Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Không có kỷ luật rất khó tự giác

23/10/2016 12:17

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, muốn siết chặt kỷ cương hệ thống chính trị, cần phải tự giác, muốn có tự giác phải bắt đầu từ kỷ luật

Chưa đầy 1 tháng sau khi tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thành lập, số nhiệm vụ đã hoàn thành tăng 45% so với tháng trước, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; số nhiệm vụ chưa thực hiện quá hạn chỉ chiếm 4,2%. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động rà soát, đôn đốc và tự tiến hành kiểm tra nội bộ cơ quan mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng. Đó là thông tin được đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Với những hiệu quả như vậy, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương có thể thành lập các tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành xử lý những trường hợp không thực hiện, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, thực hiện nói đi đôi với làm.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (Ảnh: VTC News)
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng (Ảnh: VTC News)


Thêm công cụ khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”Làm thế nào để hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ có sức lan tỏa tới tất cả các bộ, ngành, địa phương? Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Thưa ông, việc tham gia kiểm tra, giám sát của các tổ công tác của Chính phủ bước đầu cho thấy có kết quả khả quan. Như vậy, để bộ máy vận hành theo đúng quy trình, chúng ta cần có thêm một bộ phận làm nhiệm vụ đôn đốc?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Đúng là sự tham gia của các tổ công tác có vẻ đã cho kết quả tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên cân nhắc bởi quyết định của Thủ tướng phản ánh thực tế hiện tại công việc có vẻ bê trễ ở các cấp, ngành; đồng thời ở thời điểm này, Thủ tướng muốn thúc đẩy kỷ cương vì vậy mới thành lập các tổ công tác của Chính phủ, nhưng đây không phải là một thiết chế, hình thành và cố định, chỉ phản ánh nhu cầu ở một thời điểm.

Nếu là một văn phòng, thì đó là một thiết chế và được quy định trong luật, vận hành liên tục. Còn với tổ công tác, sau thời gian xử lý vấn đề, sẽ được giải tán, tổ công tác này không được quy định trong luật.

PV: Theo ông, có cần duy trì lâu dài các tổ công tác của Chính phủ hay chỉ trong giai đoạn nhất định hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Có những thời điểm chúng ta cần có phản ứng để xử lý các vấn đề của đất nước, việc thành lập các tổ công tác của Chính phủ về bản chất là nhằm mục đích như vậy. Để các tổ công tác này tồn tại lâu dài, nó phải được thiết kế trong cấu thành của hệ thống tổ chức Nhà nước, như vậy phải thể chế hóa tổ công tác này.

Quy trình quản trị quốc gia bao giờ cũng phải có kiểm tra và đánh giá. Chúng ta vẫn đang có những thiết chế để kiểm tra, đánh giá, do những thiết chế này chưa phát huy hiệu quả nên mới thành lập các tổ công tác.

Để vận hành, tôi hoàn toàn ủng hộ thành lập các tổ công tác nhưng chỉ là để phản ứng trước các nhu cầu bức thiết của Nhà nước trước yêu cầu của Thủ tướng là xác lập kỷ cương.

Về lâu dài, tôi cho rằng vẫn phải vận hành các thiết chế đã có để đảm bảo quy trình quản trị quốc gia có chất lượng. Một bộ phận làm thay có thể rất tốt nhưng cũng có thể sẽ vô hiệu hóa các thiết chế đã có.

PV: Từ những kết quả ban đầu của tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành địa phương có thể thành lập các tổ công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành. Ông nhận định như thế nào về việc này?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Hiệu quả hoạt động bước đầu của các tổ công tác có thể có những kinh nghiệm cần được chia sẻ. Tôi nghĩ rằng chỉ đạo của Thủ tướng khá linh hoạt khi nói rằng có thể thành lập. Ở những địa phương thiết chế kiểm tra và giám sát tốt thì không nhất thiết phải thành lập. Những nơi đang có vấn đề, sau khi Chủ tịch kết luận mà việc vẫn cứ “treo” thì chắc phải có bộ phận giống như tổ công tác để phản ứng nhanh việc xem xét. Về lâu dài, tôi vẫn cho rằng phải vận hành các thiết chế được thành lập để kiểm tra và giám sát.

PV: Liệu có cần cơ chế giám sát độc lập hoạt động của tổ công tác này không? Cần lựa chọn nhân sự cũng như thiết lập cơ chế như thế nào để tổ công tác hoạt động hiệu quả thực sự và khách quan ?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Nếu như vậy bộ máy sẽ phình ra vô tận. Nếu muốn có thể theo mô hình thế giới, thiết chế nhà nước kiểm tra giám sát lẫn nhau: HĐND giám sát bên UBND.

Về nhân sự, Chánh văn phòng phải là trưởng nhóm kiểm tra bởi vị này nắm được cụ thể Thủ tướng, Thủ trưởng chỉ đạo gì và phải ghi nhận bằng biên bản, không để lời nói gió bay; căn cứ vào biên bản đó để tiến hành kiểm tra giám sát. Quyền lực không bắt nguồn từ tổ này, mà từ Thủ tướng, tổ này chỉ kiểm tra để báo cáo Thủ tướng.

Đạo đức công vụ: Không kỷ luật khó rèn tính tự giác

PV: Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, nhưng ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, thực thi không đến nơi đến chốn. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Thủ tướng đã nhìn ra nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có một nguyên nhân là kỷ cương trong hệ thống.

Cũng có thể có nguyên nhân khác nữa, đó là việc phân công nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền chưa được rõ ràng, giống như mô hình búp bê Nga, con to chùm con nhỏ, con nhỏ chùm con nhỏ nữa và đều giống nhau. Như vậy không rõ về trách nhiệm. Theo tôi, có thể có lỗi ở mô hình phân chia kiểu này.

PV: Từ yêu cầu thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành làm thế nào để trách nhiệm công vụ được thực thi một cách tự giác, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: Có rất nhiều việc phải làm, một trong những việc đó Thủ tướng đang làm đó là phải kiểm tra. Trước hết phải tự giác, tự giác bắt đầu từ kỷ luật, không có kỷ luật rất khó tự giác. Thứ hai phải rèn luyện, giáo dục đạo đức công vụ, đã làm ở cơ quan hành chính công phẩm chất đạo đức đầu tiên cần phải có là phải tuân thủ. Trong bộ máy, người làm chính sách phải tận tụy với người dân, còn bộ phận hành chính công vụ là phải tuân thủ quyết định của các chính khách. Thứ ba là trình độ chuyên môn của cán bộ công chức phải được nâng lên, có những người chỉ biết nói, nhưng làm không thạo.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN