Cơ quan nào làm sai quá nhiều phải xem lại trách nhiệm người đứng đầu

27/10/2016 20:19

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, chiều 27/10, dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng tổ 3, đại biểu Quốc hội 4 tỉnh gồm: Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An thảo luận tại tổ về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 27-10 của đại biểu 4 tỉnh Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 27/10 của đại biểu 4 tỉnh Trà Vinh, Hòa Bình, Lai Châu và Nghệ An.

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đa số đại biểu của đoàn Nghệ An đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL); tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác TGPL phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh điều hành phiên thảo luận tổ.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh điều hành phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn bởi diện người được TGPL được quy định trong dự án Luật sửa đổi lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành.

Đại biểu Trần Văn Mão cho rằng cần bỏ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” và cụm từ “bị buộc tội” trong tất cả các điểm b,đ,e,g của khoản 1, Điều 7. Đây là những loại giấy phép con và là điều kiện bổ sung chẳng những gây phiền hà cho người được TGPL, mà còn trực tiếp thu hẹp đối tượng TGPL, tước đi quyền được TGPL của những người thuộc diện được TGPL từ trước đến nay và không đồng bộ trong hệ thống pháp luật, ông Mão nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu thảo luận tổ.
Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu thảo luận tổ.

Với quan điểm không nên bỏ chế định "cộng tác viên" TGPL, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nêu rõ: Thực tế đội ngũ cộng tác viên đã có những đóng góp rất lớn cho hoạt động TGPL, nhất là hoạt động tư vấn pháp luật. Nhiều vụ việc TGPL phát sinh ở vùng sâu, vùng xa, nếu không còn chế định cộng tác viên, hoạt động TGPL cho người dân ở những vùng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, không phải vụ việc trợ giúp pháp lý nào cũng phức tạp, đòi hỏi người TGPL có trình độ, tiêu chuẩn cao. Việc quy định như dự án Luật sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động TGPL, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL của người dân, chưa phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.

Đại biểu Moong Văn Tình cho rằng cần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Đại biểu Mong Văn Tình cho rằng cần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Đại biểu Mong Văn Tình đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đặc biệt cần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý, cán bộ là người dân tộc thiểu số, những người am hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của người bản địa.

Cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.

Các đại biểu Nghệ An quan tâm đến các dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến sát thực.
Các đại biểu Nghệ An quan tâm đến các dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến sát thực.

Liên quan đến nội dung về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các đại biểu cho rằng, dự án Luật chưa bao quát hết các phạm vi, lĩnh vực phải bồi thường, trong khi điều này đã được Hiến định. Do đó, dự án Luật cần mở rộng phạm vi bồi thường chứ không chỉ là 3 lĩnh vực như dự án nêu để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Xung quanh quy định về việc quy trách nhiệm để xảy ra oan sai, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nêu ý kiến: Cơ quan nào gây ra oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, như vậy sẽ sát thực tế, nâng cao trách nhiệm cơ quan đó trong quản lý cán bộ, tránh tình trạng người này làm sai, người khác phải bồi thường. Cơ quan nào làm sai quá nhiều thì cũng phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu.

Các đại biểu cũng đề nghị việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường.

Diệp Anh - Tuấn Anh