầu tư bị phạt; việc quản lý nợ công ODA, vay đảo nợ thế nào, thời gian tới việc trả nợ dùng nguồn nào để trả nợ?

Hiện khối nợ DNNN là 1,5 triệu tỷ đồng, theo hướng tự vay tự trả, nhưng nếu DNNN không trả được thì NSNN có đứng ra trả hay không.. Trả lời các câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, để sử dụng vốn ODA hiệu quả, cần tăng dần việc chuyển từ cấp phát sang cho vay lại thông qua các tổ chức tín dụng. Hiện Bộ Tài chính đang trình phê duyệt cho ban hành quy định về cho vay lại tại địa phương. Căn cứ vào năng lực kinh tế tài chính của địa phương theo quy định để xác định tỉ lệ cho vay lại phù hợp. Theo đó, các địa phương chịu phần lớn chi phí trả nợ, và là chủ thể chính cân nhắc tính toán xác định dự án có khả năng trả nợ không?

Về việc đánh giá hiệu qảu sử dụng vốn ODA, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Bộ Kế hoạch và đầu tư, còn Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thắt chặt quản lý bảo lãnh, đưa ra các yêu cầu về nghĩa vụ vay và trả nợ; đồng thời chịu trách nhiệm về cho vay lại, và hiện nay đã trình Thủ tướng quyết định cho vay lại qua tổ chức tín dụng. Mặt khác, Bộ Tài chính đang trình sửa đổi luật Quản lý nợ công.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN