Đồng hành với 'nẻo về' của thanh niên lầm lỡ

21/10/2016 09:02

(Baonghean.vn)- Để giúp đỡ thanh niên chậm tiến sớm hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa nguy cơ tái phạm, thời gian quacác cấp bộ Đoàn ở Nghi Lộc đã có nhiều cách làm hay, trong đó chú trọng giới thiệu việc làm, giúp người lầm lỡ ổn định cuộc sống.

Chỉ vì phút bồng bột của tuổi trẻ, Nguyễn Đình Quân, sinh năm 1994, ở xóm 6 xã Nghi Hợp đã phải lĩnh án 1 năm tù vì tội cướp giật tài sản. Thời gian đầu năm 2016, phần vì mặc cảm, tự ti phần vì không có việc làm, anh Quân không muốn tiếp xúc với ai.

Biết được hoàn cảnh của Quân, BCH Đoàn xã Nghi Hợp đã chủ động tiếp cận, động viên và chính Bí thư Đoàn xã Nguyễn Công Thành đã liên hệ giúp anh công việc phục vụ loa đài đám cưới. Anh Quân cho biết: "Làm nghề này, tuy thu nhập chưa phải là cao nhưng đã giúp tôi xóa đi mặc cảm, nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới".

Hàng trăm học viên Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An học nghề trong thời gian cai nghiện
Hàng trăm học viên Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An học nghề trong thời gian cai nghiện.

Nghi Hợp là xã có khá nhiều người hết hạn tù đang có mặt tại địa phương. Trong đó có hơn chục đối tượng đang ở trong độ tuổi thanh niên. Mỗi người một hoàn riêng nhưng hầu hết đều có chung tâm trạng, mặc cảm, tự ti, ngại tham gia các hoạt động xã hội. Đó cũng là trở ngại lớn trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng này.

Anh Nguyễn Công Thành - Bí thư Đoàn xã Nghi Hợp chia sẻ: "Trong quá trình hoàn lương, những thanh niên lầm lỡ cần có sự quan tâm tích cực của gia đình và xã hội. Tuổi trẻ xã nhà cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ họ tiến bộ.

Do vậy, năm 2015, BCH Đoàn xã Nghi Hợp đã tham mưu với UBND xã tổ chức gặp mặt tất cả những người vừa mãn hạn tù có mặt trên địa bàn để trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với các đối tượng. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn còn trực tiếp đến từng gia đình để trò chuyện, động viên các đối tượng mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, nhất là các hoạt động của thanh niên.

BCH Đoàn xã còn chủ động liên hệ tìm và giới thiệu việc làm cho nhiều thanh niên mãn hạn tù. Như trường hợp của anh Nguyễn Đình Tuấn ở xóm 2, anh Nguyễn Đình Cường ở xóm 8 nhờ sự giúp đỡ của đoàn xã nay đã đi làm nghề xây dựng, thu nhập khá ổn định, anh Nguyễn Đình An ở xóm 5 được vận động đi học tiếng Nhật để xuất khẩu lao động…

Được hỗ trợ vốn, anh Nguyễn Đình Thọ xóm Xuân Sơn xã Nghi Thạch có điều kiện phát triển sản xuất. Ảnh: anh Nguyễn Đình Thọ (người bên phải) trong gian hàng giới thiệu sản phẩm mộc gia dụng cao cấp của mình.
Được hỗ trợ vốn, anh Nguyễn Đình Thọ ở xóm Xuân Sơn, xã Nghi Thạch có điều kiện phát triển sản xuất. (Ảnh: Anh Nguyễn Đình Thọ (phải) giới thiệu sản phẩm mộc gia dụng cao cấp của mình.

Không chỉ ở Nghi Hợp mà thời gian qua, nhiều cơ sở Đoàn ở Nghi Lộc đã xây dựng được mô hình giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Theo chị Nguyễn Thị Lê - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc: những năm gần đây, cấp bộ Đoàn nhận thấy số thanh niên vi phạm pháp luật mãn hạn tù, thi hành án phạt tù hưởng án treo và cải tạo không giam giữ trên địa bàn khá lớn. Do vậy, BTV Huyện đoàn đã chỉ đạo quyết liệt Đoàn các xã, thị trấn quan tâm công tác giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ đối các tượng thanh niên chậm tiến. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá xếp loại cuối năm của từng cơ sở Đoàn.

Thực hiện chỉ đạo của Huyện đoàn Nghi Lộc, các cơ sở Đoàn, nhất là các đơn vị có đông thanh niên mãn hạn tù đã lập danh sách, phân loại đối tượng và phân công cán bộ theo dõi giúp đỡ, tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng để hỗ trợ kịp thời.

Năm 2016, BTV huyện Đoàn Nghi Lộc đã xây dựng mô hình "Dân vận khéo” tại xã Nghi Thạch nhằm vận động thanh niên chậm tiến tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội LHTN. Cùng với giáo dục cảm hóa về mặt tinh thần, Huyện đoàn Nghi Lộc đã làm thủ tục cho anh Nguyễn Đình Thọ - một thanh niên vừa mãn hạn tù ở xóm Xuân Sơn vay 50 triệu đồng từ Quỹ thanh niên lập nghiệp để mở xưởng mộc gia dụng.

Sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hội LHTN đã tạo nên động lực lớn để anh Thọ phát triển sản xuất đồ mộc gia dụng cao cấp. Hiện, xưởng mộc của anh mỗi tháng có doanh thu trên 570 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

BTV Đoàn xã Nghi Hợp tặng quà động viên thanh niên mãn hạn tù tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHTN.
BTV Đoàn xã Nghi Hợp tặng quà động viên thanh niên mãn hạn tù tích cực tham gia các hoạt động của Hội LHTN.

Tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội II Nghệ An, BTV Huyện đoàn Nghi Lộc đã chỉ đạo cơ sở đoàn tại đây thành lập CLB Thắp sáng niềm tin. Hoạt động chính của CLB là phổ biến pháp luật, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi cai nghiện. Trong hai năm 2015 - 2016, CLB phối hợp mở 4 lớp đào tạo nghề kỹ thuật xây dựng cho 100 học viên, nhận gia công cắt, gấp giấy tạo việc làm ổn định cho học viên vào cai nghiện. CLB còn đảm nhận giới thiệu việc làm cho học viên tái hòa nhập cộng đồng khi có nhu cầu.

Chị Nguyễn Thị Lê - Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc cho biết: Thời gian tới, BTV Huyện đoàn Nghi Lộc tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình, giúp đỡ cảm hóa thanh niên chậm tiến trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương.

Những việc làm cụ thể, thiết thực của tuổi trẻ Nghi Lộc đang góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật trong thanh niên nói riêng khi xu thế đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa.

Huyện Nghi Lộc hiện có trên 800 người hết hạn tù, chấp hành phạt tù hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ, trong đó 78% số đối tượng này là thanh niên.

Nhật Tuấn

(Đài Nghi Lộc)

TIN LIÊN QUAN