Chiến binh đối diện 'tử thần' giữa thời bình

26/10/2016 16:45

Phải khai báo nhóm máu, sẵn sàng đón nhận thương vong qua mỗi bước đi, những người làm công tác rà phá bom mìn thường bắt đầu ngày làm việc như vậy.

Sáng sớm một ngày tháng 10, nhiều nam nữ trẻ tuổi tập trung tại khu phố 2, thị xã Cam Lộ, Quảng Trị để chuẩn bị cho đợt rà phá bom bi trên ruộng lúa địa phương.

Tất cả đều mặc đồng phục và tất bật chuẩn bị vật dụng trước khi làm nhiệm vụ. Họ lần lượt mang lên mình những đôi ủng, bay, dây thừng, cọc đánh dấu bằng màu riêng biệt cho tới máy dò kim loại. Đội rà phá bom mìn của tổ chức tư vấn bom mìn MAG đang tập trung nghe chỉ đạo từ cấp trên.

Những người tham gia phải khai báo nhóm máu và lắng nghe quy định về an toàn bom mìn cũng như cách xử lý trong trường hợp có sự cố. Ở nơi được xem như chiến trường, chỉ một sai lầm nhỏ cũng dẫn đến mất mạng.

Đoàn người lặng lẽ bước vào vùng bị đánh dấu ô nhiễm. Tiết trời âm u. Khu vực rà phá hôm nay là vài thửa ruộng ở thị trấn Cam Lộ. Trước đó, đội rà phá đã tìm thấy một quả đạn cối và hai trái bom bi. Ai cũng nhủ rằng, chắc chắn, sẽ có thêm những trái khác.

Nhân viên đội phá bom mìn số 9 của MAG chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một khu vực rộng chừng 50 m2 đã được chăng dây và đánh dấu bằng những cọc màu được cắm bởi NPA (Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy) từ trước đó.

Từng tổ hai người chậm rãi đưa máy dò kim loại trên những mảnh ruộng lầy lội còn trơ gốc rạ, nơi vụ lúa hè thu vừa kết thúc.

Thi thoảng, máy lại rít lên những tiếng bíp, trầm bổng theo nhịp. Dễ dàng nhận thấy nếu tiếng kêu đủ to nghĩa là vật thể bằng kim loại nằm đâu đó ở độ sâu khoảng 30cm dưới máy dò. “Đó có thể là bom, cũng có thể chỉ là một mẩu sắt vụn”, một nhân viên giải thích.

chien-binh-doi-dien-tu-than-giua-thoi-binh

Nhân viên lướt máy dò kim loại trên những mảnh ruộng lầy lội tại khu phố 2, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Xavier Bourgois.

Sau một hồi tìm kiếm, đội rà đã thấy thứ mà họ muốn: những quả bom bi. Một trong số chúng trông còn khá nguyên vẹn, với lớp vỏ lấp loáng dưới ánh mặt trời, dù một phần bị phủ kín bởi bùn đất, không giống những trái khác, thường được tìm thấy trong tình trạng bị rỉ sét hoặc vỡ một phần, để lộ ra hàng chục viên bi sắt nhỏ.

Những quả bom bi chỉ cỡ một nắm tay này là thủ phạm chính giết chết hàng nghìn người từ 1975 đến nay. Chúng là một phần của bom chùm - loại chất nổ phóng ra hàng trăm bom bi nhỏ hơn, thường nằm rải rác trên diện rộng rất lâu sau khi các cuộc xung đột đã kết thúc và rất khó dọn sạch.

Bom bi nguy hiểm vì khi rơi xuống thường nằm trên mặt đất hoặc ở độ sâu không lớn, khiến con người đặc biệt dễ tiếp xúc với chúng. Hơn 100 quốc gia đã ký kết hiệp ước cấm sử dụng loại vũ khí này.

“Dấu vết của một đợt rải bom chùm rất khác so với những loại bom nổ khác,” Resad Junuzagic, giám đốc quốc gia của NPA Việt Nam giải thích. “Nếu tìm thấy một hay hai quả bom bi, ta sẽ tìm thấy những quả khác ngay gần khu vực đó”. Junuzagic nói việc không lực Hoa Kỳ cung cấp nhiều sơ đồ ghi nhận kế hoạch rải bom của họ thời chiến giúp ích rất nhiều cho quá trình rà phá, dù độ chính xác không phải tuyệt đối.

Những quả bom bi mà đội số 9 MAG tìm thấy được nhận định là không thể di chuyển, và chúng sẽ được hủy nổ tại chỗ. Một chuyên gia phá bom tiến hành cài thuốc nổ và chỉ được làm một mình để giảm thiểu thương vong nếu điều không may xảy ra. Sau cùng, mọi người lùi về cự ly an toàn và năm nhân viên cầm loa phát thanh tỏa ra mỗi hướng, cảnh báo người dân địa phương về vụ nổ sắp diễn ra.

“4..3..2..1... Nổ!”, người đội trưởng hô, trước khi tiếng "bùm" vang lên, dội khắp cánh đồng.

-1

Một trái bom bi được hủy nổ tại chỗ. Ảnh: Xavier Bourgois

Xem thêm ảnh: Những người đối đầu hiểm họa bom mìn

Nỗ lực dài hạn

Hơn 20 năm qua, Quảng Trị nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hợp tác của bạn bè quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ 1995, Chính phủ cho phép Quảng Trị tiếp nhận nhiều tổ chức phi chính phủ tham gia rà phá bom mìn, làm sạch đất đai. Các tổ chức như MAG (Anh), SODI (Đức), Cây Hòa bình (Mỹ), Dự án Renew... đã đóng góp nhiều kết quả nổi bật trong việc làm sạch bom, mìn tại mảnh đất này.

Các chuyên gia về bom mìn đều nhận định sẽ rất khó loại bỏ toàn bộ vật liệu nổ và bom mìn sót lại sau chiến tranh Việt Nam. Song tất cả đều thống nhất để việc rà phá hiệu quả cần sự phối hợp của các bên, từ tổ chức quốc tế, chính quyền cho tới người dân địa phương.

Dự án Renew ra đời năm 2001 được tài trợ bởi NPA và Bộ Ngoại giao Mỹ, đã kết nối các tổ chức quốc tế. Năm 2014, ý tưởng về việc tạo ra một hệ thống lưu giữ thông tin đồng nhất về công tác phá bom tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm và từ 2015 đến nay, nó đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt khi các tổ chức phi chính phủ được chuyên môn hóa và giảm sự chồng chéo.

Các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn được triển khai đa dạng đã góp phần giúp các nạn nhân, gia đình nạn nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng giảm bớt tổn thương về vật chất, tinh thần, nâng cao điều kiện sống.

Cuối năm 2013, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị được đưa vào khu vực hoạt động của Renew, thụ hưởng những chương trình giáo dục góp phần nâng cao nhận thức về bom mìn với nhân dân địa phương, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường. Toàn tỉnh có hơn 360.000 học sinh và người dân đã được tiếp cận với chương trình “Giáo dục phòng tránh bom mìn”.

-2

Những vỏ đạn rỉ sét từ chiến tranh được đem về trưng bày tại Trung tâm trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Xavier Bourgois.

Người dân giờ đây đóng vai trò rất quan trọng trong công tác rà phá. Các đội phản ứng nhanh của MAG nhận được hàng chục thông báo mỗi ngày về bom đạn mà cư dân tìm được tại nơi sinh sống. Nhưng điều đó cũng cho thấy một thực tế rằng ở những thôn xã, người ta vẫn hàng ngày sống chung với bom mìn, với nỗi ám ảnh thời chiến dường như còn vẹn nguyên sau từng ấy năm.

Trước đây, nhiều chuyên gia ước tính sẽ mất tới 300 năm để loại bỏ tất cả bom đạn nằm lại Việt Nam từ những cuộc chiến hàng thập kỷ trước. Dõi theo những nỗ lực của MAG, NPA và nhiều tổ chức phi chính phủ khác trong công tác rà phá vật liệu nổ mới thấy lượng công việc phải làm còn rất nhiều trước mắt.

Trong khi đó, Giám đốc NPA tại Việt Nam tỏ ra lạc quan khi nói về kế hoạch loại bỏ bom mìn hoàn toàn khỏi Quảng Trị: “Chúng tôi rất tự tin với phương thức tiếp cận và tiến độ rà phá bom bi hiện thời, hy vọng có thể hoàn thành công việc này vào năm 2020”.

"Có sự khác biệt rất lớn khi ta có thể hoàn thành một công việc mất hàng trăm năm xuống chỉ trong năm năm, hay thậm chí là sáu hay bảy năm", Junuzagic nói. Lâu nay người ta luôn cho rằng việc loại bỏ hết bom đạn khỏi Việt Nam là viển vông và bất khả thi. Nhưng, có lẽ vẫn còn hy vọng.

Các tổ chức phi chính phủ như NPA, MAG và nhiều tổ chức khác đã phá hủy hơn 370.000 vật liệu nổ khắp Quảng Trị kể từ năm 1998. Không ai rõ còn bao nhiêu bom mìn nằm lại mảnh đất khói lửa này. Với Junuzagic, dường như đã đến lúc ông hoàn thành công việc tưởng như không có hồi kết này.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN