Ở Nghệ An có tình trạng dùng vũ khí nóng chi phối kết quả đấu giá

24/10/2016 15:13

(Baonghean.vn)- Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận về Dự án luật đấu giá tài sản. Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, đoàn Nghệ An có nhiều ý kiến tâm huyết, gây được sự chú ý. Báo Nghệ An giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu của bà Hoàng Thị Thu Trang.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/10 của Quốc hội về dự án luật Đấu giá tài sản
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, Phó cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/10 của Quốc hội về dự án luật Đấu giá tài sản.

Qua nghiên cứu và qua ý kiến của những người làm trong công tác bán đấu giá tài sản thì chúng tôi cho rằng dự án luật này đã được chuẩn bị trên tinh thần rất cầu thị, công phu và bài bản, các quy định cụ thể, rõ ràng có tính khả thi cao trong đó có những quy định mới mang tính đột phá về trình tự, thủ tục đấu giá, đảm bảo khuyến khích đấu giá tài sản tự nguyện của tổ chức, cá nhân vừa chặt chẽ trong việc đấu giá tài sản nhà nước cũng như tài sản thi hành án.

Tuy nhiên, để dự án luật được hoàn chỉnh, chúng tôi xin gửi Quốc hội ba vấn đề từ thực tiễn như sau:

Thứ nhất, về việc cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Dự thảo luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể việc cấp chứng chỉ theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho công dân. Tôi đồng tình với dự thảo, theo đó hoạt đồng bán đấu giá tài sản là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Tuy nhiên, về những trường hợp không được cấp và không được cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá được quy định tại Khoản 4, Điều 15 và Điểm b, Khoản 3, Điều 17 dự thảo quy định không cấp và không cấp lại chứng chỉ cho những người đã bị kết án về tội liên quan đến lừa đảo, tham nhũng, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

Ở đây chúng tôi thấy có hai vấn đề: Một là, đề nghị không quy định tội liên quan đến lừa đảo và tham nhũng vì rất khó xác định tội nào liên quan đến lừa đảo và tham nhũng. Đề nghị quy định rõ bị kết án về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các tội phạm được quy định tại chương tội phạm về tham nhũng trong Bộ luật Hình sự.

Dự thảo chỉ đặt ra việc cấm vĩnh viễn đối với những người bị kết án về tội lừa đảo và tham nhũng là thực sự chưa thuyết phục. Vì nếu làm một phép so sánh chúng tôi thấy có rất nhiều tội có khả năng ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức của đấu giá viên như những người phạm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, không chỉ riêng tội lừa đảo hay tham nhũng. Chúng tôi cho rằng nên có sự rà soát để mở rộng việc cấm vĩnh viễn đối với những người đã bị kết án đối với các tội trong tội phạm tham nhũng, tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hoặc không cấm vĩnh viễn đối với tất cả tội này tôi nghĩ công bằng và phù hợp hơn.

Thứ hai, về thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá. Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 16 quy định "vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 8 của luật này thì bị thu hồi". Trong khi Khoản 1, Điều 8 quy định các hành vi cấm đối với đấu giá viên. Quy định như thế này tôi nghĩ chưa phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước, bất cứ có hành vi nào vi phạm hành vi cấm thì bị thu hồi tôi nghĩ không phù hợp, nên chăng có quy định đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên mà còn tiếp tục vi phạm đối với những hành vi được quy định tại Khoản 1, Điều 8 sẽ bị thu hồi thì hợp lý hơn.

Về trình tự, thủ tục bán đấu giá. Có thể khẳng định dự thảo lần này có một bước đột phá để ngăn chặn tình trạng thông đồng, dìm giá, quân xanh, quân đỏ, một tình trạng đang nhức nhối hiện nay trong công tác bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, an toàn cho các phiên đấu giá, từ thực tiễn chúng tôi có hai kiến nghị: Thứ nhất, ngoài đấu giá viên, để tổ chức một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác không phải là đấu giá viên như thư ký, chuyên viên, v.v... thực tiễn cho thấy đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất lớn, tuy nhiên dự thảo luật chưa đề cập đến.

Vì vậy đề nghị dự thảo xem xét bổ sung các quy định về tiêu chuẩn điều kiện, hành vi cấm và các quy định khác để quản lý hành vi của nhóm người này. Vấn đề thứ hai thực tiễn cho thấy các cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm đối tượng và chúng ta quen gọi là cò, thậm chí có cả xã hội đen, mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá.

Cá biệt như ở Nghệ An có trường hợp dùng vũ khí nóng, dùng súng để chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá thu lời bất chính vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước gây hoang mang trong nhân dân. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào những quy định mới đột phá của dự thảo. Tuy nhiên, chúng tôi không chắc chắn những quy định này sẽ triệt tiêu hoàn toàn nạn cò, nạn xã hội đen trong bán đấu giá tài sản.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên đấu giá tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.

Về hủy kết quả đấu giá tài sản tại Khoản 1, Điều 72 quy định hủy kết quả bán đấu giá tài sản theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức bán đấu giá và người trúng đấu giá. Tuy nhiên, trong thực tế đối với tài sản là tài sản thi hành án thì người có tài sản ở đây được xác định là ai, là chủ sở hữu, chủ sử dụng hay cơ quan thi hành án dân sự, hay ngân hàng trong trường hợp ngân hàng nhận thế chấp tài sản thì thực tiễn cho thấy nội dung này hiện nay đang được thực hiện không thống nhất, thậm chí có những trường hợp lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản.

Một vấn đề cuối cùng, một thực tiễn làm công tác thi hành dân sự cho thấy rằng khác với việc bán đấu giá tài sản thông thường thì việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự có những đặc thù riêng như chủ thể người yêu cầu bán đấu giá tài sản không phải là chủ sở hữu, chủ sử dụng mà là cơ quan thi hành án, trong khi tài sản lại do người phải thi hành án nắm giữ, quản lý.

Việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự mang tính cưỡng bức, không phụ thuộc vào ý trí chủ quan của người có tài sản, có sự tham gia, có vai trò rất quan trọng của cơ quan nhà nước ở đây là thông qua cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên.

Thực tiễn cho thấy có vô vàn khó khăn vướng mắc liên quan đến việc bán đấu giá tài sản trong thi hành dân sự, có khi chúng tôi thấy bất lực trước sự vô hiệu của các quy định pháp luật, bất lực trước sự lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí của người nhà nước trong việc tổ chức bán đấu giá loại tài sản này.

Ngoại trừ lý do thị trường và tình hình tài chính có lẽ khó khăn lớn nhất ở đây chính là do tài sản khi đưa ra bán đấu giá vẫn do người phải thi hành án nắm giữ nên tâm lý của khách hàng ngại mua loại tài sản này.

Trên thực tế có rất nhiều cuộc bán đấu giá không thành do không có khách hàng đăng ký. Nhiều cuộc bán đấu giá nhiều lần, cá biệt có những cuộc bán đến 14, 20 lần nhưng vẫn không bán được. Có trường hợp tài sản bán được rồi nhưng vẫn không giao được do người có tài sản chống đối quyết liệt dẫn đến vụ việc kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm gây bức xúc, gây mất an toàn trật tự xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng năm 2016 có đến 11.080 vụ việc đã kê biên và bán đấu giá nhưng vẫn chưa bán được, với số tiền 32 nghìn tỷ đồng. Có đến 260 vụ việc bán đấu giá thành nhưng vẫn chưa bàn giao được.

Chúng tôi vẫn biết việc giao tài sản trúng đấu giá đây là quan hệ pháp luật thi hành án dân sự và nó được điều chỉnh tại Luật thi hành án dân sự. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ nó là thành quả của quan hệ pháp luật bán đấu giá tài sản và cần được quy định trọng luật bán đấu giá tài sản.

Từ những đặc thù đó và từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để quy định về bán đấu giá tài sản có hiệu quả, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét có những quy định riêng mang tính đột phá về thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Có như vậy mới mong tháo gỡ được những khó khăn đã vướng mắc.

Quy định rút gọn dễ bị lợi dụng

Theo ĐB Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân, cần xem xét lại quy định về việc những tài sản đưa ra đấu giá lần thứ 2 mà không thành công sẽ thực hiện theo quy trình rút gọn. Theo ĐB Cường, quy trình rút gọn là quy trình thực hiện thông báo rất ngắn, rất nhanh, tính công khai minh bạch kém nên dễ bị lợi dụng.

“Vì bất cứ tài sản nào muốn đưa vào quy trình rút gọn cũng rất dễ dàng. Chỉ việc đưa giá khởi điểm lần đầu, lần hai thật cao là sau đó sẽ được chuyển ngay sang hình thức rút gọn”, ĐB Cường phân tích.

Dương Gim - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN