Ngẫm từ vụ nhân viên cây xăng bị hành hung: Tha thứ nhưng đừng thoả hiệp

01/11/2016 17:48

(Baonghean.vn) - Mặc dù nạn nhân đã chấp nhận lời xin lỗi nhưng hành vi đánh người khi chưa phân định rõ đúng sai là hồi chuông báo động về cách xử sự bạo lực của một số người.

Ngày 1/11, chị Nguyễn Thị Ngọc đã tới cửa hàng xăng dầu Nghi Phú (TP Vinh) làm việc trở lại sau nhiều ngày nghỉ vì bị khách hàng tấn công. Người phụ nữ này nói rằng đã tha lỗi cho người đánh chị và không còn muốn nhắc lại vụ việc.

Trước đó, sáng 24/10, anh Hoàng Hữu Đức (37 tuổi, cán bộ Ngân hàng HTX Việt Nam tại Nghệ An), điều khiển ôtô vào Cửa hàng xăng dầu Nghi Phú để đổ xăng. Sau khi yêu cầu chị Ngọc đổ 500.000 đồng, khoảng 10 phút sau anh Đức lái xe quay lại vì cho rằng chị bơm thiếu, yêu cầu bơm thêm xăng. Lúc này trên xe còn có 3 đồng nghiệp của ông Đức.

Cửa hàng xăng dầu nơi xảy ra vụ việc.
Cửa hàng xăng dầu nơi xảy ra vụ việc.

“Anh Đức cho rằng tôi bơm không đủ 500.000 đồng, còn tôi thì cho rằng kim báo của xe anh Đức bị sai. Vì vậy anh Đức đã cầm cò bơm xăng đưa cho tôi bảo đổ đầy. Do đang bức xúc nên anh Đức cầm cò đưa cho tôi hơi mạnh tay, làm tôi bị xây xát nhẹ ở trán”, chị Ngọc nêu trong đơn gửi công an về việc đề nghị không tiếp tục điều tra.

Người phụ nữ này nói rằng, sau khi xảy ra vụ việc, anh Đức đã đưa chị tới bệnh viện và thanh toán toàn bộ chi phí. Vị cán bộ ngân hàng sau đó cũng đã tới nơi chị Ngọc làm việc và gia đình để công khai xin lỗi.

Mặc dù nạn nhân sau đó đã chấp nhận lời xin lỗi, hai bên cũng đã thỏa thuận không đưa vụ việc ra cơ quan công an nhưng hành vi của ông Đức bị lên án mạnh mẽ sau khi clip của camera an ninh ghi lại cảnh anh này tấn công chị Ngọc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, vụ việc lại diễn ra trong bối cảnh dư luận còn chưa hết bức xúc sau khi cán bộ Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội hành hung nữ nhân viên ở Sân bay Nội Bài.

“Mong rằng Ban giám đốc ngân hàng mở một khóa huấn luyện cho tất cả mọi người trong ngân hàng về quản lý/kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Mâu thuẩn phát sinh cần phải được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tất cả mọi người phải thượng tôn pháp luật. Phải ứng xử văn minh”, một bạn đọc nêu quan điểm.

Hành vi của ông Đức bị camera an ninh ghi lại.
Hành vi của ông Đức bị camera an ninh ghi lại.

Một tuần sau vụ việc, ông Đức bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày. 3 đồng nghiệp ngồi trong ôtô vào thời điểm ông Đức to tiếng với nhân viên bán xăng cũng bị ngân hàng yêu cầu viết tường trình vì không can ngăn đồng nghiệp và không kịp thời báo cáo cấp trên.

Trần tình về hành vi của mình, ông Đức cho hay sau khi thấy đã đổ 500.000 đồng nhưng kim xăng không lên nên ông quay xe trở lại để “hỏi cho rã nhẽ”. “Lúc này chị Ngọc bảo kim xăng xe của tôi bị hỏng rồi cùng 2 nhân viên khác bỏ đi chỗ khác, không hợp tác với tôi. Tôi sau đó yêu cầu chị Ngọc đổ xăng lại cho tôi nhưng chị này nói chờ cửa hàng trưởng về. Do quá bức xúc nên tôi đã cầm cò xăng đánh chị Ngọc”, ông Đức nói và cho rằng sau đó đã nhận thấy hành động của bản thân là sai trái và “cảm thấy ân hận vô cùng”.

Dư luận xã hội lên án hành vi của vị cán bộ ngân hàng, song nhiều người cũng đặt câu hỏi về cách ứng xử của nữ nhân viên đã đúng hay chưa?.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Nghi Phú, cho hay do quá bất ngờ nên chị Ngọc lúc đó cư xử chưa thực sự khéo léo. “Nhân viên cây xăng đã tuân thủ mọi quy định và không hề có chuyện gian lận mặc dù chưa thật sự khéo léo. Sau khoảng 30 phút xảy ra vụ việc, ông Đức cùng đại diện Công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh và cửa hàng đã tiếp tục đổ đầy bình xăng chiếc xe này nhưng kim báo xăng vẫn không hoạt động”, bà Cẩm nói.

Sau vụ việc, ông Đức bị tạm đình chỉ 15 ngày.
Sau vụ việc, ông Đức bị tạm đình chỉ 15 ngày.

Mặc dù nạn nhân chấp nhận lời xin lỗi, ông Đức cũng bị tạm đình chỉ công việc nhưng hành vi “không thể chấp nhận được” này như một hồi chuông báo động về cách xử sự của một bộ phận lâu nay vẫn được xem là tầng lớp trí thức. Họ sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” bất cứ khi nào và bất cứ với ai dù đó chỉ là những người phụ nữ. Những người đáng lẽ cần phải được bảo vệ.

Cũng có ý kiến cho rằng hiện nay, nhiều người có xu hướng bỏ qua dễ dàng khi trở thành "nạn nhân" của những hành xử kém văn minh bởi không muốn làm rùm beng và bị chú ý. Đó là tâm lý dễ hiểu của người trong cuộc trước bối cảnh truyền thông phát triển mạnh mẽ, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của thông tin vượt ngoài sức tưởng tượng ban đầu. Song sự tha thứ cho một hành vi chưa đẹp không đồng nghĩa với việc thoả hiệp, chấp nhận hành vi đó. Xã hội cần gióng lên hồi chuông báo động về lối hành xử bạo lực có xu hướng gia tăng hiện nay.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN