Phan Bội Châu - nhà nho yêu nước tiêu biểu đầu thế kỷ XX

28/10/2016 09:23

(Baonghean.vn) - Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đặt nền đô hộ lên toàn bộ đất nước ta và tổ chức khai thác thuộc địa một cách quy mô lớn. Trước tình hình đó, một số nhà nho yêu nước đã đứng lên đấu tranh chống lại thực dân Pháp và triều Nguyễn tay sai. Nổi bật trong số đó có cụ Phan Bội Châu, một nhà cách mạng, một nhà giáo vĩ đại của cả dân tộc.

Phan Bội Châu (1867 - 1940)
Phan Bội Châu (1867 - 1940)

Cụ Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở thiếu thời cụ đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, cụ viết bài "Hịch Bình Tây Thu Bắc" đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp.

Năm 19 tuổi (1885), cụ cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ tử Cần Vương” (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.

Sau đó, cụ Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài cụ nên các quan đã xin Vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), cụ đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An.

Trong vòng 5 năm sau khi đỗ Giải nguyên, Phan Bội Châu bôn ba khắp nước Việt Nam kết giao với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành), Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Đại,...

Năm 1904, cụ cùng Nguyễn Hàm và khoảng 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để - một người thuộc dòng dõi nhà Nguyễn - làm hội chủ.

Năm 1905, cụ cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp.

Một số lưu học sinh trong phong trào Đông Du (1905-1909).
Một số lưu học sinh trong phong trào Đông Du (1905-1909).

Tháng 6 năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam vong quốc sử về nước. Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, ông và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân hội bàn bạc rồi đưa ra kế hoạch hành động đó là: Nhanh chóng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra nước ngoài; Lập các hội nông, hội buôn, hội học để tập hợp quần chúng và để có tài chánh cho hội; Chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi học ở nước ngoài.

Tháng 10/1905, Phan Bội Châu trở lại Nhật Bản cùng với 3 thanh niên, sau đó lại có thêm 45 người nữa. Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học trường Chấn Võ. Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật Bản du học lên tới khoảng 200 người, sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Cống hiến hội...

Tháng 3/1908, phong trào "cự sưu khất thuế" (tức phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổi lên rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh khác. Bị thực dân Pháp đưa quân đàn áp, nhiều hội viên trong phong trào Duy Tân và Duy Tân hội bị bắt.

Bia tưởng niệm do Phan Bội Châu dựng tại Nhật để ghi nhớ công lao của người bạn lớn Asaba Sakitaro.
Bia tưởng niệm do Phan Bội Châu dựng tại Nhật để ghi nhớ công lao của người bạn lớn Asaba Sakitaro.

Mất mát này chưa kịp khắc phục, thì hai phái viên của hội là Hoàng Quang Thanh và Đặng Bỉnh Thành lại bị Pháp đón bắt được khi từ Nhật về Nam Kỳ nhận tiền quyên góp cho phong trào Đông Du. Tiếp theo nữa là Pháp và Nhật vừa ký một hiệp ước (tháng 9/1908), theo đó chính phủ Nhật ra lệnh trục xuất các du học sinh người Việt ra khỏi đất Nhật. Tháng 3/1909, Cường Để và Phan Bội Châu cũng bị trục xuất.

Cuối năm 1910, Phan Bội Châu chuyển một đại bộ phận hội viên (trong đó có khoảng 50 thanh niên) ở Quảng Đông về xây dựng căn cứ địa ở Bạn Thầm (Xiêm La). Tại đây, họ cùng nhau cày cấy, học tập và luyện tập võ nghệ để chuẩn bị cho một kế hoạch phục quốc sau này.

Thượng tuần tháng 5 năm Nhâm Tý (tháng 6/1912), trong cuộc “Đại hội nghị” tại từ đường nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông (Trung Quốc), có đông đủ đại biểu khắp 3 kỳ đã quyết định giải tán Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang phục Hội, tức thay đổi tôn chỉ từ chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ để đánh đuổi quân Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc kiến lập Việt Nam.

Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn chuẩn bị được khánh thành. Ảnh tư liệu
Nhà tưởng niệm cụ Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn sẽ được khánh thành vào ngày 29/10. Ảnh tư liệu

Mặc dù thay đổi tôn chỉ, nhưng Phan Bội Châu vẫn duy trì Kỳ Ngoại hầu Cường Để trong vai trò chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Quang phục Hội, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước.

Sau đó, Việt Nam Quang phục Hội cử một số hội viên về nước để trừ khử một vài viên chức Pháp và cộng sự đắc lực của họ, nhằm "đánh thức đồng bào", "kêu gọi hồn nước". Các cuộc bạo động bằng tạc đạn tuy xảy ra lẻ tẻ, nhưng vẫn khuấy động được dư luận trong và ngoài nước, làm nhà cầm quyền Pháp tăng cường khủng bố, khiến nhiều người bị bắt và bị giết. Bị kết tội chủ mưu, Phan Bội Châu và Cường Để bị thực dân Pháp cùng với Nam triều kết án tử hình vắng mặt.

Năm 1913, thực dân Pháp cử người đến Quảng Đông “mặc cả” với Tổng đốc Long Tế Quang yêu cầu bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân của hội. Ngày 24/12/1913, Phan Bội Châu bị bắt. Nhưng nhờ Nguyễn Thượng Hiền lúc bấy giờ đang ở Bắc Kinh vận động, nên Long Tế Quang không thể giao nộp ông cho Pháp, mà chỉ đưa giam vào nhà tù Quảng Đông, mãi đến tháng 2/1917, ông mới được giải thoát.

Trường THPT Phan Bội CHâu Nghệ An.
Trường THPT Phan Bội Châu Nghệ An.

Ra tù, Phan Bội Châu lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1922, phỏng theo Quốc dân Đảng của Tôn Trung Sơn, ông định cải tổ Việt Nam Quang phục Hội thành Đảng Quốc dân Việt Nam. Được Nguyễn Ái Quốc (lúc này đang làm Ủy viên Đông phương bộ, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế cộng sản) góp ý, Phan Bội Châu định thay đổi đường lối theo hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chưa kịp cải tổ thì ông bị bắt cóc ngày 30/6/1925 ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải giải về nước xử án tù chung thân.

Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, và nhờ sự can thiệp của Toàn quyền Varenne, ông được về an trí tại Bến Ngự (Huế). Trong 15 năm cuối đời, ông (lúc bấy giờ được gọi là Ông già Bến Ngự) vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được nhân dân yếu mến. Phan Bội Châu mất ngày 29/10/1940 tại Huế. Hiện tên ông đã được đặt cho trường chuyên của tỉnh Nghệ An, một con phố lớn tại Hà Nội và nhiều đường phố, trường học ở các tỉnh, thành trên cả nước./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN