Phó Thủ tướng: Có những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt

06/11/2016 19:56

"Giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

pho-thu-tuong-co-nhung-bieu-hien-thieu-chun-muc-trong-su-dung-tieng-viet

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VOV

Ngày 5/11, phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế ngoài xã hội, trên diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa, có những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt.

“Rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài. Điều đáng báo động là không có nhiều, không có đủ những phân tích, phê phán và nhắc nhở về những biểu hiện đó”, Phó thủ tướng nhận xét.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, của mỗi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn.

pho-thu-tuong-co-nhung-bieu-hien-thieu-chun-muc-trong-su-dung-tieng-viet-1

Hội thảo diễn ra trong một ngày với hơn 240 tham luận gửi đến. Ảnh: VOV

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết đây là hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ 3, sau hai hội nghị về "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" tổ chức năm 1966 và 1979. Hội thảo lần này tập trung nhiều hơn cho việc sử dụng tiếng Việt ở lĩnh vực thông tin đại chúng, bởi lẽ trong những năm gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí, được dư luận quan tâm và lo lắng. Đó là việc dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, rút tít thiếu cân nhắc, sai thực tế, sử dụng tiếng nước ngoài khá tùy tiện..., tác động tiêu cực, nhanh chóng đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, thông qua hội thảo lần này, Ban tổ chức đề nghị các cấp có thẩm quyền và cơ quan liên quan cần chăm lo việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hoàn thiện pháp luật, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt; hướng tới xây dựng Bộ luật tiếng Việt.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN