Khi nào thì nên từ chức?

03/11/2016 06:16

Sáng 2/11, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân đã đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức để những người “tài hèn, đức mỏng” ra đi, nhường chỗ cho bậc hiền tài.

Trao đổi với ĐB Lê Thanh Vân bên hành lang Quốc hội và đặt câu hỏi: “Theo ông, khi nào thì Chính phủ, các thành viên Chính phủ và những người đứng đầu nên từ chức theo đề xuất của ông?”.

ĐB Lê Thanh Vân trả lời: "Có ba trường hợp nên từ chức. Một là khi người đứng đầu thấy mình “tài hèn, đức mỏng” thì nên từ chức, đó là lòng tự trọng. Điều này là hiếm có.

Đại biểu Lê Thanh Vân:
Đại biểu Lê Thanh Vân: "Tài hèn, đức mỏng thì nên từ chức để nhường chỗ cho hiền tài". Ảnh: CHÂN LUẬN

Thứ hai, khi không hoàn thành nhiệm vụ cũng nên từ chức. Nếu kết quả công việc nói rõ là người đứng đầu không đủ sức đảm đương nhiệm vụ thì từ chức là điều nên làm. Chẳng hạn như không thể đối phó, xử lý một sự cố hoặc không thể hoàn thành cam kết đối với nhiệm vụ mình đã ký kết trong năm. Người đứng đầu phải thấy việc đó là quá sức mình bởi không có chiến lược, không có tầm nhìn, không có phương pháp điều hành, quản lý để xảy ra hậu quả và dư luận xã hội. Nếu có lòng tự trọng thì phải từ chức.

Trường hợp thứ ba nên từ chức là khi có hành vi vi phạm pháp luật". Theo ĐB Lê Thanh Vân, khi cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan, đơn vị của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu phải từ chức vì vấn đề này đã được Đảng quy định.

“Hình thức vi phạm có thể là việc ban hành văn bản trái pháp luật. Lúc này, người đứng đầu là người đồng phạm. Bởi việc ra văn bản trái pháp luật là vì lợi ích của tập thể, lợi ích cục bộ” - ông Vân nói.

Đặc biệt, khi người đứng đầu vi phạm pháp luật thì nên từ chức. “Như Thanh tra Chính phủ vừa có một số kết luận cho thấy nhiều vụ vi phạm pháp luật thì chủ mưu chính là người đứng đầu. Cấp dưới trực tiếp vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cũng phải từ chức” - ông Vân kiến nghị.

“Tôi đề nghị Chính phủ khởi xướng văn hóa từ chức này. Phải là văn hóa chứ không phải là trào lưu từ chức. Bởi trào lưu từ chức thường là việc phản ứng của những người bế tắc trước khó khăn công việc. Nhưng văn hóa từ chức chính là một sinh hoạt bình thường trong đời sống công vụ và là kết quả của lòng tự trọng” - ông Vân một lần nữa đề xuất.

Theo ông Vân, ở các nước phương Tây cũng như Nhật Bản, các quan chức sẵn sàng từ chức. “Ngay mới đây ở Hàn Quốc, tổng thống bị xã hội phản ứng khi tiết lộ thông tin của người bạn thân thì lập tức 10 cộng sự của bà đã từ chức. Nét văn hóa của họ là như thế” - ông Vân nhận định.

Ông Vân cũng nhận định rằng: "Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành văn hóa từ chức ở các cá nhân và những người đứng đầu".

“Phải giáo dục được lòng tự trọng, biết liêm sỉ, biết tôn trọng chính mình, trong đó nếu cảm thấy mình không đảm đương được nhiệm vụ, công việc thì nên thoái thác. Đó là cách bảo vệ lòng tự trọng, danh dự của mình” - ông Vân kết luận.

Theo PLO

TIN LIÊN QUAN